Tiền sản giật là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong thai kỳ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, nó sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu mẹ bầu nào muốn biết “Tiền sản giật có nguy hiểm không?”, hãy đọc ngay bài viết của chúng tôi bên dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một trong những biến chứng thai kỳ vô cùng nghiêm trọng mà các mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý. Những mẹ bầu mang thai có huyết áp bình thường vẫn có khả năng mắc tiền giật sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Huyết áp tăng nhẹ, phù nề và protein niệu là những dấu hiệu đặc trưng của tiền sản giật. Do đó, nếu không điều trị sớm, tiền sản giật có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
2. Những dấu hiệu thường gặp của tiền sản giật là gì?
Đôi khi tiền sản giật có thể phát triển mà không có dấu hiệu nào. Trong nhiều trường hợp mẹ bầu mắc tiền sản giật, huyết áp tăng nhẹ là triệu chứng nhận biết đầu tiên. Vì vậy, việc theo dõi huyết áp là điều vô cùng cần thiết trong thăm khám và chăm sóc thai kỳ.
Ngoài huyết áp đột ngột tăng cao, một số dấu hiệu thường gặp nhất của tiền sản giật là:
– Trong nước tiểu có chứa protein hoặc các vấn đề về thận
– Đau đầu nghiêm trọng và dữ dội
– Thay đổi tầm nhìn tạm thời như mắt mờ đi hoặc nhạy cảm với ánh sáng
– Hay đau bụng trên, thường ở ngay dưới sườn bên phải
– Buồn nôn, nôn ói
– Lượng nước tiểu giảm đi, đi tiểu ít dần
– Lượng tiểu cầu trong máu giảm đi
– Chức năng gan bị suy giảm
– Khó thở vì có dịch ở trong phổi
– Tăng cân và phù nề tay, chân, mặt một cách đột ngột
3. Nguyên nhân gây ra tiền sản giật là gì?
Một số nguyên nhân chính gây ra tiền sản giật là:
– Mẹ bầu có tiền sử mắc tiền sản giật
– Gia đình có người thân cùng huyết thống gần nhất mắc tiền sản giật
– Mẹ bầu từng mắc bệnh tăng huyết áp mãn tính, tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2, đau nửa đầu, bệnh thận, máu khó đông…
– Mẹ bầu trên 40 tuổi
– Khoảng cách giữa 2 lần mang thai là dưới 2 năm hoặc trên 10 năm
– Mẹ bầu thụ thai bằng phương pháp IVF – thụ tinh trong ống nghiệm
– Mẹ bầu bị béo phì, thừa cân…
4. Tiền sản giật có nguy hiểm không – mẹ đã biết chưa?
Tiền sản giật có nguy hiểm không là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu. Trên thực tế, đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng của mẹ bầu lẫn thai nhi. Một số biến chứng nghiêm trọng của tiền sản giật phải kể đến là:
4.1. Hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi
Tiền sản giật ảnh hưởng trực tiếp đến các động mạch mang máu tới nhau thai. Vì vậy, nếu nhau thai không nhận đủ máu thì bào thai cũng có thể không nhận đủ máu, chất dinh dưỡng và oxy. Điều này sẽ hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi, khiến em bé trong bụng bị nhẹ cân hoặc sinh non.
4.2. Sinh non
Trong trường hợp bị tiền sản nặng, mẹ bầu cần phải tới viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Với những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu sinh sớm để đảm bảo tính mạng của mẹ và bé. Tuy nhiên, những em bé sinh non thường mắc các vấn đề về hô hấp cũng như một số căn bệnh khác.
4.3. Nhau thai bong non
Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau thai bong non. Nếu tình trạng nhau thai bong non diễn ra đột ngột và nghiêm trọng sẽ chảy nhiều máu, đe dọa tính mạng cho mẹ bầu lẫn thai nhi.
4.4. Hội chứng HELLP
HELLP là hội chứng thiếu máu tán huyết và tăng men gan, giảm tiểu cầu ở chị em phụ nữ đang mang thai. Đây là biến chứng sản khoa nguy hiểm của tiền sản giật, có thể đe dọa tới tính mạng của mẹ bầu. Thông thường, biến chứng này thường xảy ra vào giai đoạn cuối của thai kỳ, đôi khi là sau khi sinh.
4.5. Sản giật
Nếu tiền sản giật không được kiểm soát kịp thời và tiến triển nặng, mẹ bầu sẽ có nguy cơ mắc sản giật. Trên thực tế, sản giật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ bầu lẫn thai nhi. Do đó, khi bị sản giật, mẹ bầu nên tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo tính mạng của mẹ và bé.
4.6. Gây tổn thương các cơ quan khác
Tiền sản giật nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn tới tổn thương các cơ quan khác như thận, gan, tim, phổi hoặc mắt. Không chỉ vậy, căn tình trạng này còn có thể khiến mẹ bầu bị đột quỵ hoặc chấn thương não. Về cơ bản, tùy vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật, số lượng các cơ quan bị tổn thương sẽ khác nhau.
4.7. Bệnh tim mạch
Tiền sản giật khiến mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch trong tương lai. Nếu mẹ bầu mắc tiền sản giật nhiều lần hay sinh non, nguy cơ này còn lớn hơn nhiều. Vì vậy, để hạn chế những rủi ro này, sản phụ sau sinh hãy duy trì cân nặng ổn định, ăn nhiều rau củ quả, trái cây, tập thể dục đều đặn và không uống bia rượu, hút thuốc.
5. Các phương pháp điều trị tiền sản giật
5.1. Phương pháp điều trị tiền sản giật nhẹ
– Mẹ bầu có thể điều trị và theo dõi ngoại trú bằng cách đo huyết áp 2 lần/ ngày.
– Mẹ bầu nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý và nằm ngủ nghiêng về bên trái.
– Mẹ bầu nên theo dõi cân nặng sát sao, nếu tăng hơn 1,4kg trong 1 ngày thì phải nhập viện để được bác sĩ điều trị kịp thời.
– Mẹ bầu nên uống đủ 2 – 3 lít nước/ ngày và ăn nhạt.
5.2. Phương pháp điều trị tiền sản giật nặng
Nếu bị tiền sản giật nặng, mẹ bầu phải nhanh chóng nhập viện và tuân thủ theo đúng phương pháp điều trị của bác sĩ. Theo đó, mẹ bầu sẽ được đo huyết áp 4 lần/ ngày, theo dõi cân nặng và protein niệu mỗi ngày, xét nghiệm đếm số lượng tiểu cầu, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục. Một số phương pháp điều trị tiền sản giật nặng cơ bản là:
5.2.1. Điều trị nội khoa
– Mẹ bầu nên nghỉ ngơi nhiều hơn và nằm nghiêng về bên trái.
– Mẹ bầu sẽ được tiêm hoặc uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
5.2.2. Điều trị ngoại khoa và sản khoa
Trong trường hợp mẹ bầu bị tiền sản giật nặng và biến chứng thành sản giật, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu chấm dứt thai kỳ dù ở tuổi thai nào đi chăng nữa. Lúc này, tốt nhất mẹ nên sinh mổ để đảm bảo tính mạng cho mẹ và bé.
Hy vọng với bài viết trên đây, chị em đã giải đáp được thắc mắc “Tiền sản giật có nguy hiểm không?”. Tốt nhất, mẹ bầu nên đi khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát được tình trạng sức khỏe của mình và thai nhi trong bụng.