Rối loạn giấc ngủ là tình trạng chất lượng và thời lượng giấc ngủ thay đổi thất thường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần, thể chất của người bệnh. Hiểu rõ nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ và cách điều trị hiệu quả sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh và sức khỏe nói chung.
Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện của người bị rối loạn giấc ngủ
Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ và biện pháp điều trị, chúng ta cần nhận biết những biểu hiện của bệnh. Trung bình một người trưởng thành cần ngủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm. Rối loạn giấc ngủ được nhận biết thông qua việc thời gian và chất lượng giấc ngủ thay đổi.
Các dấu hiệu cho thấy giấc ngủ đang bị rối loạn gồm:
– Mất ngủ trong khoảng thời gian dài.
– Khó đi vào giấc ngủ đêm mặc dù thời gian ngủ ngày rất ngắn.
– Tỉnh giấc đột ngột vào ban đêm, buồn ngủ nhưng khó ngủ lại.
– Thay đổi thời gian đi ngủ – tỉnh dậy một cách bất thường.
– Dễ căng thẳng, cáu gắt.
– Hành động kỳ lạ trong khi ngủ (mộng du, nói mớ, rên rỉ, gặp ác mộng).
– Mệt mỏi vào ban ngày.
– Cảm giác ngứa, mỏi tay chân, muốn di chuyển khi đang cố gắng ngủ.
– Tiểu không tự chủ khi ngủ.
– Ngáy to, ngưng thở khi ngủ.
Trong đó, mất ngủ là biểu hiện rõ ràng và phổ biến nhất của người bị rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, trường hợp mất ngủ do các tác nhân bên ngoài trong thời gian ngắn như ô nhiễm tiếng ồn, không gian phòng ngủ quá sáng, sử dụng các chất kích thích (cà phê, các loại nước tăng lực,…) không được coi là rối loạn giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào, đặc biệt là ở những người cao tuổi.
2. Nguyên nhân hình thành rối loạn giấc ngủ và cách điều trị
Ngủ là thời điểm quan trọng để các bộ phận trong cơ thể được thư giãn và phục hồi. Thiếu ngủ là tác nhân khiến sức khỏe suy giảm. Người bệnh có nguy cơ cao gặp các vấn đề như:
– Tăng huyết áp.
– Dễ bị trầm cảm, lo âu.
– Gặp các trở ngại trong công việc và cuộc sống (khó tập trung làm việc, hay quên, không có năng lượng làm việc).
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Rối loạn giấc ngủ được hình thành từ những nguyên nhân như giới tính, tuổi tác và chế độ sinh hoạt. Nghiên cứu cho thấy, nữ giới có tỉ lệ rối loạn giấc ngủ cao hơn nam giới. Bên cạnh đó, trung niên và người cao tuổi là nhóm đối tượng thường có chất lượng giấc ngủ thấp hơn những người trẻ.
Lối sống có ảnh hưởng mạnh nhất tới giấc ngủ. Thường xuyên sử dụng chất kích thích, chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá no khiến bạn khó ngủ hoặc ngủ không sâu.
Nắm bắt nguyên nhân rối loạn giấc ngủ và có biện pháp điều trị hiệu quả là điều rất quan trọng giúp cải thiện sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
3. Biện pháp điều trị rối loạn giấc ngủ và cải thiện sức khỏe
Rối loạn giấc ngủ có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Xác định nguyên nhân rối loạn giấc ngủ và biện pháp điều trị đúng sẽ giúp bạn ngăn chặn những biến chứng nặng nề. Chuyên gia gợi ý cách xác định nguyên nhân và mức độ bệnh bằng phương đo điện não đồ, đo đa ký giấc ngủ.
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp. Hai cách điều trị rối loạn giấc ngủ chính được áp dụng hiện nay là điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.
3.1. Rối loạn giấc ngủ và cách điều trị thông qua các liệu pháp tâm lý
Sử dụng các liệu pháp thư giãn tâm lý, giải tỏa căng thẳng, thay đổi lối sống,… là phương pháp phổ biến được các chuyên gia chỉ định để điều trị rối loạn giấc ngủ. Người bệnh nên thực hiện trị liệu theo cách sau:
– Giảm thời gian ngủ ngày.
– Rèn thói quen ngủ và thức đúng giờ. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi trước khi đi ngủ. Không nghe nhạc to, xem phim kinh dị,… nhằm hạn chế các kích thích đến thần kinh, gây bồn chồn hoặc lo lắng khi ngủ.
– Tập các bài thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng hoặc 30 phút trước khi đi ngủ.
– Chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn đủ no vào bữa tối.
– Tạo môi trường tốt nhất trong phòng ngủ (hạn chế ánh sáng và tiếng ồn, điều chỉnh nhiệt độ thích hợp).
– Uống ít nước trước khi đi ngủ.
– Tắm nước ấm vào buổi tối tạo cảm giác thư giãn cho cơ thể.
– Không uống cà phê, rượu, trà đặc vào buổi tối.
– Sử dụng các biện pháp thư giãn cơ thể như yoga hay massage để giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
3.2. Rối loạn giấc ngủ và cách điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp người bệnh bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh. Thuốc thường được sử dụng trong khoảng thời gian ngắn và phải kết hợp với các phương pháp trị liệu khác để đảm bảo hiệu quả lâu dài. Một số loại thuốc được sử dụng để tránh mất ngủ như thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm, thuốc kích thích giấc ngủ,…
Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua các loại thuốc an thần, thuốc ngủ để điều trị rối loạn giấc ngủ. Đây là những tác nhân có thể gây “nghiện” thuốc, khiến cơ thể sinh ra cảm giác phụ thuộc. Lâu dần, bạn mất khả năng tự đi vào giấc ngủ nếu không có thuốc hỗ trợ. Ngoài ra, thuốc có thể đem lại những tác dụng phụ gây hại cho hệ thần kinh, gan và thận. Việc sử dụng thuốc chỉ nên được coi là một phương pháp điều trị tạm thời và nên được kết hợp với các biện pháp điều trị khác như thay đổi lối sống và thói quen ngủ.
Rối loạn giấc ngủ là dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần nghỉ ngơi và thay đổi chế độ sinh hoạt. Cần hiểu rõ tình trạng rối loạn giấc ngủ và phương pháp điều trị đúng để ngăn chặn những nguy hại có thể xảy ra. Bạn nên đến bệnh viện để gặp các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh nếu tình trạng giấc ngủ giảm sút kéo dài.