Siêu âm tim qua thực quản là một phương pháp sử dụng sóng siêu âm với đầu dò được đưa vào trong thực quản người bệnh qua đường tiêu hóa để thực hiện siêu âm. Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những bệnh lý hay một số bất thường ở tim.
Menu xem nhanh:
1. Phương pháp siêu âm tim qua thực quản là gì?
Siêu âm tim, hay còn gọi là transesophageal echocardiogram (TEE) test, là phương pháp sử dụng sóng siêu âm để tạo ra các hình ảnh chuyển động trong tim và các mạch máu chính. Siêu âm tim sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra một số bệnh lý về van tim, bệnh cơ tim, khối u, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, bệnh màng ngoài tim,… Ngoài ra còn giúp phát hiện một số bất thường bẩm sinh tim và phình giãn động mạch chủ ngực.
Siêu âm tim qua thực quản là phương pháp giúp tiếp cận gần tim hơn bằng cách đưa đầu dò siêu âm vào trong thực quản qua đường miệng để thực hiện siêu âm. Phương pháp này sẽ mang lại kết quả chính xác hơn so với siêu âm tim qua thành ngực.
2. Tại sao người bệnh nên siêu âm tim qua thực quản?
Phương pháp siêu âm tim qua thực quản có thể cho hình ảnh rõ ràng hơn của các van tim, tâm nhĩ so với siêu âm tim thông thường. Từ đó sẽ giúp các bác sĩ có thể tìm ra những vấn đề trong chức năng và cấu trúc của tim. Ngoài ra, nếu người bệnh có thành ngực dày, có băng vùng ngực, bị béo phì hoặc đang sử dụng máy thở thì phương pháp này sẽ giúp bác sĩ dễ dàng quan sát hơn.
Bên cạnh đó, từ các hình ảnh chi tiết được cung cấp qua việc siêu âm sẽ giúp bác sĩ đánh giá:
– Tim đang bơm máu như thế nào.
– Van tim có bị hẹp, hở hay tắc không.
– Độ dày thành tim và kích thước buồng tim.
– Có cục máu đông trong buồng tim, nhất là tâm nhĩ sau khi bị đột quỵ hay không.
– Có mô bất thường xung quanh van tim gây ra do virus, nấm, nhiễm khuẩn hoặc ung thư hay không.
Mặt khác, phương pháp siêu âm tim này còn được chỉ định để cung cấp thông tin trong quá trình phẫu thuật lóc tách động mạch chủ, tổn thương tim bẩm sinh, sửa chữa van tim hoặc bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn màng trong van tim và tim).
3. Một số nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện siêu âm
Một số nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện siêu âm thường liên quan đến việc đưa đầu dò từ miệng xuống đến cổ họng và thực quản, bao gồm:
– Người bệnh sẽ cảm thấy như bị bịt miệng.
– Người bệnh có thể bị tê hoặc đau họng từ 1 – 2 ngày sau khi làm xét nghiệm. Do đó, bác sĩ thường nhắc bệnh nhân không ăn hay uống sớm sau khi siêu âm, cho đến khi cảm giác tê liệt biến mất. Bởi người bệnh sẽ dễ bị sặc nếu ăn uống ngay.
– Người bệnh cũng có thể gặp khó khăn khi nuốt ngay sau khi siêu âm nhưng cảm giác này sẽ hết sau khoảng vài giờ.
– Một số trường hợp bị chảy máu thực quản nhưng rất hiếm khi xảy ra.
4. Cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện siêu âm?
4.1. Người bệnh cần chuẩn bị những gì trước khi siêu âm tim qua thực quản?
Trước khi siêu âm, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
– Không ăn uống, kể cả là uống nước trong vòng 6 tiếng trước siêu âm. Nếu uống thuốc thì người bệnh chỉ nên uống với một ngụm nước rất nhỏ.
– Tháo răng giả bao gồm răng tháo lắp một phần hay toàn bộ và báo bác sĩ các răng bị lung lay (nếu có).
– Nằm lên giường và nghiêng sang bên trái.
– Người bệnh phải cắn vào hàm nhựa để bảo vệ ống sonde và răng.
– Đặc biệt, cần báo với bác sĩ nếu người bệnh nghi ngờ đang mang thai, nhạy cảm hoặc dị ứng với latex, thuốc tê hoặc bất cứ loại thuốc nào hiện đang sử dụng,.
4.2. Bác sĩ cần chuẩn bị những gì trước khi siêu âm tim qua thực quản?
Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ có sự chuẩn bị trước khi bắt đầu siêu âm, bao gồm:
– Lắp máy theo dõi nhịp tim, huyết áp và Spo2.
– Bác sĩ sẽ truyền một liều thuốc an thần qua đường tĩnh mạch (nếu cần).
– Gây tê vùng hầu họng bằng các loại thuốc dạng xịt/gel (Lidocain hoặc Xylocaine dạng xịt) hay an thần nhẹ qua đường tĩnh mạch hoặc gây mê ngắn.
– Đặt các điện cực nhỏ lên trên ngực của người bệnh. Sau đó sẽ gắn các điện cực bằng dây vào một máy ghi lại điện tâm đồ để theo dõi nhịp tim của người bệnh.
– Người bệnh cần há miệng to, lộ vùng hầu họng để bác sĩ xịt thuốc 5 nhát và giữ trong vòng 5 – 10 giây trước khi nuốt. Sau đó, bác sĩ sẽ lặp lại thao tác này lần 2 sau 5 phút.
5. Quy trình siêu âm diễn ra như thế nào?
Quy trình siêu âm sẽ diễn ra theo các bước sau:
5.1. Bước 1 – Chuẩn bị
– Đầu tiên, nhân viên y tế sẽ giải thích các bước của quy trình thực hiện siêu âm.
– Điều dưỡng thiết lập đường truyền tĩnh mạch và truyền an thần liều nhẹ qua đường tĩnh mạch (nếu cần).
– Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào họng của người bệnh và yêu cầu người bệnh phải nuốt.
5.2. Bước 2 – Trong khi siêu âm
– Bác sĩ sẽ đẩy chiếc ống xuống thực quản khoảng 20 – 30cm. Khi đó, đầu dò sẽ ghi lại những hình ảnh của cấu trúc tim phía trên.
– Bác sĩ sẽ đưa chiếc ống xuống sâu hơn khoảng 30 – 40cm. Đầu dò sẽ ghi lại hình ảnh của cấu trúc tim phía dưới. Đầu dò sẽ được đặt tại mỗi vị trí từ 5 – 10 phút. Sẽ có một chiếc ống hút nước bọt nhỏ giúp hút bỏ nước bọt trong miệng người bệnh.
5.3. Bước 3 – Sau khi siêu âm
– Sau khi đã hoàn thành siêu âm, miếng dán điện cực, đầu dò và đường truyền tĩnh mạch sẽ được tháo ra.
– Điều dưỡng và bác sĩ sẽ theo dõi cho đến khi người bệnh tỉnh táo hoàn toàn.
6. Trường hợp nào cần báo ngay với bác sĩ?
Nếu người bệnh xuất hiện một số triệu chứng sau thì cần báo ngay với bác sĩ:
– Khó thở, nhịp tim rối loạn, không đều.
– Sặc nước bọt, chất lỏng hoặc thức ăn.
– Chảy máu nhiều hoặc đau tại họng hay miệng.