“Chào bác sĩ, mới đây tôi đi khám thì phát hiện có sỏi thận, nhưng tôi không có dấu hiệu đau hay bất cứ triệu chứng nào. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi, sỏi thận không đau có nguy hiểm không? Và có cần điều trị khi sỏi thận không gây đau không?”
Thanh Hòa (Hà Nội)
Chào bạn Hòa, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến hệ thống y tế của chúng tôi, chúng tôi xin được giải đáp những thắc mắc của bạn như sau
Menu xem nhanh:
1. Sỏi thận không đau có nguy hiểm không?
Sỏi thận là hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản… lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Sỏi được tạo ra do nhiều nguyên nhân như: Uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa…
Khi sỏi thận bắt đầu hình thành thường không gây đau, không có dấu hiệu cụ thể gì, và người bệnh có thể chỉ tình cờ phát hiện sỏi khi đi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên việc sỏi thận hình thành và diễn biến trong âm thầm không gây đau lại chính là mối nguy hiểm tiềm tàng. Việc sỏi thận không đau khiến người bệnh chủ quan không đi khám, tuy nhiên không phát hiện, điều trị sớm sỏi thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như suy thận cấp và mạn tính.
2. Sỏi thận gây đau khi nào?
Sỏi thận thường không có biểu hiện cụ thể, tuy nhiên sỏi có thể gây những triệu chứng như đau dữ dội vùng hông và lưng, vị trí phía dưới xương sườn, đau lan đến vùng bụng dưới, thường xuyên buồn tiểu hoặc đau buốt khi đi tiểu trong các trường hợp sau:
2.1. Khi sỏi di chuyển
Khi sỏi di chuyển, nhất là những sỏi có gai nhọn sẽ cọ xát, va chạm vào đường niệu gây ra những cơn đau thắt lưng, đau quặn thận, tiểu ra máu nếu sỏi ở thận, niệu quản. Khi sỏi cọ xát vào đường niệu thì nguy cơ viêm niêm mạc bị phù nề, viêm và là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm đường tiểu, thậm chí gây ra suy thận cấp và mạn.
2.2. Khi sỏi to
Trường hợp sỏi to khiến sỏi có thể gây tắc nghẽn niệu quản, làm cho nước tiểu ứ lại trên chỗ tắc, trong khi thận vẫn tiếp tục lọc ra nước tiểu mà niệu quản bị tắc, không xuống được nên thận bị ứ nước, giãn to, gây đau. Khi các đài thận bị căng trướng nước tiểu, sẽ tạo ra áp lực cao tác động vào thần kinh thận và vỏ thận, gây ra cơn đau quặn thận.
3. Cần xử trí như thế nào khi sỏi thận không đau
Tất cả các loại sỏi thận đều có thể gây tổn thương thận, nhiễm trùng đường niệu, tắc đường tiểu, ứ nước, thậm chí dẫn đến suy thận cấp, suy thận mạn thậm chí là vỡ thận nếu không có phương pháp điều trị kịp thời.
Vì vậy, khi sỏi còn nhỏ hay khi sỏi chưa có dấu hiệu cụ thể thì người bệnh vẫn cần chú ý những điều sau:
3.1. Điều trị sỏi thận sớm
Tùy theo kích thước, vị trí và biến chứng của sỏi gây ra mà có các chỉ định can thiệp lấy sỏi khác nhau như: kỹ thuật tán sỏi không xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể), kỹ thuật điều trị sỏi ít xâm lấn (tán sỏi qua da đường hầm nhỏ bằng laser, tán sỏi nội soi ống mềm bằng laser, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser)…
3.2. Đi khám sức khỏe định kỳ
Đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh sỏi thận, sau khi tán sỏi thì bạn cũng vẫn cần đi khám sức khỏe định kỳ để có biện pháp điều trị và phòng ngừa sỏi thận tái phát.
3.3. Chế độ sinh hoạt khoa học
– Uống đủ nước, tốt nhất là nước tinh khiết.
– Ăn đủ bữa, ăn ít đồ ăn chứa nhiều oxalat, hạn chế ăn muối… Tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung canxi…
– Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, rèn luyện sức khỏe thường xuyên và không nên làm việc quá sức.