Ợ chua sau khi ăn uống do đâu và biểu hiện chi tiết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Ợ chua sau khi ăn là triệu chứng khá phổ biến, đặc biệt là trong những người có vấn đề về tiêu hóa. Hiện tượng này không chỉ gây khó chịu mà còn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nghiêm trọng hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nguyên nhân, biểu hiện và khi nào bạn nên đi thăm khám để tìm đúng nguyên nhân và điều trị hiệu quả.

1. Khám phá các nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn

Ợ chua sau khi ăn có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ lối sống, chế độ ăn uống, đến các bệnh lý tiềm ẩn. Hiểu rõ nguyên nhân giúp bạn có thể điều chỉnh và cải thiện tình trạng của mình, đồng thời nhận biết khi nào cần đi thăm khám để có phương pháp điều trị hiệu quả và kịp thời.

1.1 Trào ngược dạ dày – thực quản gây ợ chua sau khi ăn uống

Trào ngược dạ dày-thực quản, còn được gọi là GERD (Gastroesophageal Reflux Disease), là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ợ chua sau khi ăn. Đây là tình trạng khi axit dạ dày và đôi khi là cả thức ăn trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

Cơ chế gây ra triệu chứng này thường là do cơ vòng thực quản dưới (LES) là một vòng cơ nằm ở cuối thực quản. Bình thường, cơ này mở để cho thức ăn đi vào dạ dày và đóng lại để ngăn không cho axit và thức ăn trào ngược lên. Khi cơ vòng này suy yếu hoặc hoạt động không đúng cách, axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác ợ chua.

Khám phá các nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn

Ợ chua sau ăn có thể là biểu hiện của GERD

1.2 Thực phẩm và đồ uống gây ợ chua sau khi ăn

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm tăng tiết axit dạ dày hoặc làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, gây ra ợ chua, chẳng hạn như:

– Thực phẩm gây kích thích: Các thực phẩm như cà phê, rượu, đồ ăn cay, thực phẩm chiên xào, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chocolate, và các loại trái cây họ cam quýt có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày hoặc làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới.

– Đồ uống có cồn và cafein: Các loại đồ uống này không chỉ làm tăng lượng axit trong dạ dày mà còn làm giảm trương lực cơ của cơ vòng thực quản dưới, dễ gây ra trào ngược.

1.3 Chế độ ăn uống không hợp lý

Chế độ ăn uống không hợp lý, bao gồm việc ăn quá nhiều, ăn quá nhanh hoặc ăn ngay trước khi đi ngủ, có thể làm tăng áp lực trong dạ dày, khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.

– Ăn quá nhiều: Ăn một lượng lớn thực phẩm trong một lần có thể làm dạ dày căng phồng, tăng áp lực và dẫn đến trào ngược axit.

– Ăn quá nhanh: Việc ăn quá nhanh khiến cơ thể không kịp tiết đủ enzyme tiêu hóa và axit, làm tăng nguy cơ trào ngược axit khi dạ dày chưa kịp xử lý hết thức ăn.

– Ăn trước khi đi ngủ: Ăn ngay trước khi đi ngủ khiến axit dễ dàng trào ngược khi bạn nằm xuống do cơ vòng thực quản dưới không đủ mạnh để giữ axit lại.

Thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý gây ợ chua sau khi ăn

Ăn ngay trước khi đi ngủ sẽ khiến bạn gặp tình trạng ợ chua

1.4 Béo phì

Thừa cân và béo phì có thể làm tăng áp lực trong khoang bụng, làm tăng nguy cơ trào ngược axit và gây ra ợ chua. Sau khi ăn càng no khả năng ợ chua sau khi nạp thức ăn vào dạ dày càng gia tăng.

– Tăng áp lực trong khoang bụng: Mỡ thừa ở vùng bụng làm tăng áp lực lên dạ dày, khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản.

– Ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản: Béo phì cũng có thể làm thay đổi cấu trúc và chức năng của cơ vòng thực quản dưới, khiến nó hoạt động không hiệu quả.

1.5 Ợ chua xảy ra sau khi uống một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra ợ chua bằng cách làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới hoặc làm tăng tiết axit dạ dày.

– Thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs): Các thuốc như ibuprofen và aspirin có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và tăng sản xuất axit.

Thuốc an thần: Một số loại thuốc an thần có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới.

Thuốc trị hen suyễn: Các loại thuốc chứa theophylline dùng để điều trị hen suyễn có thể làm tăng tiết axit dạ dày.

– Thuốc chẹn kênh canxi: Dùng để điều trị cao huyết áp, loại thuốc này có thể làm giãn cơ vòng thực quản dưới, dễ gây trào ngược axit.

1.6 Căng thẳng và stress

– Căng thẳng tinh thần có thể làm tăng tiết axit dạ dày và làm giảm trương lực cơ vòng thực quản dưới.

– Thói quen xấu khi căng thẳng: Khi căng thẳng, nhiều người có thói quen ăn uống không lành mạnh, chẳng hạn như ăn nhanh, ăn nhiều đồ ăn không tốt cho sức khỏe, hoặc uống nhiều cà phê, rượu.

1.7 Bệnh lý khác gây ợ chua

– Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm ợ chua, do làm giảm nhu động dạ dày.

– Suy giáp: Suy giáp có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và làm tăng nguy cơ trào ngược axit.

2. Biểu hiện chi tiết của ợ chua sau khi ăn

2.1 Biểu hiện

Người bị ợ chua thường cảm thấy nóng rát từ vùng bụng trên lên đến sau xương ức. Cảm giác này có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ và thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm xuống.

Axit dạ dày, dịch dạ dày hoặc thức ăn trào ngược lên thực quản và vào miệng có thể gây ợ chua và cảm giác đắng miệng, thậm chí có thể làm tổn thương niêm mạc miệng.

Ợ chua có thể gây ra cảm giác đau ngực, đôi khi bị nhầm lẫn với cơn đau tim. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn và có thể lan lên cổ, hàm hoặc cánh tay.

Biểu hiện chi tiết của ợ chua sau khi ăn

Ợ chua sau ăn khiến người bệnh có thể cảm thấy đắng miệng, nóng rát ngực đi kèm

2.2 Khi nào cần đi thăm khám bác sĩ?

Nếu bạn thường xuyên bị ợ chua sau khi ăn và các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số tình huống cụ thể cần đi khám:

– Ợ chua kéo dài hơn hai tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm khi dùng thuốc không kê đơn.

– Nếu bạn bị khó thở hoặc đau ngực kèm theo ợ chua, bạn cần đi khám ngay lập tức để loại trừ nguy cơ bệnh tim.

– Khó nuốt có thể do viêm và sưng niêm mạc thực quản, bắt nguồn tự ợ chua trào ngược dịch hay thức ăn từ dạ dày lên thực quản.

– Ho và khàn giọng cũng là triệu chứng cần chú ý và nên chủ động đi thăm khám khi kết hợp với triệu chứng ợ chua bởi có thể người bị bị kích ứng đường hô hấp do tình trạng ợ chua sau khi ăn gây ra.

3. Chẩn đoán tìm nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra ợ chua sau khi ăn, bác sĩ sẽ tiến hành một loạt các xét nghiệm và kiểm tra khác nhau.

3.1 Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc thăm khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng, tần suất và mức độ nghiêm trọng của ợ chua cũng như tiền sử bệnh lý, thói quen ăn uống của bệnh nhân. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về thời gian xuất hiện triệu chứng, các yếu tố kích thích và giảm nhẹ triệu chứng, cũng như các triệu chứng kèm theo như đau ngực, khó nuốt, ho khan.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ khám thực thể, kiểm tra vùng bụng và ngực để tìm các dấu hiệu bất thường.

Chẩn đoán tìm nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn

Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp kiểm tra phù hợp

3.3 Nội soi dạ dày thực quản

Nội soi dạ dày thực quản là phương pháp được sử dụng để kiểm tra tình trạng niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng, nhằm phát hiện các tổn thương. viêm loét hoặc khối u.

Bác sĩ sẽ đưa một ống soi mềm có gắn camera nhỏ vào miệng và đi qua thực quản xuống dạ dày. Camera sẽ truyền hình ảnh về máy tính để bác sĩ quan sát và đánh giá tình trạng niêm mạc. Nếu cần, bác sĩ có thể lấy mẫu mô để làm sinh thiết, giúp xác định chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng.

3.4 Đo pH trở kháng thực quản 24 giờ

Đo pH thực quản 24 giờ là phương pháp theo dõi mức độ axit trong thực quản suốt 24 giờ để đánh giá tần suất, thời gian trào ngược, vị trí trào ngược, loại dịch trào ngược. Ngoài ra còn tìm được mối liên hệ giữa những triệu chứng ợ chua, ợ nóng, nuốt khó, thói quen, hoạt động tại thời điểm đó với cơn trào ngược.

Phương pháp kiểm tra này được đánh giá là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định GERD hiện đại nhất hiện nay, giúp bác sĩ xác định nguyên nhân ợ chua sau khi ăn có phải là do trào ngược dạ dày thực quản hay không.

Đo pH trở kháng thực quản 24 giờ được tiến hành bằng cách sử dụng một ống mỏng được đưa qua mũi xuống thực quản và kết nối với một máy ghi dữ liệu nhỏ mà bệnh nhân đeo bên ngoài. Máy sẽ ghi lại mức độ axit trong thực quản trong suốt 24 giờ. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu ghi lại các hoạt động và triệu chứng trong suốt thời gian đo để bác sĩ so sánh với dữ liệu ghi nhận.

3.5 Đo áp lực nhu động thực quản HRM

Đây là phương pháp thăm dò chức năng chuyên sâu đo áp lực và hoạt động co bóp của cơ vòng thực quản dưới để đánh giá chức năng của cơ quan này. Kỹ thuật chẩn đoán này giúp tìm ra mối liên hệ, nguyên nhân gây triệu chứng ợ chua sau khi ăn do cơ vòng thực quản dưới suy yếu…

Phương pháp đo áp lực nhu động thực quản HRM được tiến hành thông qua một ống mỏng được đưa qua mũi xuống thực quản. Ống này có các cảm biến áp lực để đo lường sự co bóp và áp lực trong thực quản khi bệnh nhân nuốt.

Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn là bước quan trọng để có phương pháp điều trị hiệu quả. Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý và các xét nghiệm chuyên sâu để xác định nguyên nhân cụ thể và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp. Nếu bạn thường xuyên gặp phải triệu chứng ợ chua, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh để tình trạng kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital