Ung thư cổ tử cung là ung thư bắt nguồn từ cổ tử cung, tức nơi thấp nhất của tử cung mở vào âm đạo. Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, bệnh lý này nằm trong top 5 nguyên nhân gây tử vong ở nữ giới và là bệnh ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi. Tầm soát ung thư là phương pháp hiệu quả nhất giúp phát hiện sớm và hỗ trợ điều trị hiệu quả. Vậy bạn có biết tầm soát ung thư cổ tử cung khi nào hiệu quả?
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu thường gặp ở ung thư cổ tử cung
Đối với phần lớn bệnh ung thư, các triệu chứng thường không xuất hiện rõ ràng cho đến khi ung thư đã phát triển và xâm lấn vào các mô lân cận.
Một số dấu hiệu thường gặp của ung thư cổ tử cung trong giai đoạn này là:
– Chảy máu âm đạo. Bao gồm chảy máu sau khi quan hệ, sau khi mãn kinh, giữa các kì kinh nguyệt. Kinh nguyệt bất thường trong khoảng thời gian dài. Cũng có thể xảy ra tình trạng chảy máu sau khi thụt rửa hoặc khám phụ khoa.
– Dịch âm đạo bất thường. Bao gồm dịch có máu, mùi lạ. Có thể xuất hiện giữa hai kì kinh hoặc sau mãn kinh.
– Đau đớn khi quan hệ.
Những dấu hiệu này có thể xuất hiện khi bạn mắc những bệnh lý lành tính khác thay vì ung thư cổ tử cung. Ví dụ khi nhiễm trùng có thể gây chảy máu và đau đớn. Tuy nhiên nếu bạn nhận thấy những triệu chứng đáng ngờ, hãy đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Đối với ung thư nói chung, nếu không phát hiện sớm, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và làm giảm cơ hội điều trị hiệu quả. Thay vì đợi cho đến khi xuất hiện các triệu chứng, hãy chủ động đi khám phụ khoa hoặc xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ.
2. Những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh? Tầm soát ung thư cổ tử cung khi nào hiệu quả?
2.1. Đối tượng
Bất kì phụ nữ nào cũng có khả năng mắc ung thư cổ tử cung. 95-97% trường hợp mắc bệnh do virus HPV. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến HPV có thể kể đến như:
– Quan hệ tình dục không an toàn, lành mạnh
– Viêm nhiễm kéo dài
– Sinh con sớm
– Đẻ nhiều lần
– Hệ miễn dịch yếu
Sàng lọc ung thư cổ tử cung dành cho phụ nữ từ 21 tuổi trở lên. Đặc biệt với phụ nữ đã quan hệ tình dục. Tỉ lệ mắc bệnh cao hơn khi phụ nữ tiến vào độ tuổi trung niên, tứ 30-64 tuổi. Thực hiện thăm khám ra sao. sử dụng phương pháp nào nên dựa vào tư vấn của bác sĩ.
2.2. Nên tầm soát ung thư cổ tử cung khi nào thì phù hợp?
Tùy theo từng vùng và quốc gia sẽ có lịch tầm soát khác nhau. Tuy nhiên theo Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ, 21 là độ tuổi bạn nên bắt đầu thực hiện sàng lọc.
– Từ 21-29 tuổi, thực hiện sàng lọc phết tế bào mỗi 3 năm.
– Từ 30-65 tuổi, thực hiện sàng lọc phết tế bào kết hợp xét nghiệm HPV. Nếu kết quả HPV không có gì bất thường, tần suất thực hiện là 5 năm/lần.
Sau 65 tuổi, bạn có thể ngưng thực hiện tầm soát nếu
– Không có bệnh sử ung thư cổ tử cung.
– Không có tiền sử loạn sản cổ tử cung trung bình hoặc nặng.
– Có 3 lần tầm soát âm tính liên tiếp hoặc 2 lần đồng xét nghiệm âm tính trong vòng 10 năm, với lần gần nhất trong vòng 5 năm đổ lại.
3. Tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện thế nào?
3.1. Quy trình thực hiện sàng lọc
Quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung được thực hiện nhanh, đơn giản và không đau đớn. Bạn nằm trên bàn khám chuyên dụng. Bác sĩ sẽ sử dụng mỏ vịt và que phết để lấy mẫu tế bào cổ tử cung và bảo quản trong dung dịch. Mẫu vật sau được đưa quan sát bằng kính hiển vi để tìm kiếm tế bào bất thường.
Xét nghiệm HPV có thể bao gồm trong lần lấy mẫu phết tế bào hoặc tách thành một xét nghiệm riêng biệt.
3.2. Phải làm gì khi nhận kết quả bất thường
Nếu nhận kết quả bất thường, bạn sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán. Thường sẽ là thực hiện lại tầm soát ung thư cổ tử cung và xét nghiệm HPV. Ngoài ra có một phương pháp chi tiết hơn là soi cổ tử cung (sinh thiết hoặc không).
Nếu các phương pháp trên cho thấy dấu hiệu tiền ung thư, bạn cần được điều trị để loại bỏ các tế bào bất thường.
3.3. Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung có đảm bảo luôn chính xác 100% không?
Cũng như bất kì phương pháp nào, tầm soát ung thư cổ tử cung không phải lúc nào cũng chính xác 100%. Đôi lúc kết quả cho thấy tế bào bất thường trong khi chúng vẫn bình thường. Đây gọi là dương tính giả. Trường hợp ngược lại kết quả cho thấy tế bào bình thường trong khi đã xuất hiện mầm mống ung thư. Đây gọi là âm tính giả. Những yếu tố có thể gây ra sai sót bao gồm:
– Mẫu vật chứa ít tế bào.
– Không đủ tế bào bất thường để đánh giá sàng lọc.
– Nhiễm trùng, vết máu che khuất tế bào bất thường.
– Nước rửa, thuốc đặt âm đạo hòa loãng hoặc làm trôi tế bào bất thường.
Để việc tầm soát ung thư cổ tử cung cho kết quả chính xác nhất, bạn hãy lưu ý những việc sau trước khi thăm khám
– Không thụt rửa, đặt thuốc âm đạo, quan hệ tình dục hoặc sử dụng sản phẩm vệ sinh trong vòng 48 giờ.
– Không khám khi đang trong kì kinh nguyệt.
– Tầm soát ung thư cổ tử cung không khuyến khích cho những người chưa quan hệ tình dục.
4. Khuyến cáo về vắc xin HPV
Hiện nay tại Việt Nam có 2 loại vaccine phòng HPV
Gardasil
Ngừa được 2 chủng nguy cơ cao là 16, 18 và 2 chủng khác là 6, 11 (gâu mụn cóc sinh dục). Khuyến cáo cho bé gái và nữ giới từ 9-26 tuổi. Lịch tiêm gồm 3 mũi.
– Mũi 1: Lần tiêm đầu
– Mũi 2: 2 tháng sau
– Mũi 3: 6 tháng sau
Cervarix
Ngừa được 2 chủng nguy cơ cao là 16, 18. Khuyến cáo cho bé gái và nữ giới từ 10-25 tuổi. Lịch tiêm gồm 3 mũi.
– Mũi 1: Lần tiêm đầu
– Mũi 2: 1 tháng sau
– Mũi 3: 6 tháng sau
Phụ nữ trên 26 tuổi vẫn có thể thực hiện tiêm ngừa.
Sau khi tiêm vắc xin HPV, bạn đã giảm được nguy cơ ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên điều này không có nghĩa bạn sẽ không bị ung thư cổ tử cung trong tương lai. Vì vậy, hãy đảm bảo tầm soát định kỳ để bảo vệ sức khỏe.
Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin về sàng lọc ung thư cổ tử cung khi nào mang lại kết quả tốt nhất. Nếu bạn đang đau đầu trong việc lựa chọn địa chỉ uy tín thực hiện tầm soát, hãy đến với Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để trải nghiệm:
– Tư vấn, thăm khám cùng đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm.
– Sàng lọc với hệ thống máy móc mới, hiện đại.
– Đa dạng lựa chọn với nhiều gói khám cùng chi phí hợp lý.
– Dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp, tận tâm.
– Kết quả chính xác, nhanh chóng.
Qua hơn một thập kỉ hoạt động, Thu Cúc TCI tự hào là cơ sở y tế được nhiều người dân tin chọn thực hiện tầm soát ung thư trên địa bàn Hà Nội. Hãy tạo thói quen tầm soát ung thư định kì ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.