Thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi hiện đang là căn bệnh phổ biến trong những năm gần đây do thói quen sinh hoạt không lành mạnh và chế độ ăn uống không khoa học, chú trọng đồ ăn nhanh, đồ hộp có sẵn.
Menu xem nhanh:
1. Những điều cần biết về thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là một trong những căn bệnh thuộc hệ xương khớp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt của người bệnh. Hầu hết đối tượng mắc bệnh đều là người trung niên và người già, khi hệ xương khớp bị lão hóa dẫn đến dễ gãy và đau cứng khớp. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa và người mắc bệnh lại là những thanh niên trẻ khỏe, từ độ tuổi 20 – 30.
Thoái hóa khớp gối là biểu hiện của sự biến đổi bề mặt ở bề mặt sụn khớp. Dần dần hình thành nên các gai xương làm hư xương và biến dạng xương. Bệnh khiến dịch khớp giảm dần, mặt sụn khớp bị bào mòn theo thời gian gây ảnh hưởng đến quá trình vận động của người bệnh.
1.1. Nguyên nhân chính của thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi
Lý do chính khiến người trẻ trở thành nạn nhân của bệnh thoái hóa khớp gối phải kể đến, đó là:
– Lười vận động: Đây là một thực trạng chung của giới trẻ hiện nay, đặc biệt là dân văn phòng. Do thói quen sống và tính chất công việc khiến một phận lớp trẻ rất ngại tập thể dục hay vận động. Điều này làm chức năng của khớp gối bị giảm đi dẫn đến thoái hóa dần.
– Chế độ ăn uống hàng ngày không khoa học: Đồ ăn nhanh dần trở thành một thực phẩm được giới trẻ khá ưa chuộng. Tuy nhiên chúng lại có hại đến hệ thống khớp gối bởi chứa nhiều chất gây béo, dễ tăng cân. Những chất này không có lợi để duy trì vận động của xương khớp gối, thậm chí tăng cân cũng gây áp lực nặng lên khớp gối, làm thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp.
– Chấn thương: Hoạt động mạnh và nhiều hoặc chơi các môn thể thao đòi hỏi thể lực như bóng đá, võ, bóng chuyền…nếu để lại chấn thương sẽ làm tổn thương bề mặt sụn khớp và các cơ thần kinh xung quanh. Nếu việc điều trị chấn thương không dứt điểm hoặc kịp thời sẽ làm nguy cơ xuất hiện các cục máu đông, gây cản trở lưu thông máu, từ đó gia tăng quá trình thoái hóa khớp.
1.2. Thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi nguy hiểm thế nào?
Cách để nhận biết thoái hóa khớp gối khá đơn giản, thường là xuất hiện cơn đau, khi cử động phát ra tiếng lạo xạo. Tùy từng vị trí thoái hóa mà có những triệu chứng đặc thù riêng. Tuy nhiên hầu hết các biểu hiện của bệnh là như nhau, đó là:
– Đau vào sáng sớm, mới tỉnh dậy: Cơn đau thường ở vị trí tiếp xúc giữa 2 xương, có tính chất cơ giới, tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Đau thường âm ỉ, tăng theo đợt.
– Khớp gối cứng, khó vận động đặc biệt là vào buổi sáng
– Sưng, viêm khớp gối: Biểu hiện này có thể nhìn thấy bên ngoài bằng mắt thường khi thấy khớp gối bị sưng to, đỏ, sờ vào đau
– Cơn đau lan ra các vùng khác, dây thần kinh bị chèn ép
– Khi vận động có tiếng lạo xạo phát ra giữa 2 khớp
Người trẻ tuổi khi bị thoái hóa khớp gối vẫn có cơ hội phục hồi do xương khớp chưa bị tổn thương nhiều và quá trình tái tạo xương còn cao hơn so với người già. Tuy nhiên cũng không thể chủ quan mà không điều trị ngay bởi bệnh sẽ gây biến chứng rất nhanh:
– Khớp đầu gối bị biến dạng do không điều trị kịp thời
– Trường hợp thay khớp nhân tạo sẽ phải mổ lại sau một khoảng thời gian nhất định
– Có thể tàn phế suốt đời
2. Nâng cao ý thức trong việc phòng và điều trị thoái hóa khớp gối ở người trẻ tuổi
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh thoái hóa khớp gối mà chỉ giúp giảm triệu chứng và cải thiện chức năng hoạt động của khớp gối. Việc sử dụng loại thuốc gì sẽ do bác sĩ chỉ định, bệnh nhân không nên tự ý điều trị dẫn đến gây tác dụng phụ, ảnh hưởng đến chức năng đi lại.
Đối với bệnh nhẹ, người bệnh có thể áp dụng phương pháp điều trị vật lý để giảm đau, giảm sưng tấy xương khớp. Bên cạnh đó, kết hợp các bài tập thể dục nhẹ và nâng dần mức độ. Tránh leo cầu thang, mang vác nặng hoặc ngồi xổm…gây áp lực lên khớp gối.
Việc ăn uống hàng ngày cũng hết sức cần thiết để bổ sung các chất dinh dưỡng như canxi, vitamin D tốt cho hệ xương khớp, gia tăng quá trình tái tạo tế bào xương, làm chắc xương. Kiểm soát cân nặng, không để béo phì, thừa cân tạo lực đè lên khớp.
Ngoài ra, bệnh nhân nên đi khám sức khỏe chuyên khoa cơ xương khớp định kỳ để được chẩn đoán và điều trị sớm kịp thời. Như vậy các bác sĩ sẽ can thiệp và cho lời khuyên tốt nhất đối với việc chăm sóc hệ thống xương khớp của bản thân.
Hy vọng bài viết trên sẽ là lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ chú ý tới sức khỏe của chính bản thân mình, đặc biệt là hệ thống xương khớp.