Sa sút trí tuệ ở người già: Triệu chứng và nguyên nhân

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Sa sút trí tuệ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người cao tuổi. Sa sút trí tuệ ở người già có thể gây ảnh hưởng nhiều mặt đến cuộc sống của người bệnh, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tử vong.

1. Sa sút trí tuệ ở người già – Vấn đề phổ biến ở Việt Nam

Sa sút trí tuệ là hội chứng liên quan đến sự tổn thương của não, với đặc trưng là sự suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Sa sút trí tuệ là bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi. Các thống kê cho thấy có khoảng 10% người trên 60 tuổi mắc chứng bệnh này. Theo ước tính của WHO, cứ 3 giây trên thế giới có thêm một người bị sa sút trí tuệ. Cứ mỗi 20 năm, số người mắc bệnh này lại tăng lên gấp đôi.

Hiện nay, gánh nặng bệnh tật đang có sự chuyển dịch từ bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm, trong đó có sa sút trí tuệ . Sự già hóa dân số là một trong những yếu tố dẫn đến sự chuyển dịch này. 

Là một nước có tốc độ già hóa nhanh nhất, Việt Nam chịu những ảnh hưởng rõ rệt của những căn bệnh này. Người cao tuổi thường mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ…gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi là gì?

Sa sút trí tuệ là một bệnh lý thần kinh thường xảy ra ở người già.

2. Triệu chứng sa sút trí tuệ thường gặp ở người già

Một số triệu chứng thường gặp ở người già bị sa sút trí tuệ đó là:

– Người bệnh bị suy giảm trí nhớ, thường gặp nhất là mất trí nhớ ngắn hạn.

– Gặp khó khăn trong giao tiếp hàng ngày, không thể diễn đạt ý muốn của bản thân hoặc diễn đạt khó hiểu, dễ nói sai, viết sai.

– Mất phương hướng, không xác định được vị trí của bản thân dù đang ở nơi rất quen thuộc. 

– Nhầm lẫn giữa ngày và đêm.

– Khó suy nghĩ những vấn đề phức tạp như tính toán, sổ sách,…

– Thay đổi các hành vi, cảm xúc một cách đột ngột.

Nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm phát triển của căn bệnh này ở mỗi bệnh nhân là khác nhau. Khi thấy dấu hiệu bất thường của bệnh, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng. Nên tuân theo phác đồ của bác sĩ kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà phù hợp để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

3. Nguyên nhân gây ra chứng sa sút trí tuệ

3.1 Do thoái hóa thần kinh – Nguyên nhân chủ yếu gây sa sút trí tuệ ở người già

Tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh cũng như các kết nối của tế bào thần kinh trong não là yếu tố quan trọng dẫn tới sa sút trí tuệ. Sa sút trí tuệ có nhiều thể bệnh khác nhau, và ở mỗi thể bệnh sẽ có những nguyên nhân khác nhau gây bệnh. Trong đó, Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng sa sút trí tuệ. Đặc điểm của các bệnh nhân mắc Alzheimer là sự hình thành các mảng Amyloid và các búi sợi tơ thần kinh trong não. Chúng tạo thành những đám protein được gọi là beta-amyloid, làm hỏng các tế bào thần kinh khỏe mạnh và các sợi kết nối chúng.

Bên cạnh đó, sự tổn thương của các mạch máu nuôi não, sự lắng đọng protein, sự phân hủy kết nối của các tế bào thần kinh, đột biến gen,…đều có thể là những nguyên nhân gây thoái hóa thần kinh, dẫn đến sa sút trí tuệ. 

Ở người già, sự thoái hóa thần kinh là nguyên nhân chủ yếu gây sa sút trí tuệ.

Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ ở người già

Thoái hóa thần kinh là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

3.2 Nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch

Các triệu chứng giống như sa sút trí tuệ có thể do sốt hoặc các phản ứng khác của cơ thể để chống lại nhiễm trùng. Bệnh đa xơ cứng và các tình trạng khác do phản ứng thái quá của hệ thống miễn dịch cũng có thể gây tổn thương các tế bào thần kinh, gây ra chứng sa sút trí tuệ.

3.3 Các rối loạn về trao đổi chất và nội tiết

Các rối loạn về nội tiết và trao đổi chất trong cơ thể có thể tác động đến trí não, gây sa sút trí tuệ. Theo đó, các đối tượng dễ bị sa sút trí tuệ do nguyên nhân nội tiết gồm:

– Những mắt bệnh tuyến giáp

– Người bị hạ đường huyết thường xuyên

– Người có sự rối loạn, thiếu hụt hoặc dư thừa natri, canxi quá mức

– Người gặp phải vấn đề trong việc hấp thụ vitamin B12

3.4 Thiếu dinh dưỡng có thể gây sa sút trí tuệ ở người già

Các tình trạng như mất nước, thiếu hụt các chất dinh dưỡng như vitamin B1, B6, B12, vitamin E, đồng,… trong chế độ ăn hàng ngày có thể gây ra các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ.

3.5 Thuốc

Các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc hoặc phản ứng tương tác của một số loại thuốc sử dụng trong quá trình điều trị bệnh.

3.6 Máu tụ dưới màng cứng

Những người cao tuổi sau khi bị ngã có thể bị chảy máu giữa bề mặt não và lớp phủ trên não. Đây có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng suy giảm nhận thức, trí nhớ.

3.7 Nhiễm độc

Việc tiếp xúc với các kim loại nặng như chì, hóa chất như thuốc trừ sâu hoặc sử dụng rượu nặng, chất kích thích quá mức có thể dẫn đến các triệu chứng sa sút trí tuệ.

3.8 Các khối u ở não

Các khối u ở não phát triển lớn có thể gây chèn ép, tổn thương các thần kinh, từ đó dẫn đến sa sút trí tuệ.

3.9 Thiếu oxy

Chứng ngưng thở khi ngủ, hen suyễn, tình trạng đau tim, ngộ độc khí carbon monoxide có thể khiến các mô cơ quan không nhận đủ lượng oxy cần thiết, dẫn đến sa sút trí tuệ.

3.10 Não úng thủy

Bình thường dịch não tủy được tạo thành trong não thất, sau đó lưu thông giữa các não thất và được hấp thụ. Não úng thủy là tình trạng tích tụ dịch não tủy trong hộp sọ. Tình trạng này khiến nhu mô não bị tổn thương và gây ra các triệu chứng bất thường. 

Sa sút trí tuệ xảy ra ở những người lớn tuổi có tác hại gì?

Tình trạng sa sút trí tuệ có thể khiến người bệnh, đặc biệt những người lớn tuổi cảm thấy khó tập trung,vui vẻ và dễ mắc nhiều bệnh tật.

4. Bệnh sa sút trí tuệ gây ảnh hưởng như thế nào đến người già?

Sa sút trí tuệ nếu không được điều trị nhằm giảm bớt sự tiến triển có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như:

– Dinh dưỡng kém: Thường xảy ra do người bệnh mất phản xạ nhai, nuốt. Tình trạng thiếu hụt hoặc suy dinh dưỡng làm cho chứng sa sút trí tuệ thêm nghiêm trọng, làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân.

– Viêm phổi: Người bị sa sút trí tuệ dễ bị mắc nghẹn, khiến thức ăn đi vào phổi, gây tắc thở và viêm phổi.

– Mất khả năng tự chăm sóc bản thân: Những người bệnh bị sa sút trí tuệ tiến triển có thể không thực hiện được các sinh hoạt bình thường như tắm, mặc quần áo, đánh răng, đi vệ sinh,… Việc dùng thuốc theo chỉ định cũng cần người thân hỗ trợ.

– Tai nạn: Sự suy giảm nhận thức, mất phương hướng có thể khiến người bị sa sút trí tuệ gặp tai nạn khi lao động lái xe, nấu ăn hay đi bộ một mình.

– Tử vong: Ở giai đoạn cuối, các bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể bị nhiễm trùng dẫn đến hôn mê và tử vong.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng sa sút trí tuệ ở người già. Khi thấy các triệu chứng của bệnh, hãy thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital