Sơ cứu sốt cao co giật: Những kiến thức cơ bản cần học ngay

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Sốt cao co giật là tình trạng bệnh lý rất hay gặp, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nhất là khi có sự thay đổi thời tiết, khí hậu. Nếu không biết cách sơ cứu sốt cao co giật để khống chế, cơn co giật sẽ khiến não của trẻ thiếu ôxy, làm giảm trí tuệ và có thể lên cơn động kinh.

1. Tại sao có hiện tượng sốt cao co giật?

sốt cao co giật

Cơn co giật có thể xảy ra khi trẻ sốt trên 39 độ C. Nếu sơ cứu sốt cao co giật không đúng cách, có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Cũng giống như người lớn chúng ta, não trẻ em cũng có khoảng 14 tỉ tế bào thần kinh. Tới 8 tuổi, các tế bào thần kinh mới biệt hoá hoàn toàn. Trong não của trẻ em có chứa nhiều protein, nước, lipit (ít hơn người lớn). Chính do các tế bào thần kinh chưa biệt hoá, thành phần hoá học có nhiều nước nên khi trẻ sốt cao não dễ bị kích thích, các nơron thần kinh nhất thời phóng điện đột ngột và quá mức, từ đó gây tình trạng co giật toàn thân.

Những nguyên nhân có thể dẫn tới sốt cao, co giật:

Nhiễm trùng đường hô hấp trên (chiếm đa số trường hợp)

Viêm tai giữa (chiếm khoảng 20%).

Viêm phế quản phổi.

– Nhiễm trùng đường tiêu hóa (kiết lỵ, thương hàn,…).

– Nhiễm trùng đường tiểu.

– Nhiễm trùng huyết tiềm ẩn (chiếm khoảng 2-4%).

– Sau tiêm phòng: đặc biệt là quai bị, sởi (trong vòng 7-10 ngày); bạch hầu, uốn ván, ho gà (trong vòng 48 giờ).

– Viêm màng não (chiếm dưới 2%)

Cơn co giật có thể xảy ra đột ngột, ngay trong cơn sốt đầu tiên và khi sốt cao hơn 39ºC. Trẻ sẽ ngừng co giật khi hết sốt. Nếu tiếp tục sốt, cơn co giật có thể xuất hiện lại. Thông thường, cơn co giật thường ngắn hơn 10 – 15 phút và tự chấm dứt.

2. Dấu hiệu trẻ bị sốt cao, co giật

Trong cơn co giật:

– Trẻ gồng cứng, co rút người và rung giật toàn thân, mắt trợn ngược, sùi bọt mép và hơi thở nông, khò khè, nghiến chặt răng, tiểu không tự chủ.

– Trẻ sẽ mất ý thức tạm thời

Sau cơn co giật:

– Trẻ sẽ phục hồi ý thức hoàn toàn, nhưng mệt mỏi, buồn ngủ.

3. Sơ cứu sốt cao co giật: Những kiến thức cần phải biết

Phụ huynh không nên quá hoảng hốt vì hầu hết cơn co giật sẽ chỉ diễn ra dưới 5 phút, và hầu như sẽ không gây hại cho sức khỏe của trẻ, chỉ cần thực hiện khẩn cấp 6 biện pháp sơ cứu dưới đây:

3.1. Đảm bảo an toàn cho trẻ

– Ghi nhớ thời gian bắt đầu và kết thúc mỗi cơn co giật để đánh giá mức độ nặng nhẹ, và báo cáo cho bác sĩ

– Đặt trẻ nằm ở nơi thăng bằng, rộng và đảm bảo trẻ không thể ngã ra khỏi giường, đồng thời không cố giữ chặt trẻ.  

– Loại bỏ tất cả những vật dụng có thể gây tổn thương tới bé: chẳng hạn các vật cứng, nhọn ở xung quanh trẻ; 

– Cho trẻ nằm ngửa, đầu nghiêng về 1 bên để đường thở thông suốt. 

– Móc nhẹ nhàng đờm dãi trong miệng bé nếu có.Tuyệt đối phụ huynh không được cho trẻ ăn uống gì trong lúc bị co giật.

3.2. Hạ sốt

Khi trẻ sốt trên 38,5ºC, hãy cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt thường được chọn là Paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng/lần, 3-4 lần/ngày. Đối với trẻ sốt cao, co giật thì tốt nhất nên dùng hạ sốt đường hậu môn.

Sơ cứu sốt cao co giật

Chườm khăn ấm vào trán, nách, bẹn sẽ giúp hạ sốt nhanh hơn.

Bên cạnh đó, hãy giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng cách: cởi bỏ quần áo (bao gồm cả tã lót), lau mát toàn thân bằng nước ấm. Ba mẹ lưu ý nên lau mát 2 giờ 1 lần, mỗi lần không quá 30 phút. Sau khi lau mát 10 phút thì mới đo lại nhiệt độ cho bé; Ðắp khăn mát ở những vùng có mạch máu lớn nằm sát da như cổ, nách, bẹn cũng sẽ giúp hạ sốt nhanh. Chỉ khi nào nhiệt độ đo được thấp hơn 38,5 thì có thể dừng lại. 

3.3. Đưa trẻ đi khám

Khám sốt

Sau cơn co giật, hãy cho trẻ đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Sau khi hết cơn co giật, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân bé bị sốt, từ đó được điều trị kịp thời.

5. Cách chăm sóc tại nhà khi trẻ bị sốt cao, co giật

Nên:

– Để trẻ ngủ trong khoảng 1 -2 giờ vì khi bị sốt cao, co giật, trẻ rất mệt và buồn ngủ. 

– Ðặt trẻ nằm nghiêng một bên và ngửa đầu ra phía sau đề phòng cơn co giật khác xuất hiện.

– Lau chùi đàm nhớt, chất nôn ở miệng sạch sẽ.

– Kiểm tra lại nhiệt độ thường xuyên.

– Khi trẻ đã tỉnh táo hoàn toàn, hãy cho trẻ uống Paracetamol dạng siro để duy trì hạ sốt với liều 10-15mg/kg cân nặng/mỗi 6 giờ.

– Sau cơn sốt cao co giật, hãy cho bé uống thật nhiều nước.

Tuyệt đối không nên:

– Ủ kín hoặc cởi hết đồ của trẻ: hai cách làm này đều không sai. Khi sốt, cơ thể bé bị mất nước và muối khoáng nên hệ thần kinh bị rối loạn, thân nhiệt không ổn định, lúc quá nóng, lúc lại quá lạnh. Do đó, nếu ủ kín sẽ làm bé bị nóng quá, còn cởi hết đồ có thể khiến trẻ bị lạnh.

 – Chườm nước đá trực tiếp vào da: Điều này vô cùng nguy hiểm bởi có thể khiến thân nhiệt của bé tăng cao do cơ chế co mạch ngoại vi. Tốt nhất, nên dùng nước ấm lau cho trẻ.

– Kiêng nước hoàn toàn hoặc tắm lâu lúc đang sốt: Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ bằng nước ấm và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, tuy nhiên nếu tắm quá lâu có thể khiến bé bị nhiễm lạnh. 

Trên đây là toàn bộ những kiến thức về sơ cứu sốt cao co giật cho trẻ. Phụ huynh cũng đừng quên rằng cần đưa trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân gây sốt cao co giật, cũng như được chăm sóc và điều trị nếu cần thiết.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital