Bệnh sốt xuất huyết dengue là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn tới suy đa tạng, xuất huyết, viêm cơ tim, tử vong… Vào thời điểm sốt xuất huyết đang bùng dịch mạnh mẽ thì bạn cần nắm rõ những thông tin về bệnh để có cách phòng ngừa sớm.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm và đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết
1.1 Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue gây nên bởi virus Dengue và thường có xu hướng bùng dịch mạnh mẽ vào những mùa mưa ẩm với trung gian lây bệnh là muỗi vằn cái.
Căn bệnh này có thể gặp phải ở cả người lớn và trẻ em, nữ giới và nam giới. Trong đó, bệnh nhẹ có thể gây nên mệt mỏi, mất sức, xuất huyết hoặc sốt cao. Nặng có thể dẫn tới những biến chứng nguy hại thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.
Sốt xuất huyết thường khởi phát và diễn biến nhanh đột ngột đối với những giai đoạn như sau:
– Giai đoạn ủ bệnh khoảng 3-10 ngày(có thể lên tới 14 ngày) và không có triệu chứng.
– Giai đoạn bắt đầu sốt: Người bệnh đột nhiên sốt cao và liên tục, kèm ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức ở hai hốc mắt… Đồng thời da cũng có biểu hiện xung huyết với các chấm đỏ dưới da, đi kèm với đó là chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.
– Giai đoạn nguy hiểm: Ở trong khoảng ngày thứ 3-7 sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể giảm sốt. Tuy nhiên đi kèm với đó là biểu hiện phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, gan sưng to và đau khi ấn vào cùng với xuất huyết niêm mạc.
– Giai đoạn phục hồi: Sau khoảng 24 giờ đến 48 giờ khi hết sốt, người bệnh có tình trạng tốt hơn, có thể ăn và ngủ được, huyết áp cũng ổn định hơn và đi tiểu nhiều hơn.
Nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể bị xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, não, nội tạng, sốc xuất huyết, thậm chí tử vong khi bệnh diễn biến nặng không được can thiệp kịp thời.
1.2 Đặc điểm của loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue
Muỗi Aedes Aegypti hay còn gọi là muỗi vằn chính là tác nhân lây nhiễm sốt xuất huyết phổ biến nhất. Trong đó, chỉ có muỗi vằn cái mới có khả năng lây nhiễm bệnh, chúng thường hoạt động vào sáng sớm và chiều tối với bất kì đối tượng nào.
Muỗi vằn thường có xu hướng trú tại những xó tói tăm, đậu trên quần áo, chăn màn hoặc đồ dùng trong nhà. Đồng thời chúng cũng đẻ trứng và sinh sản tại những nơi đọng nước như ao, vũng nước, dụng cụ chứa nước, bể bơi, chum, vai, hốc cây…
Loài muỗi này thường sinh sản mạnh mẽ vào những mùa mưa nên dịch bệnh ở miền Bắc thường bùng phát vào tháng 7 – tháng 11 trong năm.
2. Điều trị bệnh sốt xuất huyết như thế nào nhanh khỏi?
2.1 Phác đồ điều trị bệnh hiệu quả
Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đa số bệnh nhân có triệu chứng nào sẽ được điều trị với triệu chứng đó. Thời gian điều trị thường từ 7-10 ngày kể từ khi bắt đầu sốt.
Người bệnh có thể điều trị tại nhà sau khi thăm khám và xét nghiệm với bác sĩ. Đồng thời, bạn cần tham khảo kĩ ý kiến của bác sĩ về tình trạng bệnh của mình để hiểu rõ và thực hiện theo dõi tốt nhất.
Người bệnh nên uống nhiều nước hoặc bổ sung oresol, lau người bằng nước ấm và sử dụng thuốc thông qua kê đơn của bác sĩ. Tuyệt đối bạn không được dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây toan máu hoặc xuất huyết nguy hiểm.
2.2 Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc bệnh nhân
– Nên ăn những thức ăn mềm và dễ tiêu hóa, uống nhiều nước
– Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày
– Không nên ăn những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ(tiết canh, socola, đậu sẫm màu…) bởi có thể làm nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết
– Theo dõi thường xuyên và liên tục thân nhiệt, tình trạng đau bụng, nôn và số lần đi tiểu trên ngày
– Chú ý tình trạng tinh thần của bệnh nhân, nếu có tình trạng lơ mơ thiếu tỉnh táo kèm chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đi ngoài ra máu/phân đen, nôn ra máu… thì cần đến bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi ngay.
Đồng thời, để tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong gia đình, bạn nên có sự phòng ngừa sớm nguy cơ thông qua việc vệ sinh môi trường sống, phòng chống muỗi đốt và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
3. Những lưu ý quan trọng trong và sau quá trình điều trị bệnh
3.1 Những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị sốt xuất huyết
Trong quá trình điều trị bạn nên uống nhiều nước và bù điện giải hàng ngày với Oresol. Đồng thời người bệnh cũng cần tập trung đến một số điều sau:
– Ăn đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh
– Uống nhiều nước, nước hoa quả, không uống đồ uống có cồn và nước có gas
– Uống thuốc được bác sĩ kê đơn, uống đúng giờ và đủ liều
– Nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh mất sức
– Vệ sinh cổ họng và mũi thường xuyên với nước muối
– Báo với bác sĩ điều trị nếu có những dấu hiệu bất thường như: chảy máu mũi, chảy máu lợi, đi ngoài phân đen hoặc không tỉnh táo đầu óc.
3.2 Những lưu ý quan trọng sau quá trình điều trị
– Uống thuốc đúng đơn, đúng giờ và đúng liều(nếu có)
– Bồi dưỡng về ăn uống, nghỉ ngơi đủ giấc để tăng cường đề kháng
– Nằm ngủ với màn chống muỗi
– Tích cực dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ rác thải và những nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ, lốp xe cũ, hốc tre…
3.3 Những lưu ý về vấn đề tái khám
Nếu như đột nhiên bạn cảm thấy bồn chồn, vật vã, cơ thể mê man hay nôn nhiều/ nôn ra máu; chảy nhiều máu; đột nhiên đau bụng quặn hoặc đi tiểu rất ít thì bạn cần lập tức tái khám để bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân .
Bên cạnh đó, đối với người bình thường, nếu đột nhiên bạn có những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết Dengue thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị. Tùy theo giai đoạn bệnh và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo về điều trị.