Giải đáp: Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Thoái hóa khớp gối là căn bệnh xương khớp phổ biến và chưa có cách điều trị triệt để. Bệnh nhân cần kết hợp nhiều phương pháp để giảm cơn đau nhức và hạn chế biến chứng. Nhiều bệnh nhân có thắc mắc rằng “thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?”, cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

1. Tổng quan thông tin về bệnh thoái hóa khớp gối

Khớp gối là bộ phận quan trọng khi có nhiệm vụ nâng đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể và giúp cho việc di chuyển, đi lại trở nên linh hoạt hơn. Khi khớp gối bị viêm nhiễm hoặc xương khớp bước vào thời kỳ lão hóa sẽ dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp.

Nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do sự lão hóa các lớp sụn khớp, xương có liên quan đến khớp gối. Ngoài ra, bệnh có thể do một số nguyên nhân khác như: chơi thể thao không đúng cách gây chấn thương ở khớp gối; lao động nặng nhọc, bê vác quá sức; chế độ ăn uống không khoa học khiến khớp xương bị suy yếu; sử dụng chất kích thích gây hại cho xương khớp.

Thoái hóa khớp gối là bệnh phổ biến ở người cao tuổi tuy nhiên đang có xu hướng trẻ hóa gần đây

Thoái hóa khớp gối là bệnh phổ biến ở người cao tuổi tuy nhiên đang có xu hướng trẻ hóa gần đây

2. Giải đáp băn khoăn: Người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?

2.1. Người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không, lợi ích của việc đi bộ như thế nào?

Bệnh nhân có khớp gối thoái hóa có nên đi bộ không là băn khoăn của rất nhiều người. Một số người cho rằng việc di chuyển khiến cho tình trạng đau nhức ở khớp gối trở nên nghiêm trọng hơn.

Cấu tạo khớp gối bao gồm có xương và sụn khớp. Lớp sụn khớp không có mạch máu nuôi dưỡng nên chủ yếu dựa vào dịch khớp để nhận các dưỡng chất quan trọng. Do đó, việc vận động thường xuyên là hoạt động cần thiết giúp sụn khớp nhận đủ dinh dưỡng để thực hiện chức năng của nó.

Do đó, đi bộ đều đặn là việc mà những người bị thoái hóa sụn khớp gối nên làm để đảm bảo có đủ lượng dịch khớp cần thiết thực hiện các nhiệm vụ sau:

– Nuôi dưỡng và bảo vệ khớp gối đang bị sưng đau và tổn thương.

– Giảm ma sát trên sụn khớp nhờ đó làm chậm quá trình thoái hóa.

– Duy trì chức năng và sự linh hoạt vốn có của khớp gối.

Bên cạnh đó, việc đi bộ còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:

– Giúp cơ bắp chân khỏe khoắn hơn

Đi bộ đều đặn góp phần tăng sức mạnh cho cơ bắp chân, từ đó có thể hỗ trợ khớp gối bằng việc san sẻ áp lực từ trọng lượng cơ thể. Như vậy, khớp gối sẽ bớt gánh nặng và đỡ đau hơn.

– Phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc giảm cân

Thừa cân là nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa và nhiều bệnh khác. Cứ 0,45 kg mất đi, áp lực đè nặng lên đầu gối sẽ giảm đi 4 lần. Đây cũng là lý do mà bác sĩ luôn khuyến khích mỗi người nên duy trì cân nặng vừa phải để bảo vệ sức khỏe.

Nếu đang bị thừa cân, người bệnh nên giảm cân bằng bằng cách đi bộ, thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung đầy đủ thực phẩm tốt cho tình trạng thoái hóa khớp…

– Một số ích lợi khác

Bên cạnh những lợi ích kể trên, thói quen đi bộ còn có một số lợi ích khác đối với người bệnh thoái hóa sụn khớp gối, bao gồm:

+ Ngủ ngon hơn, điều hòa giấc ngủ tốt hơn.

+ Tăng cường lưu thông máu

+ Giảm tình trạng căng thẳng, lo âu và các vấn đề tâm lý khác

+ Hạn chế phát sinh biến chứng tim mạch liên quan đến thoái hóa khớp nói chung.

2.2. Người bị thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không, đi như thế nào mới đúng cách?

Mặc dù việc đi bộ cho bệnh nhân có khớp gối bị thoái hóa là rất tốt. Tuy nhiên, người bệnh cũng nên lưu ý cách đi bộ, thời gian luyện tập để có kết quả điều trị tốt. Đồng thời tránh làm ảnh hưởng xấu đến xương khớp.

Đầu tiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ rằng mình có đủ khả năng để đi bộ hay không. Sau đó bệnh nhân bắt đầu luyện tập và lưu ý một số điều như sau:

– Chọn tuyến đường an toàn, khoảng cách phù hợp

Khi bắt đầu đi bộ, người bệnh nên bắt đầu ở những tuyến đường bằng phẳng. Không nên đi ở những đoạn đường quá đông xe cộ. Thay vào đó nên đi vào công viên hoặc vỉa hè.

Người bệnh không nên chọn nơi quá vắng vẻ và xa nhà vì nếu có vấn đề ngoài ý muốn xảy ra sẽ không tìm được sự giúp đỡ.

– Lưu ý tư thế

Trước khi đi bộ, người bệnh nên khởi động kỹ để tránh gây tổn thương lên xương khớp. Khi đi bộ cố gắng thẳng lưng và giữ nhịp thở đều đặn.

– Lựa chọn thời gian đi bộ hiệu quả

Thời gian đi bộ phù hợp là vào sáng sớm hoặc buổi tối. Bệnh nhân không nên đi ngay sau khi ăn quá no và khi quá đói. Đi bộ vào buổi sáng kích thích khả năng tập trung cũng như làm thuyên giảm cơn đau khớp gối.

Trong khi đó việc đi bộ vào ban đêm đem lại một số hiệu quả như: giúp ngủ ngon hơn; hạn chế cơn đau, cứng khớp vào sáng sớm hôm sau.

Người bệnh nên tăng thời gian tập luyện từng ngày, đi từ chậm đến nhanh. Khi thấy mệt, người bệnh nên nghỉ ngơi chứ không nên quá gắng sức. Điều quan trọng trong việc tập luyện là sự đều đặn. Mỗi ngày người bệnh chỉ cần đi 5-10 phút nhưng cần duy trì thói quen hàng ngày.

– Lựa chọn giày và quần áo thoải mái

Việc lựa chọn giày và quần áo để đi bộ rất quan trọng đặc biệt với bệnh nhân có khớp gối bị thoái hóa. Một đôi giày tốt sẽ làm cho việc di chuyển, đi lại thuận lợi và tránh được tổn thương không đáng có. Người bệnh nên chọn những đôi giày chuyên để đi bộ và lựa chọn kích thước phù hợp. Ngoài ra cũng nên lựa chọn quần áo thoáng mát để việc đi bộ thoải mái và hiệu quả hơn.

Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không? Người bị thoái hóa khớp gối nên đi bộ đều đặn tuy nhiên cần tìm hiểu để đi đúng, đi hiệu quả

Người bị thoái hóa khớp gối nên đi bộ đều đặn tuy nhiên cần tìm hiểu để đi đúng, đi hiệu quả

3. Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc bệnh nhân thoái hóa sụn khớp gối

Trong quá trình điều trị căn bệnh này, bệnh nhân cũng nên chú ý vào chế độ dinh dưỡng để có kết quả điều trị tích cực. Một số thực phẩm tác động xấu đến tình trạng thoái hóa sụn khớp là:

– Thực phẩm được chế biến theo dạng chiên rán nhiều dầu mỡ

– Đồ ăn chế biến quá mặn và chứa hàm lượng chất ngọt quá cao

– Thực phẩm chứa nhiều chất purin như nội tạng động vật

– Rượu bia, chất kích thích, đồ uống có ga cũng là thực phẩm người bệnh nên hạn chế tối đa

Người có khớp gối bị thoái hóa nên tránh xa bia, rượu và đồ uống có cồn

Người có khớp gối bị thoái hóa nên tránh xa bia, rượu và đồ uống có cồn

Bên cạnh việc cân bằng chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân cũng nên lưu ý trong vận động hàng ngày. Người bệnh hạn chế tối đa các vận động quá mạnh. Hạn chế các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp tới đầu gối như bê vác đồ vật nặng, chơi các môn thể thao mạo hiểm hoặc luyện tập thể thao quá sức.

Bài viết trên đây đã phần nào giải đáp thắc mắc “Thoái hóa khớp gối có nên đi bộ không?”. Hi vọng bài viết cung cấp thêm thông tin hữu ích cho bệnh nhân có khớp gối bị thoái hóa để quá trình điều trị có biến chuyển tích cực.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital