Có chửa ngoài tử cung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ nếu không được can thiệp kịp thời. Trong bài viết dưới đây, TCI sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan bao gồm nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị chửa ngoài tử cung để giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về có chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung là tình trạng thai nghén không phát triển bên trong tử cung mà thay vào đó, phôi thai làm tổ và phát triển tại những vị trí khác ngoài tử cung như vòi trứng, buồng trứng, hoặc vết sẹo mổ. Đây là vấn đề nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của phụ nữ nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời.
1.1 Triệu chứng khi có chửa ngoài tử cung
Khi mang thai ngoài tử cung, chị em vẫn sẽ có những triệu chứng như mang thai bình thường như chậm kinh, tức ngực. Tuy nhiên, sẽ có thêm những dấu hiệu đặc trưng, yêu cầu phải nhận biết sớm để can thiệp và điều trị kịp thời. Dưới đây là những triệu chứng chửa ngoài tử cung, giúp chị em nhận diện tình trạng này và đến bệnh viện ngay để kiểm tra càng sớm càng tốt.
– Chảy máu âm đạo: Nhiều chị em thường nhầm lẫn tình trạng này với máu báo thai. Tuy nhiên, chảy máu âm đạo có màu đỏ thẫm, kéo dài và có thể đi kèm với đau bụng âm ỉ, kéo dài, trong khi đó máu báo thai chỉ là lượng máu nhỏ, màu hồng phớt hoặc nâu.
– Đau bụng: Đau bụng một bên, âm ỉ, đau kéo dài thường xuyên, đặc biệt là khi kết hợp với chảy máu âm đạo, có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung.
– Bủn rủn chân tay, toát mồ hôi, ngất xỉu: Nguyên nhân là do thai ngoài tử cung có thể gây áp lực lên các cơ quan xung quanh và gây lên triệu chứng này.
Khi những triệu chứng kể trên xuất hiện, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức, để đảm bảo rằng bất kỳ vấn đề nào xảy ra đều được xác định và điều trị kịp thời.
1.2. Nguyên nhân có chửa ngoài tử cung
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên, có nhiều yếu tố và điều kiện có thể góp phần tạo ra tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể dẫn tới thai ngoài tử cung:
– Ống dẫn trứng bị viêm và tạo sẹo làm hạn chế sự di chuyển của trứng và gây ra mang thai ngoài tử cung.
– Sự biến động của nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến quá trình di chuyển của trứng, làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Các yếu tố như stress có thể tăng nguy cơ này.
– Phụ nữ có dị dạng cơ quan sinh dục có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung.
– Nếu trong gia đình có người từng trải qua thai ngoài tử cung, nguy cơ mang thai ngoài tử cung của bạn có thể tăng lên đáng kể.
– Phụ nữ ở độ tuổi cao có tỷ lệ mang thai ngoài tử cung cao.
– Phụ nữ từng mang thai ngoài tử cung có nguy cơ tái phát cao.
– Phụ nữ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm nhiễm và sẹo trên ống dẫn trứng, làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
– Thói quen hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
– Phụ nữ đang điều trị vô sinh có thể mang thai ngoài tử cung.
– Phụ nữ tránh thai bằng thuốc tránh thai, dụng cụ tránh thai hoặc thắt ống dẫn trứng có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung.
Cần lưu ý rằng, thai phụ vẫn có thể mang thai ngoài tử cung cho dù không thuộc trường hợp nào trong các trường hợp kể trên. Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng, khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, chị em nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để phát hiện vấn đề và can thiệp kịp thời.
2. Kiểm tra và chẩn đoán chửa ngoài tử cung
Khi phụ nữ có những triệu chứng đặc biệt nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, quá trình kiểm tra và chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và can thiệp kịp thời. Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán mà bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ thực hiện để chẩn đoán thai ngoài tử cung.
– Thử thai: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thử thai bằng cách xác định nồng độ hormone HCG có trong nước tiểu hoặc máu. Hormone HCG là hormone đặc biệt chỉ xuất hiện khi có thai, giúp xác định một phụ nữ có mang thai hay không. Tuy nhiên phương pháp này không thể cung cấp thông tin về vị trí của thai nhi.
– Siêu âm: Siêu âm là một công cụ quan trọng giúp xác định vị trí chính xác của thai nhi. Kết quả siêu âm sẽ cho thấy liệu có túi thai trong tử cung hay không, và có thể phát hiện tình trạng chảy máu nếu có.
– Nội soi ổ bụng: Phương pháp này mang lại hiệu quả nhanh chóng và chính xác trong việc chẩn đoán thai nằm ngoài tử cung.
3. Phương pháp quản lý thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung đòi hỏi sự can thiệp và quản lý kịp thời để bảo vệ sức khỏe của thai phụ. Phương pháp để quản lý thai ngoài tử cung tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh.
3.1. Điều trị bằng thuốc
Trong trường hợp khối chửa ngoài tử cung nhỏ không quá 3cm và phát hiện sớm, việc sử dụng thuốc Methotrexate để điều trị là phương pháp phổ biến. Thuốc này giúp ngăn chặn sự phân chia tế bào của khối thai.
Sau khi tiêm thuốc, khối thai sẽ tự tiêu biến sau 4-6 tuần điều trị. Tuy nhiên trong suốt thời gian này, thai phụ vẫn cần được theo dõi và xét nghiệm HCG thường xuyên. Điều này giúp bác sĩ đưa ra quyết định có tiếp tục theo dõi hay thay đổi phương pháp điều trị.
3.2. Phẫu thuật nội soi
Đối với những trường hợp thai ngoài tử cung kích thước lớn nhưng chưa vỡ, phẫu thuật nội soi có thể được thực hiện.
3.3. Phẫu thuật mở bụng
Trong những trường hợp nghiêm trọng, khi thai ngoài tử cung đã vỡ và gây xuất huyết, phẫu thuật mở bụng là lựa chọn. Trong khi phẫu thuật, ống dẫn trứng bị hư hỏng sẽ được loại bỏ.
Lưu ý: Sau điều trị chửa ngoài tử cung, thai phụ được khuyến cáo tránh mang thai trong khoảng 3 tháng để đảm bảo sự hồi phục hoàn toàn và giảm nguy cơ tái phát.
Trên đây là những thông tin quan trọng liên quan đến vấn đề có thai ngoài tử cung. Nếu bạn nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng này hoặc có nhu cầu tìm hiểu chi tiết hơn về các triệu chứng cũng như phương pháp điều trị, vui lòng liên hệ với Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI để được các bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ kịp thời.