Nắng nóng không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với những người bị thoái hóa khớp. Cùng tìm hiểu thoái hóa khớp là gì? Vì sao nắng nóng lại khiến bệnh thoái hóa xương khớp trầm trọng hơn và đưa ra giải pháp cho vấn đề này.
Menu xem nhanh:
1. Thoái hóa khớp là gì? Dấu hiệu nhận biết
1.1 Khái niệm thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp được hiểu là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.
1.2 Những dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp là gì?
Dấu hiệu nhận biết lâm sàng là tình trạng đau khớp và cột sống mạn tính, không có biểu hiện viêm. Được mô tả cụ thể như sau:
Đau khớp
Cơn đau thương xuất hiện khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Vị trí đau tập trung ở khớp hay đoạn cột sống bị thoái hóa, đau kiểu đối xứng hai bên. Cơn đau âm ỉ, có thể đau cấp ngay sau khi người bệnh vận động ở tư thế bất lợi, đau nhiều hơn vào buổi chiều và giảm dần về đêm và sáng sớm. Đau thường âm ỉ và kéo dài thành từng đợt, có khi đau liên tục tăng dần và đau không kèm biểu hiện viêm.
Hạn chế vận động
Phần khớp và cột sống bị thoái hóa sẽ bị hạn chế vận động một phần do phản xạ co cứng cơ. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi quay cổ, cúi.
Biến dạng khớp
Hay gặp là biến dạng trong khớp do mọc gai xương, lệch trục khớp, thoát vị màng hoạt dịch. Đa số thoái hóa khớp không gây biến dạng khớp nhiều như trong các bệnh khớp khác.
2. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp là gì?
Nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp là quá trình lão hóa theo tuổi tác và tình trạng chịu áp lực quá tải, kéo dài của sụn khớp.
2.1 Sự lão hóa xương khớp theo tuổi tác
Khi bước vào độ tuổi trưởng thành, các tế bào sụn khớp không có khả năng sinh sản và tái tạo được nữa. Cơ thể chúng ta cũng lão hóa theo thời gian, điều này khiến các tế bào sụn bị suy giảm dần chức năng tổng hợp chất, làm cho chất lượng sụn khớp kém dần (tính đàn hồi và chịu lực kém).
2.2 Áp lực quá tải và kéo dài
Dị dạng bẩm sinh, biến dạng xương khớp thứ phát (sau chấn thương, u, loạn sản,…), sự tăng tải trọng (do tăng cân quá mức, do bệnh nghề nghiệp) là những yếu tố làm thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa.
Ngoài ra, các yếu tố khác như di truyền (cơ địa già sớm), nội tiết (tuổi mãn kinh, tiểu đường, loãng xương do nội tiết), bệnh lý chuyển hóa (bệnh gout, da sạm màu),… cũng là những yếu tố tác động đẩy nhanh quá trình thoái hóa xương khớp.
3. Vì sao thoái hóa khớp tăng nặng trong mùa nóng?
Nhiều người mới chỉ biết các bệnh lý về xương khớp thường gia tăng và nặng hơn vào mùa lạnh hay thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, nắng nóng cũng là một “chất xúc tác” không hề nhẹ gây trầm trọng thêm tình trạng thoái hóa xương khớp.
Lý giải cho điều này, các chuyên gia nhận định rằng tại các vị trí khớp trên cơ thể như đầu gối, khuỷu tay, hông đều chứa chất hoạt dịch (dịch khớp). Chất này giúp bôi trơn và đảm bảo chức năng hoạt động bình thường cho các khớp. Vào tiết trời nắng nóng, nhiệt độ tăng, độ ẩm thay đổi sẽ khiến độ dày lớp hoạt dịch tăng lên làm lấp đầy các khớp, từ đó dễ gây tình trạng viêm khớp.
Lúc này, người bệnh sẽ thấy khớp bị cứng, khó cử động, đặc biệt ở người lớn tuổi và người vốn đã mắc bệnh thoái hóa khớp. Khi nhiệt độ tăng cao cũng gây tăng tiết mồ hôi và khiến cơ thể mất nước. Do đó, chất dịch lỏng xung quanh khớp cũng bị giảm, gây nên các cơn đau tại khớp.
Bên cạnh đó, thời tiết nóng khiến mọi người ngại đi lại, giảm ra ngoài trời, ít vận động. Các khớp giảm vận động sẽ càng dễ bị cứng và gây đau, tăng mức độ thoái hóa.
Với những người bị thoái hóa khớp, sự tác động của nắng nóng là rõ rệt và trực tiếp, bởi nhiệt độ cao cùng áp suất không khí thay đổi làm tăng khả năng bào mòn sụn ở khớp. Điều này cũng kích thích phản ứng của các dây thần kinh cảm giác tại các khớp, khiến các cơn đau tăng lên.
4. Lời khuyên từ chuyên gia cho bệnh thoái hóa khớp là gì?
Theo Bác sĩ CKII, Thầy thuốc Ưu tú Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan thì những người bị thoái hóa xương khớp cần có các biện pháp đúng cách để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của nắng nóng.
Trước hết, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu phải ra ngoài, hãy sử dụng kem chống nắng cùng các vật dụng hỗ trợ giảm tác động của nhiệt độ cao và ánh nắng như khẩu trang, nón mũ, kính râm….
Hiện nay, nhiệt độ đang ngày càng tăng cao, nắng nóng gây mất nước và mất muối trong cơ thể, do đó, cần duy trì lượng nước cân đối bằng cách uống đủ nước trong ngày. Nước giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể và giảm nguy cơ tổn thương khớp.
Bên cạnh đó, người có các triệu chứng thoái hóa xương khớp cần tránh các hoạt động mạnh và di chuyển trong thời tiết nắng nóng. Nếu cần thiết, hãy lên lịch vận động vào sáng sớm hoặc buổi tối khi nhiệt độ mát mẻ hơn.
Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe tổng quát và cải thiện các triệu chứng thoái hóa khớp, bác sĩ Loan gợi ý tất cả mọi người điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh như bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Nên ưu tiên các thực phẩm như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá hồi và dầu ô liu.
Đối với các trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp nặng, chuyên gia gợi ý các biện pháp giảm đau như dùng thuốc hoặc vật lý trị liệu. Những phương pháp này chỉ có thể áp dụng sau khi thăm khám và bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán cụ thể. Bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc hoặc điều trị bằng các biện pháp dân gian, tránh tình trạng bệnh tiến triển trầm trọng hơn.
Đặc biệt, bác sĩ khuyến cáo khi gặp các triệu chứng bất thường như đau nhức, cứng và sưng tấy tại các vùng khớp,… người bệnh nên đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.