Tăng huyết áp đột ngột, xử lý và phòng ngừa sao cho hiệu quả

Tham vấn bác sĩ

Tăng huyết áp đột ngột là khi áp lực của máu tác động tới thành mạch bất ngờ tăng cao, có thể lên đến 200mmHg. Tình trạng này nếu không được kịp thời xử lý có thể khiến người bệnh bị: vỡ mạch máu, nhồi máu não, tắc hẹp động mạch, xuất huyết não,… Vậy nguyên nhân hình thành bệnh lý là gì? và cần xử lý thế nào để hạn chế tối đã các biến chứng có thể xảy ra?

1. Nhận biết tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột

Tăng huyết áp đột ngột hay tăng xông, là tình trạng huyết áp đột nhiên bị tăng cao tới mức kịch phát. Khi đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:

– Đột nhiên đau đầu dữ dội, choáng váng và cả xây xẩm mặt mày.

– Mắt nhìn cảm giác bị mờ, không rõ và khó nói thành tiếng.

– Đau tức vùng ngực do tim đập nhanh hoặc cảm thấy rất khó thở.

– Người bệnh có thể bị chảy máu cam, nôn nao buồn nôn.

– Tay chân rơi vào trạng thái tê cứng, không thể nhấc lên hay di chuyển, đi lại dễ ngã….

– Cơ mặt dần bị co cứng có thể lệch sang một bên, miệng méo đi.

– Tinh thần rơi vào trạng thái bất ổn, không tỉnh táo có thể bị hôn mê.

tăng huyết áp đột ngột

Người bệnh sẽ thấy đau đầu, mất tỉnh táo thậm chí rơi vào hôn mê

2. Những nguyên nhân nào gây ra tăng huyết áp cao đột ngột?

Huyết áp đột ngột bị tăng cao bất ngờ sẽ đe dọa rất nhiều tới sức khỏe người bệnh. Chính vì vậy, chúng ta nên chủ động hơn trong việc tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng này. Từ những thông tin đó mọi người có thể bảo vệ tốt hơn cho bản thân.

2.1. Tăng huyết áp đột ngột do ngừng dùng thuốc

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới huyết áp tăng cao đột ngột là do người bệnh tự ý dừng thuốc hay không uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Theo một vài số liệu thống kê ở Việt Nam, cứ 5 người mắc tăng huyết áp thì có 1 người không tham gia điều trị. Trong số những người có tham gia điều trị bệnh thì có tới 1/2 là không đạt mục tiêu đề phòng biến chứng.

Khi đã bị huyết áp cao thì bạn cần phải sử dụng thuốc kéo dài suốt đời theo sự chỉ định từ bác sĩ. Việc sử dụng thuốc với liều lượng thấp hơn tình trạng bệnh cũng sẽ làm huyết áp bị tăng vụt đột ngột. Tuy nhiên, một vài trường hợp khi huyết áp đã giảm và ổn định một thời gian dài. Lúc này bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều lượng sử dụng cho bạn. Tuy nhiên, vẫn phải được theo dõi thường xuyên hàng ngày để đảm bảo.

2.2. Chế độ ăn uống hàng ngày không hợp lý

Thực đơn ăn uống hàng ngày nếu nạp quá nhiều muối hay đồ ăn mặn cũng là nguyên nhân lớn gây ra làm huyết áp đột ngột tăng cao. Vì dư thừa muối có thể gây ra căng động mạch và làm thành động mạch dày, hẹp hơn dẫn tới tắc nghẽn. Khi đó sẽ khiến huyết áp bị tăng cao đột ngột. Ngoài ra còn có thể làm giảm khả năng cung ứng máu, oxy và dưỡng chất tới các cơ quan.

Hấp thụ quá nhiều các loại thực phẩm chua, lên men, đồ ăn sẵn: dưa chua, thịt cá đóng hộp,… cũng gây ra tăng huyết áp. Bên cạnh đó, việc uống rượu hay ăn thịt đỏ thường xuyên cũng làm cho huyết áp tăng cao đột ngột.

tăng huyết áp đột ngột

Ăn nhiều thực phẩm đóng hộp, đồ muối chua lên men rất dễ làm huyết áp tăng cao đột ngột.

2.3. Sự tương tác qua lại giữa các loại thuốc

Khi người bệnh đang dùng các loại thuốc như: chữa ho, cảm cúm,… thì cũng cần trao đổi với bác sĩ. Vì một số loại sẽ gây tương tác thuốc làm tăng hoặc giảm tác dụng trong điều trị của thuốc huyết áp. Ví dụ trong thuốc cảm hay chứa sympathomimetic gây tăng huyết áp. Nếu người bệnh có huyết áp thấp hay bình thường sẽ không sao. Tuy nhiên, nếu đang bị huyết áp cao có thể đẩy huyết áp tăng cao nữa. Trường hợp đó người bệnh cần chú ý và thông báo cụ thể với bác sĩ. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương hương điều trị sao cho phù hợp.

2.4. Tăng huyết áp đột ngột do một số bệnh lý

Nguyên nhân làm huyết áp tăng cao đột ngột có thể xuất phát từ một số bệnh lý tiềm ẩn.

– Người bệnh đang có vấn đề về thận nhưng không tham gia điều trị có thể dẫn đến tăng huyết áp.

– Tình trạng hẹp động mạch thận hai bên cũng có thể khiến huyết áp lên cao đột ngột. Khi không được can thiệp và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến suy tim.

– Người bị mắc u tủy thượng thận: đây là tình trạng mà khối u gây sản xuất dư thừa hormone adrenaline và noradrenaline. Hai hormone này là nguyên nhân gây tăng huyết áp một cách đột ngột.

3. Can thiệp khi huyết áp bị tăng cao đột ngột

Nhiều trường hợp huyết áp sẽ được tự điều hòa về mức ổn định. Đó là nhờ sự phối hợp của nhiều cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên vẫn có trường hợp do các yếu tố tác động mạnh và liên tục làm cơ thể không đủ khả năng điều hòa. Điều này khiến cho áp lực dòng máu trong mạch tăng lên. Sau đó có thể dẫn đến các biến chứng: vỡ mạch máu, suy tim cấp, tắc động mạch. Chính vì vậy, khi thấy xuất hiện các biểu hiện tăng huyết áp, cần xử lý theo các bước:

– Cho người bệnh thả lỏng cơ thể và nằm nghỉ, hỗ trợ hít sâu, thở đều.

– Đưa vào nơi yên tĩnh, thoáng mát và hạn chế âm thanh, ánh sáng.

– Giúp người bệnh đo lại huyết áp, nếu trong khoảng 140-160mmHg có thể theo dõi tại nhà. Trong trường hợp tăng trên 160mmHg và vẫn tăng thì cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi đã dùng thuốc nếu chưa ổn định thì cần đưa đến các cơ sở y tế ngay.

Huyết áp nếu tăng vượt 160mmHg thì cần được đưa đến cơ sở ý tế ngay

Huyết áp nếu tăng vượt 160mmHg thì cần được đưa đến cơ sở ý tế ngay.

4. Phòng ngừa huyết áp tăng cao

Bên cạnh lưu ý về can thiệp bệnh, bạn có thể phòng ngừa tình trạng này qua các biện pháp như:

– Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như: thuốc lá, cà phê, rượu, bia.

– Nên ăn nhạt để huyết áp không bị tăng cao đột ngột. Có thể hạn chế lượng muối bằng cách sử dụng gia vị thay thế.

– Giảm lượng chất béo bão hòa và cholesterol xấu: đồ chiên rán, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp. Thay vào đó, nên ăn các loại rau củ quả tươi và chất béo không bão hòa.

– Tăng cường luyện tập thể dục: hỗ trợ cho tim mạch và đốt cháy chất béo dư thừa trong cơ thể.

Huyết áp tăng cao đột ngột nếu không được can thiệp kịp thời có thể gây ra rất nhiều biến chứng. Đặc biệt, khi bạn đã có tiền sử huyết áp cao thì cần dùng thuốc đều theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cũng cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital