Ung thư đại trực tràng là một trong những căn bệnh phổ biến hiện nay. Nó gây ra hàng trăm nghìn trường hợp tử vong mỗi năm và thậm chí có xu hướng ngày càng gia tăng. Ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể được chữa trị thành công nếu phát hiện sớm. Hiện nay có nhiều phương pháp giúp tầm soát ung thư đại trực tràng hiệu quả được áp dụng. Cùng tìm hiểu xem tầm soát (sàng lọc) ung thư đại trực tràng thường bao gồm những phương pháp nào nhé.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết của ung thư đại trực tràng
Cũng như hầu hết các loại ung thư khác, căn bệnh ung thư đại trực tràng thường không biểu hiện triệu chứng quá rõ rệt ở giai đoạn sớm và dễ nhầm với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Một số biểu hiện sớm của ung thư đại trực tràng có thể kể đến như:
– Rối loạn tiêu hóa: chứng ợ hơi, chậm tiêu, cảm thấy chướng bụng, đau bụng nhẹ,…
– Các rối loạn bài tiết phân: Bị táo bón hay đi phân lỏng bất thườn, có máu trong phân.
– Biểu hiện toàn thân: Mệt mỏi, gầy sút cân không rõ nguyên nhân.
Ở giai đoạn muộn, bệnh sẽ có một số biểu hiện như sờ thấy có khối u, hạch ở nhiều nơi,…
Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện sớm tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, phát hiện ở giai đoạn càng sớm cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Cũng bởi các triệu chứng lâm sàng của bệnh thường không rõ ràng nên việc sàng lọc (tầm soát) để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là hết sức quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
2. Những phương pháp nào thường được thực hiện khi sàng lọc ung thư đại trực tràng?
Tầm soát ung thư đại trực tràng thường bao gồm các phương pháp như:
2.1. Khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh lý
Ở bước khám này, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý của bạn. Nếu bạn có càng nhiều yếu tố nguy cơ hay có các biểu hiện gợi ý của bệnh như đã nêu ở trên thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để đánh giá tình trạng sức khỏe chung, phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ như: Khối u ở bụng, khối u ở hậu môn trực tràng, hay có hạch ở các vị trí trên cơ thể…
2.2. Xét nghiệm trong tầm soát ung thư đại trực tràng
Phương pháp xét nghiệm máu CEA
Chỉ số CEA hay còn được gọi là kháng nguyên Carcinoembryonic. Thông thường, nồng độ CEA ở cơ thể con người là rất thấp, chỉ tăng cao khi có dấu hiệu xuất hiện một số loại ung thư nhất định, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Do đó, xét nghiệm Marker CEA là một trong những phương pháp được sử dụng để phát hiện dấu hiệu nguy cơ ung thư đại tràng. Từ đó , bác sĩ sẽ có những chỉ định thăm khám chuyên sâu hơn nếu thấy sự bất thường.
Xét nghiệm máu trong phân
Xét nghiệm máu trong phân ( còn gọi là xét nghiệm FOBT) là phương pháp dùng để phát hiện và tìm máu ẩn có trong phân. Nguyên nhân gây chảy máu thường là do ung thư đại trực tràng gây tình trạng tăng sinh, làm tổn thương các mạch máu trong cơ thể, dẫn tới chảy máu làm máu dính trong phân.
Bạn có thể phát hiện máu xuất hiện trong phân bằng mắt thường nếu lượng máu lớn, nhưng với máu ẩn thì rất khó để phát hiện. Lúc này, máu ẩn trong phân sẽ được phát hiện thông qua việc xét nghiệm có sử dụng hóa chất. Khi máu ẩn được tìm thấy ở trong phân, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm các phương pháp bổ sung để xác định nguồn gốc gây tình trạng chảy máu.
3.3. Nội soi trong tầm soát ung thư đại trực tràng
Nội soi đại trực tràng sẽ giúp bác sĩ quan sát toàn bộ khung đại tràng và trực tràng thông qua ống nội soi có camera. Sau đó, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết lấy bệnh phẩm hoặc điều trị đốt, cắt bỏ polyp khi có chỉ định. Nội soi tiêu hoá được xem là một phương pháp vừa giúp chẩn đoán và điều trị. Thời gian tiến hành cũng khá nhanh và ít gây nên biến chứng.
Phương pháp này sẽ được thực hiện bằng cách dùng ống nội soi ống mềm có kích thước nhỏ khoảng bằng đầu ngón tay. Ống nội soi này có gắn camera sẽ đi từ đường hậu môn đưa lên trực tràng, đại tràng của bệnh nhân, giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ mặt trong của đại tràng, trực tràng và hậu môn để chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật nếu cần thiết.
3. Đối tượng nên thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng
Bất cứ ai cũng nên tiến hành sàng lọc ung thư đại trực tràng định kì để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Dưới đây là những đối tượng nên ưu tiên thực hiện sàng lọc ung thư đại trực tràng:
– Những người ở độ tuổi từ 40 trở lên.
– Người đột nhiên gặp phải các dấu hiệu bất thường như: rối loạn tiêu hóa, giảm cân nhiều, rối loạn bài tiết, phân dính máu,… Các dấu hiệu này diễn ra kéo dài, liên tục và không rõ nguyên nhân.
– Xuất hiện các khối u lớn, có thể sờ được ở vùng bụng hay các vùng quanh bụng.
– Người có người thân trong gia đình có tiền sử mắc phải bệnh về ung thư liên quan như ung thư đại tràng, dạ dày,…
– Người có tiền sử mắc bệnh về ung thư đại tràng, viêm loét đại tràng, polyp đại tràng…
– Người thường xuyên tiếp xúc với tia xạ, chất phóng xạ tại vùng bụng hoặc các vùng chậu khi điều trị các căn bệnh ung thư trước đó.