Thiếu máu cơ tim cục bộ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Chủ động tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị giúp bạn phòng ngừa và ngăn chặn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân và triệu chứng của thiếu máu cơ tim cục bộ
1.1. Những nguyên nhân chính gây thiếu máu cơ tim cục bộ
Cơ tim thiếu máu cục bộ là tình trạng hẹp ở một hoặc toàn bộ động mạch tim, gây thiếu máu cơ tim.
Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim như:
– Di truyền: Người thân trong gia đình có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh với các thành viên khác.
– Xơ vữa động mạch: Thành động mạch bị tích tụ các mảng bám từ cholesterol, can-xi và các chất dễ lắng đọng khác, gây hẹp động mạch, cản trở quá trình vận chuyển máu lên tim. Nếu các mảng xơ vữa động mạch bị vỡ, có thể gây ra các cục máu đông. Đây là nguyên nhân gây tắc nghẽn động mạch, dẫn đến máu cung cấp lên tim không đủ, gây đau tim.
– Co thắt động mạch vành: Bệnh nhân bị co thắt mạch vành có thể gặp tình trạng thiếu máu cơ tim trong thời gian ngắn.
– Thói quen xấu: Những thói quen xấu như làm việc quá sức, hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài,… cũng có thể khiến cơ tim thiếu máu.
1.2. Triệu chứng thường gặp ở người thiếu máu cơ tim cục bộ
Không phải bệnh nhân nào mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ cũng có những triệu chứng cụ thể. Một vài trường hợp bị thiếu máu cơ tim nhưng không có bất kỳ biểu hiện nào. Ở nhiều bệnh nhân, các triệu chứng thường gặp gồm:
– Đau thắt ngực ổn định: Các cơn đau thường bắt đầu tại vùng ngực rồi lan ra cổ, vai, lưng. Cơn đau xuất hiện trong thời gian ngắn khi làm việc nặng, lo âu hoặc hút thuốc lá. Người bệnh có thể cảm thấy một vài triệu chứng đi kèm như đau đầu, khó thở, ra mồ hôi hoặc buồn nôn. Trong trường hợp cơn đau xuất hiện ngay cả lúc nghỉ ngơi thì người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám ngăn chặn nguy cơ nhồi máu cơ tim.
– Đau thắt ngực không ổn định: Đây là tình trạng các cơn đau thắt ngực xuất hiện một cách đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường kéo dài và không cải thiện khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc. Người bị đau thắt ngực không ổn định có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim.
– Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như nhịp tim đập nhanh, khó thở khi làm việc nặng, bê vác, ra nhiều mồ hôi.
2. Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và những hệ lụy
Cơ tim thiếu máu cục bộ không chỉ gây cản trở cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm gồm:
– Suy tim: Các đợt thiếu máu liên tục khiến cơ tim bị tổn thương, làm tăng nguy cơ suy tim ở người bệnh.
– Rối loạn nhịp tim: Thiếu máu cơ tim kéo dài là nguyên nhân hàng đầu khiến tim đập bất thường và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
– Nhồi máu cơ tim: Đây là biến chứng nặng nề nhất do thiếu máu cơ tim. Khi động mạch vành bị tắc nghẽn, cản trở quá trình vận chuyển máu lên tim, gây thiếu dinh dưỡng và oxy. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị hoại tử một phần cơ tim, nguy cơ cao gây tử vong.
Điều trị thiếu máu cơ tim không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn ngăn chặn những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.
3. Điều trị cơ tim thiếu máu cục bộ đúng cách để đem lại hiệu quả
Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ có thể được điều trị thông qua các biện pháp nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa.
3.1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là biện pháp được ưu tiên áp dụng cho các bệnh nhân thiếu máu cơ tim. Một số loại thuốc có thể được chỉ định để cải thiện tình trạng đau thắt ngực ở bệnh nhân gồm: thuốc chống kết tiểu cầu, thuốc điều trị rối loạn lipid máu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi,…
Hầu hết các loại thuốc đều được sử dụng để giảm triệu chứng của bệnh, hỗ trợ quá trình vận chuyển máu lên tim. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý sử dụng mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và kê đơn phù hợp.
3.2. Điều trị ngoại khoa và lời khuyên từ chuyên gia
Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng tốt với phương pháp điều trị nội khoa (uống thuốc) thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị can thiệp ngoại khoa. Hai phương pháp can thiệp được sử dụng phổ biến là nong mạch vành, đặt stent và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần bảo vệ tim khỏe mạnh và chủ động thay đổi lối sống lành mạnh để cải thiện tình trạng bệnh. Chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện những điều sau nếu muốn có một trái tim khỏe mạnh:
– Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
– Tập thể dục phù đều đặn, có thể bắt đầu với các bài tập đơn giản như đi bộ, bơi, tập yoga,…
– Hạn chế sử dụng các thực phẩm có chứa chất kích thích như caffein, nicotin.
– Duy trì cân nặng một cách hợp lý, tránh tình trạng béo phì.
– Giảm lượng đường nạp vào cơ thể và điều trị đúng cách các bệnh lý như huyết áp cao, tiểu đường.
4. 5 phương pháp chẩn đoán thiếu máu cục bộ cơ tim
Chẩn đoán chính xác bệnh thiếu mục cục bộ cơ tim bằng cách đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm như:
– Điện tâm đồ (ECG): Sử dụng các điện cực gắn trên da để nhận biết tình trạng tổn thương thông qua hoạt động điện của tim.
– Siêu âm tim: Đây là phương pháp sử dụng sóng âm hướng vào tim, tạo ra hình ảnh hoạt động của tim. Siêu âm giúp phát hiện ra các hoạt động bất thường và tổn thương của tim.
– Siêu âm tim gắng sức: Bác sĩ sử dụng biện pháp siêu âm tim trong trạng thái căng thẳng hoặc vận động bằng cách cho bệnh nhân tập thể dục ngay tại địa điểm thăm khám.
– Kiểm tra mức độ căng thẳng: Theo dõi tình trạng nhịp tim và huyết áp người bệnh đang trong trạng thái vận động giúp phát hiện những vấn đề về tim thường bị bỏ qua.
– Chụp CT tim: Chụp cắt lớp vi tính tim giúp xác định tình trạng tích tụ canxi trong động mạch vành của người bệnh. Đây là một dấu hiệu cảnh báo bệnh xơ vữa động mạch vành.
Bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim cục bộ nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Không nên tự ý điều trị tại nhà tránh gây nguy hại cho sức khỏe.