Suy tim độ 2: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Trong các cấp độ suy tim, suy tim độ 2 được coi là giai đoạn “chuyển giao” giữa suy tim mức độ nhẹ và mức độ nặng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, suy tim độ 2 có thể trở nặng và gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Cùng tìm hiểu đặc điểm, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh suy tim ở giai đoạn này qua bài viết sau đây.

1. Suy tim độ 2 là gì?

Suy tim độ 2 là một trong các dạng suy tim được phân theo phân độ của Hiệp hội Tim mạch New York (NYHA), đánh giá dựa trên sự hạn chế mức độ nhẹ các hoạt động thể chất. Cụ thể, ở cấp độ suy tim này, người bệnh cảm thấy thoải mái khi nghỉ ngơi nhưng khi thực hiện các hoạt động thể chất thông thường họ lại xuất hiện tình trạng mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở – những biểu hiện điển hình của suy tim.

Suy tim độ 2 là gì?

Ở giai đoạn 2 của suy tim, người bệnh cảm thấy thoải mái khi nghỉ ngơi nhưng khi thực hiện các hoạt động thể chất thông thường họ lại xuất hiện các triệu chứng suy tim.

2. Các dấu hiệu của suy tim giai đoạn 2

Mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở khi phải đi bộ, leo cầu thang, tập thể dục, khuân vác các vật nặng… là những dấu hiệu thường gặp nhất của các bệnh nhân này. Ngoài ra, người bệnh suy tim giai đoạn 2 còn có thể xuất hiện các triệu chứng như:

– Ho khan, có lúc kéo dài dai dẳng

– Tim đập nhanh

– Giảm sự tập trung, chú ý

– Sưng mắt cá chân hoặc chân

– Tiểu đêm nhiều hơn

– Chóng mặt, hoa mắt thường xuyên, choáng váng

– Nặng ngực

– Tê bì chân tay, lạnh đầu chi

Các triệu chứng ở giai đoạn này thường nhẹ và thuyên giảm nhanh chóng khi người bệnh nghỉ ngơi.

dấu hiệu suy tim đợt 2

Mệt mỏi, đánh trống ngực, khó thở khi phải đi bộ, leo cầu thang, tập thể dục, khuân vác các vật nặng… là những dấu hiệu của bệnh nhân suy tim cấp độ 2.

3. Suy tim độ 2 có nguy hiểm không?

Tuy vẫn nằm ở giai đoạn nhẹ nhưng bệnh đã có thể làm hạn chế các hoạt động thể chất, do vậy vẫn gây ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nếu không được điều trị tốt, tim sẽ ngày càng suy yếu khiến bệnh nhanh chóng tiến triển sang suy tim độ 3.

Khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể xuất hiện những dấu hiệu sau: 

– Đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi, đè ép ở tim… một cách thường xuyên hơn, ngay cả những lúc nghỉ ngơi

– Thể lực suy giảm nghiêm trọng

– Nhịp tim không đều

– Sưng chân, đặc biệt là mắt cá chân, bàn chân

– Ho, thở khò khè do phổi bị tắc nghẽn

– Tăng cân

– Tăng đi tiểu vào ban đêm

Cùng với đó là nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tử vong,… 

4. Khả năng sống của bệnh nhân suy tim giai đoạn 2

Tiên lượng cho bệnh nhân suy tim giai đoạn này không thể xác định chính xác bởi còn phụ thuộc vào việc cơ tim có tổn thương hay không. Bên cạnh đó là các yếu tố tuổi tác, lối sống, các bệnh lý mắc kèm, khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh.

Thông thường tiên lượng của người bệnh suy tim giai đoạn 2 sẽ tốt hơn những người bị suy tim độ 3, 4. Người trẻ tuổi thường có sức khỏe tốt và ít mắc các bệnh lý khác kèm theo nên sẽ có tiên lượng tốt hơn những người cao tuổi, sức khỏe đã “xuống cấp” và có nhiều bệnh lý nền.

Để kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, hạn chế các biến chứng thì khi chức năng của cơ tim vẫn còn tốt, cần điều trị một cách nghiêm túc, đúng phương pháp với sự theo dõi và giám sát của các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, đồng thời thay đổi lối sống lành mạnh. 

5. Điều trị suy tim ở giai đoạn 2 như thế nào?

Cũng như suy tim nói chung, suy tim giai đoạn 2 không thể chữa khỏi và cũng không thể đảo ngược. Mục tiêu điều trị là ở giai đoạn này là cải thiện triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, phòng ngừa biến chứng, từ đó kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân và duy trì chất lượng cuộc sống.

Việc điều trị bệnh suy tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều trị càng sớm thì các triệu chứng được cải thiện một cách nhanh chóng. Các phương pháp điều trị gồm:

5.1 Điều trị suy tim độ 2 bằng thuốc

Thuốc được sử dụng để điều trị trong giai đoạn 2 của suy tim là các loại thuốc này có khả năng cải thiện khả năng bơm máu của tim, ngăn sự hình thành hoặc phá vỡ cục máu đông, giảm nhịp tim, đào thải natri dư thừa và bổ sung kali, giảm cholesterol…

Các loại thuốc này được kê dựa vào tình trạng bệnh thực tế của bệnh nhân bao gồm mức độ suy tim, tiền sử bệnh nền, dị ứng thuốc,… Người bệnh cần tuân thủ đơn thuốc và báo với bác sĩ chuyên khoa khi muốn thay đổi bất cứ thành phần nào trong đơn thuốc. 

Trường hợp thuốc không đáp ứng, các bác sĩ có thể cân nhắc việc thực hiện các biện pháp can thiệp, phẫu thuật.

Điều trị suy tim giai đoạn 2

Suy tim giai đoạn này có thể kiểm soát bằng các loại thuốc.

5.2 Thay đổi lối sống để kiểm soát tình trạng suy tim độ 2

Duy trì lối sống lành mạnh, từ bỏ các thói quen xấu có ý nghĩa rất lớn đối với việc điều trị suy tim giai đoạn 2. Các biện pháp cải thiện lối sống được khuyến cáo cho bệnh nhân suy tim gồm:

– Kiểm tra cân nặng hàng ngày, báo cho bác sĩ nếu cân tăng quá nhanh

– Từ bỏ việc hút thuốc lá

– Ăn ít muối để tránh giữ nước

– Ăn nhiều rau, hoa quả tươi

– Hạn chế nạp chất béo xấu (chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa), thay thế bằng chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa lành mạnh

– Hạn chế cồn, cafein, nước có ga

– Hãy tập thể dục mỗi ngày, tuy nhiên cần hỏi ý kiến bác sĩ về các bài tập phù hợp với tình trạng tim mạch của bạn

5.3 Thăm khám thường xuyên

Những người đã được chẩn đoán suy tim cấp độ 2, dù bệnh có được cải thiện cũng vẫn nên thường xuyên đi khám 3 – 6 tháng/lần. Nếu thấy các dấu hiệu bệnh trở nặng, nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và thăm khám sớm để được kiểm tra và điều chỉnh phác đồ điều trị. 

Những thông tin trong bài viết trên hi vọng đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh suy tim độ 2 và những nguy cơ tiềm ẩn. Hãy luôn chủ động theo dõi sức khỏe, đặc biệt là khi có các yếu tố nguy cơ tim mạch để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital