Menu xem nhanh:
Triệu chứng táo bón ở trẻ em
Táo bón ở trẻ em thường có biểu hiện ậm ạch, đầy bụng, mệt mỏi, nhăn nhó khó chịu, ngủ kém, biếng ăn, đi phân khô, rắn, số lượng ít, giữa hai lần đi cách nhau từ 3 – 4 ngày. Trẻ có thể xuất hiện từng cơn đau quặn bụng, phân rắn, màu đen, hay vón cục, khi đi đại tiện phải cố hết sức để rặn mạnh có thể xuất hiện máu tươi trong phân do vết rách từ hậu môn gây ra. Ở một số bé có biểu hiện khi đã đi đại tiện rồi nhưng vẫn có cảm giác còn phân trong ruột cố rặn tiếp nhưng phân không ra.
Tùy theo nguyên nhân gây ra táo bón mà ba mẹ cần phải cải thiện chế độ dinh dưỡng khoa học cho bé hoặc điều trị, không để cho trẻ bị táo bón kéo dài gây ra nỗi “ám ảnh” mỗi lần đi đại tiện và ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em
Có hai nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng táo bón ở trẻ em: tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa và táo bón do cơ năng
Táo bón do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa
Nguyên nhân này thường chỉ chiếm khoảng 5% trong các nguyên nhân gây ra bệnh táo bón, bao gồm: các dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng,… Trẻ mắc các bệnh lý này thường bị táo bón từ rất sớm ngay từ khi còn sơ sinh. Ngoài ra, khi trẻ bị hẹp đường ruột, hẹp hay nứt hậu môn nên đi tiểu hay đại tiện sẽ cảm thấy bị đau, rát, bé có xu hướng nhịn đi ngoài gây co thắt hậu môn.
Táo bón do cơ năng
Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng táo bón ở trẻ em. Biểu hiện chính là do sai lầm của ba mẹ trong chế độ ăn uống, cho trẻ ăn đồ ăn có chứa quá nhiều chất đạm, ít chất xơ như ăn ít rau xanh, quả chín, ăn canh chỉ ăn nước không ăn rau, pha sữa cho trẻ không đúng theo công thức (quá đặc), uống ít nước dẫn đến thiếu nước làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn. Trẻ nhỏ cho uống sữa bột, sữa công thức sớm dễ bị táo bón hơn so với trẻ bú sữa mẹ. Ngoài ra nếu mẹ bị táo bón, bé bú sữa mẹ cũng dễ bị táo bón.
Bên cạnh chế độ ăn uống nêu trên, còn một số nguyên nhân khác có thể gây nên chứng táo bón ở trẻ như loạn khuẩn đường ruột, ảnh hưởng của việc dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc ho… khi trẻ bị ốm. Hoặc do yếu tố tâm lý, nhất là trẻ nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ hay nhịn tiểu hoặc đại tiện do sợ bẩn, ngại xin phép cô giáo,…
Một số sai lầm trong điều trị táo bón ở trẻ em
Lạm dụng thuốc thụt hậu môn
Nhiều ba mẹ lo lắng khi bé bị táo bón 4-5 ngày không đi ngoài được, thường cuống quýt muốn tìm biện pháp muốn con đại tiện được ngay. Đây cũng chính là lý do mà vì sao các loại thuốc thụt xổ được ông bố bà mẹ dùng rất thường xuyên. Nhưng đây là một việc làm hoàn toàn sai lầm mà ba mẹ cần cảnh giác.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc khuyên rằng: Thuốc thụt hậu môn khi ba mẹ sử dụng cho trẻ bị táo bón cần thận trọng hơn vì thuốc thụt hậu môn không nên dùng đợt dài quá 10 ngày. Thuốc thụt kích thích phản xạ tống đẩy phân ở hậu môn nhanh. Nhưng nếu trẻ có phân rắn, khô, khuôn phân to thì nó lại là nguyên nhân gây rách miệng hậu môn và chảy máu ở trẻ. Sự đau đớn thường khiến trẻ bị ám ảnh, lo sợ mỗi lần phải đại tiện và cố nín nhịn, càng tạo một vòng luẩn quẩn khó chữa. Hơn nữa, lạm dụng thuốc thụt hậu môn có thể khiến trẻ mất dần khả năng tự đại tiện, gây phụ thuộc vào thuốc, kéo theo khó khăn khi đại tiện ở giai đoạn phát triển sau này của con.
Cứ táo bón là dùng men tiêu hóa, men vi sinh
Nhiều ba mẹ vẫn nghĩ men tiêu hóa hay men vi sinh có lợi cho đường ruột của bé nên khi con bị táo bón lâu ngày phân khô, cứng, men tiêu hóa hoặc men vi sinh sẽ kích thích lợi khuẩn đường ruột, giúp hệ đường ruột của bé tốt hơn, con dễ đi ngoài hơn. Đấy là chưa kể nhiều ba mẹ còn chưa phân biệt được khi nào nên cho trẻ uống men tiêu hóa và khi nào thì nên cho trẻ uống men vi sinh?
Tuy nhiên cần hiểu rằng: men tiêu hóa chỉ nên dùng cho trẻ trong thời gian ngắn vài ngày nếu trẻ bị đầy chướng bụng, không tiêu hóa được thức ăn do nguyên nhân từ dạ dày, ruột non. Ngược lại, táo bón lại là chứng rối loạn tiêu hóa xảy ra ở đại tràng. Nên men tiêu hóa ít có tác dụng thực sự đối với trẻ bị táo bón.
Trong khi đó, men vi sinh dường như là sản phẩm hỗ trợ đầu tiên mà ba mẹ nghĩ đến khi con bị táo bón. Theo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa Nhi thì loạn khuẩn đường ruột có liên quan nhiều đến chứng tiêu chảy hơn là táo bón. Trên thực tế, men vi sinh chỉ có tác dụng đối với trường hợp táo bón chức năng ở trẻ nhỏ xuất phát từ nguyên nhân loạn khuẩn đường ruột ( chỉ 20% trẻ bị táo bón là bởi nguyên nhân này).
Như vậy bổ sung men vi sinh cho trẻ bị táo bón không có nghĩa là sai nhưng chưa đủ và thực tế khó giải quyết triệt để được chứng táo bón ở trẻ. Hơn nữa, việc lạm dụng men vi sinh trong một thời gian dài có thể gây hại đến khả năng tự điều chỉnh cân bằng kháng khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ.
Chỉ chú trọng bổ sung chất xơ cho trẻ
Nhiều ba mẹ cho rằng trẻ bị táo bón là do cho bé ăn ít chất xơ, cần bổ sung thêm nhiều chất xơ cho con nhưng sao bé vẫn bị táo bón? Trên thực tế chất xơ nên được bổ sung cho phù hợp với nhu cầu của trẻ, chứ không phải dùng bao nhiêu là lợi bấy nhiêu. Hơn nữa, táo bón ở trẻ còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nêu trên nên nếu không phát hiện và điều trị đúng nguyên nhân thì mặc dù trẻ ăn nhiều chất xơ nhưng vẫn bị táo bón đó là chuyện rất bình thường.
Chính vì vậy táo bón ở trẻ em muốn điều trị triệt để cần xác định chính xác nguyên nhân mà bé gặp phải thì biện pháp điều trị mới thực sự có hiệu quả. Điều trị táo bón ở trẻ em ba mẹ cần kiên trì và quyết tâm, không nên nóng vội, đặc biệt là phải chú trọng đến chế độ ăn uống và lối sống khoa học, thường xuyên cho trẻ vận động, tập thể dục.
Cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ em
Đối với trẻ bị táo bón, ba mẹ nên điều trị cho bé từ sớm, nên cho con đi thăm khám với các bác sĩ để được kiểm tra về sức khỏe, xem bé thiếu những chất gì để bổ sung chế độ dinh dưỡng cho hợp lý và đặc biệt là phát hiện chính xác nguyên nhân gây táo bón ở trẻ từ đó có biện pháp điều trị triệt để tình trạng này.
- Đối với nguyên nhân do tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa bác sĩ có chỉ định điều trị phù hợp.
- Đối với các nguyên nhân khác như do chế độ ăn uống chưa phù hợp, tâm lý, dùng thuốc, cha mẹ cần phải thay đổi cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ cũng như hướng dẫn trẻ có thói quen đại tiện đúng giờ, không vội vàng đi không hết phân hoặc ngồi bô quá lâu, khi muốn đi đại tiện không nên sợ bẩn hoặc ngại không xin phép cô giáo đi vệ sinh,…
- Cải thiện chế độ dinh dưỡng cho trẻ: Ở trẻ còn bú cần cho trẻ bú đủ nhu cầu trong ngày, cho trẻ uống thêm nước. Nếu mẹ bị táo bón trong khi cho con bú cũng phải điều trị táo bón ở mẹ. Ở trẻ ăn dặm ăn đủ nhu cầu, bữa ăn đa dạng cung cấp đủ đạm, chất xơ (rau xanh như rau dền, rau lang, rau mồng tơi, khi nấu bột, cháo cần xay nhỏ lấy cả nước lẫn rau hoặc băm nhỏ; các quả chín như chuối tiêu, đu đủ, cam quýt…), uống đủ nước. Ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo hoặc lớn hơn ngoài việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường chất xơ trong rau quả trên, uống đủ nước, nên cho trẻ ăn thêm sữa chua để kích thích tiêu hóa.
- Sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ Nhi khoa và bác sĩ dinh dưỡng là giải pháp tốt nhất giúp bé thoát khỏi chứng táo bón và giúp con ăn ngon miệng và khỏe mạnh hơn.
Chuyên khoa Nhi Thu Cúc là địa chỉ thăm khám uy tín được nhiều ba mẹ tin tưởng và lựa chọn để điều trị chứng táo bón ở trẻ. Nếu cần tư vấn thêm về táo bón ở trẻ em và cách điều trị, bạn vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được tư vấn và đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa.