Polyp trực tràng: nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Polyp trực tràng là bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến ở người trưởng thành. Một số polyp nếu không điều trị sớm có thể tiến triển thành ung thư trực tràng. Vậy nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết căn bệnh này ra sao? Cùng chúng tôi tìm lời giải đáp ngay trong bài viết dưới đây!

1. Thế nào là polyp trực tràng và nguyên nhân hình thành

Polyp trực tràng là hiện tượng niêm mạc tế bào trực tràng tăng sinh bất thường hình thành các khối u dạng lồi. Các khối u này hay được gọi là polyp, chúng có thể có cuống hoặc không cuống, kích thước của các polyp cũng khác nhau. Theo đó, mức độ nguy hiểm của polyp tăng dần theo kích thước. Polyp kích thước nhỏ thường lành tính, polyp có kích thước lớn có khả năng chuyển sang ác tính gây ung thư trực tràng.

Polyp có hai dạng phổ biến là polyp tăng sản và polyp tuyến. Polyp tăng sản thông thường có kích thước nhỏ và ít có khả năng hóa ung thư. Polyp tuyến có kích thước lớn hơn và có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư.

Nguyên nhân hình thành polyp là do các tế bào niêm mạc phân chia và phát triển quá mức do đột biến ở một số gen nhất định. Cơ chế hình thành của polyp cũng là sự tăng trưởng không kiểm soát của tế bào nên tiềm ẩn nguy cơ ung thư, do đó người bệnh không nên chủ quan.

Polyp trực tràng

Polyp trực tràng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư

2. Những đối tượng nguy cơ cao có polyp trực tràng

Khả năng hình thành polyp tăng cao nếu bạn có các yếu tố dưới đây:

– Tuổi càng cao càng dễ có polyp, có đến 90% trường hợp polyp đường tiêu hóa xuất hiện ở người trên 50 tuổi.

– Những người trong gia đình có thành viên mắc polyp hoặc ung thư ruột già có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nhóm đối tượng này được khuyến cáo sàng lọc polyp định kỳ càng sớm càng tốt.

– Những người bị viêm loét đại trực tràng mãn tính, bệnh Crohn

– Những người có chế độ ăn uống nhiều đạm, nhiều chất béo, ít chất xơ, uống bia rượu và hút thuốc lá…

– Người có chỉ số khối cơ thể lớn (béo phì), những người ngồi nhiều, ít vận động.

– Những người bị các bệnh mãn tính như tiểu đường type 2, rối loạn chuyển hóa lipid… và những người bị rối loạn di truyền ở nhiễm sắc thể.

3. Nhận biết có polyp đường tiêu hóa qua triệu chứng nào?

Hầu hết các polyp không gây ra các triệu chứng rõ ràng. Bệnh chủ yếu được phát hiện thông qua nội soi đại trực tràng, tầm soát sớm ung thư.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cũng chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết polyp đường tiêu hóa như sau:

– Người bệnh thường xuyên đại tiện ra phân đen, phân có lẫn máu.

– Người bệnh thường xuyên bị đau bụng dưới, rối loạn tiêu hóa như táo bón và tiêu chảy mỗi đợt kéo dài vài ngày cho đến hàng tuần.

– Khi polyp phát triển nhanh, người bệnh sẽ có triệu chứng buồn nôn.

Nói chung các triệu chứng polyp đại trực tràng khá giống với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường khác nên khó nhận biết. Khi polyp được phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ dễ dàng được loại bỏ triệt để trong quá trình nội soi. Việc tầm soát phát hiện sớm polyp giúp giảm nguy cơ ung thư trực tràng.

Polyp trực tràng

Polyp đường tiêu hóa thường gặp ở những người trên 50 tuổi

4. Các phương pháp chẩn đoán polyp trực tràng

Polyp chỉ được phát hiện qua các phương pháp cận lâm sàng chuyên sâu, bao gồm:

4.1. Phát hiện và loại bỏ polyp trực tràng qua nội soi tiêu hóa

Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ luồn qua hậu môn bệnh nhân một đường ống nhỏ linh hoạt có gắn camera. Nội soi đại trực tràng giúp bác sĩ quan sát rõ lớp niêm mạc bên trong ống tiêu hóa. Trong quá trình nội soi đại trực tràng bác sĩ có thể lấy mẫu mô sinh thiết hoặc loại bỏ polyp (nếu có).

4.2. Sử dụng thuốc nhuộm bari giúp phát hiện polyp trực tràng

Với phương pháp này, bác sĩ dùng barium lỏng tiêm vào trực tràng, sau đó sử dụng tia X để chụp ảnh bộ phận này. Chất Barium làm sáng đại tràng trong hình ảnh và làm cho polyp trực tràng có màu tối trên nền sáng, giúp bác sĩ có thể nhận biết dễ hơn.

4.3. Sử dụng phương pháp chụp cắt lớp CT

Thủ tục chụp cắt lớp CT được dùng để xây dựng hình ảnh của đại trực tràng thông qua việc quét hình ảnh giúp quan sát rõ hơn về đại trực tràng, nhờ đó bác sĩ có thể phát hiện các bất thường bao gồm cả polyp.

Ngoài ra, xét nghiệm phân cũng có thể giúp phát hiện polyp. Thông qua mẫu phân, nếu kiểm tra cho thấy có lẫn máu thì bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn có polyp đường tiêu hóa, từ đó chỉ định những xét nghiệm sâu hơn.

polyp trực tràng phát hiện nhờ cách nào

Nội soi đường tiêu hóa dưới giúp dễ dàng phát hiện và loại bỏ polyp trực tràng

5. Điều trị polyp trực tràng hiệu quả có những cách nào?

– Polyp có nguy cơ ung thư hóa cao nếu để lâu, do đó cắt bỏ polyp là phương pháp hàng đầu. Thông qua nội soi đại trực tràng, bác sĩ có thể loại bỏ polyp dễ dàng bằng các thiết bị chuyên dụng. Với các polyp không thực hiện cắt bỏ được trong quá trình nội soi sẽ được phẫu thuật mổ để loại bỏ.

– Khi polyp đã tiến triển thành ung thư, hướng điều trị phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư. Trường hợp ung thư xâm lấn lân cận chân polyp, đoạn trực tràng cần được cắt bỏ. Sau khi người bệnh cắt bỏ trực tràng sẽ được tiến hành phẫu thuật mở thông hồi tràng hoặc tạo hậu môn nhân tạo để đảm bảo khả năng đi đại tiện.

– Một số loại thuốc chống viêm không steroid đang được kiểm chứng tác dụng tiêu diệt các polyp có yếu tố gia đình. Tuy nhiên nếu ngưng thuốc, polyp sẽ bắt đầu phát triển trở lại.

6. Có thể phòng ngừa polyp trực tràng không?

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa polyp đường tiêu hóa bằng những biện pháp dễ thực hiện như sau:

– Thực hiện thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học như bổ sung nhiều rau, củ, quả tươi và ngũ cốc, đồng thời hạn chế chất béo trong bữa ăn hàng ngày.
– Thực hiện duy trì thói quen sống lành mạnh như không uống rượu, uống bia và hút thuốc, đồng thời tăng cường vận động, luyện tập hàng ngày.
– Giữ cân nặng hợp lý với chiều cao, tránh thừa cân và béo phì.
– Khám và sàng lọc polyp đường tiêu hóa và tầm soát ung thư đại trực tràng định kỳ, đặc biệt ở những gia đình có tiền sử người thân bị bệnh.

Bài viết trên đã giải đáp đến bạn đọc những kiến thức bổ ích về polyp trực tràng. Hy vọng với những hiểu biết này sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa thật tốt trước sự xuất hiện của tổ chức tăng sinh bất thường này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital