Mùi mồ hôi luôn có đặc trưng riêng đó là mùi chua, hôi, khó chịu gây ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp của con người. Vậy tại sao mồ hôi có mùi chua khó chịu và trường hợp đổ nhiều mồ hôi là dấu hiệu cảnh báo vấn đề gì, bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Menu xem nhanh:
1. Lý giải tại sao mồ hôi có mùi chua?
Con người có 2 loại tuyến mồ hôi: tuyến mồ hôi toàn vẹn và tuyến mồ hôi đầu hủy. Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) là loại tuyến sau khi tiết ra mồ hôi thì cấu tạo tuyến vẫn nguyên vẹn, còn tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) là loại tuyến sau khi chế tiết thì mất đi phần đầu của tuyến.
Tuyến mồ hôi toàn vẹn (eccrine) nằm rải rác khắp nơi trên da, nhiều nhất ở lòng bàn tay, bàn chân. Trong khi đó, tuyến mồ hôi đầu hủy (apocrine) hay còn được gọi nôm na là tuyến mồ hôi dầu chỉ có ở nách và vùng sinh dục, và đây cũng chính là nơi bắt đầu những rắc rối về mùi cơ thể.
Tuyến mồ hôi thông thường có chức năng làm mát cơ thể, khi bạn nóng bức mồ hôi sẽ được tiết ra và bay hơi làm hạ nhiệt độ cơ thể. Trong thành phần của nó có nước (chiếm tới 99%) và các chất điện giải.
Trong thành phần mồ hôi dầu của người có thêm các hợp chất amoniac, acid béo chưa no, … Bản thân các chất này khi vừa mới ra khỏi ống tuyến chưa có mùi hôi. Các vi khuẩn hoạt động trên bề mặt da phân huỷ các acid béo này và tạo ra mùi rất khó chịu, gây nên hiện tượng hôi nách ở người. Đó là cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thắc mắc về việc tại sao mồ hôi có mùi chua của nhiều người.
2. Đổ mồ hôi nhiều nguyên nhân do đâu?
Ngoài những nguyên nhân do lao động, thời tiết nắng nóng gây đổ mồ hôi, người bình thường đổ mồ hôi có thể do một số bệnh lý như:
2.1. Cường giao cảm
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất ở những người đổ mồ hôi nhiều lâu năm hoặc từ khi còn nhỏ. Mồ hôi xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi hay khi trời lạnh do hệ thần kinh chỉ huy hoạt động của tuyến mồ hôi bị nhạy cảm quá mức. Mồ hôi có thể ra nhiều ở đầu mặt, chân, tay, bụng, lưng, nách… hay ở bất kể bộ phận nào trên cơ thể.
2.2. Hạ đường huyết
Tình trạng này thường xảy ra do tác dụng phụ của thuốc hạ đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường lâu năm hoặc hay bỏ bữa ăn. Lượng glucose trong máu giảm kích thích hệ giao cảm hoạt động mạnh để tiết adrenalin, gây đổ mồ hôi.
2.3. Đái tháo đường
Đổ mồ hôi nhiều do đái tháo đường là biến chứng thường gặp, do đường huyết không ổn định khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động sai cách. Hậu quả là rối loạn quá trình điều tiết mồ hôi. Khi đường huyết được kiểm soát tốt, mồ hôi cũng sẽ giảm bớt.
2.4. Cường giáp
Đổ mồ hôi nhiều cũng không loại trừ khả năng là do bạn bị cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) vì hormon tuyến giáp có thể kích thích hoạt động của tuyến mồ hôi. Vì bệnh tuyến giáp để lâu ngày không chỉ khiến bạn đổ mồ hôi liên tục mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch rất nguy hiểm.
2.5. Rối loạn hormon sinh dục
Mức testosrerol ở nam thấp dẫn tới truyền thông tin sai lệch cho não là cơ thể đang quá nóng, khiến não chỉ huy tăng đổ mồ hôi để hạ nhiệt. Để điều trị có thể bổ sung testosterol dạng tiêm hoặc uống. Với nữ giới, đây là tình trạng thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh, khi nồng độ estrogen giảm thấp.
2.6. Rối loạn lo âu
Những bệnh nhân rối loạn lo âu thường bị đổ mồ hôi nhiều đi kèm hiện tượng buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ, kém tập trung và luôn lo sợ sẽ có nguy hiểm đe dọa mình.
Khi có những triệu chứng đổ mồ hôi nhiều, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra chẩn đoán và điều trị tận gốc các nguyên nhân.