Bệnh RSV ở trẻ có nguyên nhân gây bệnh là virus RSV (hợp bào hô hấp). Hiện vẫn chưa có vắc xin để phòng ngừa loại virus này cũng như chưa có thuốc để điều trị đặc hiệu những bệnh do virus gây ra. Việc phát hiện sớm và điều trị triệu chứng bệnh là điều cần thiết, giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, ngăn chặn những biến chứng có thể xảy ra.
Menu xem nhanh:
1.Đôi nét về loại virus RSV, thủ phạm gây bệnh hô hấp cho trẻ
1.1. Bệnh RSV ở trẻ nghĩa là gì?
Respiratory syncytial virus, tên viết tắt là RSV, là loại virus gây nên nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, tiểu phế quản. Virus này xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường mũi, mắt, miệng và rất dễ lây lan sang cho người khác qua đường giọt bắn hoặc trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi,… RSV có thể tồn tại khá lâu, lên đến vài giờ đồng hồ trên bề mặt các đồ vật như bàn ghế, quần áo, đồ chơi của trẻ. Trẻ sẽ có khả năng nhiễm bệnh nếu dùng tay để chạm vào đồ vật, sau đó đưa tay lên miệng, mắt. Bệnh hô hấp gây ra bởi RSV thường bùng phát mạnh vào thời điểm giao mùa giữa mùa đông xuân và xuân hạ.
Phần lớn trường hợp trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp sẽ nằm nhiều ở lứa tuổi dưới 2 tuổi. Đôi khi, người lớn cũng bị nhiễm virus RSV, sau 2 đến 8 ngày mới có những biểu hiện ra bên ngoài của bệnh. Tuy nhiên, đối với trẻ khỏe mạnh hoặc người trưởng thành, các triệu chứng của RSV gây ra thường không quá nặng nề, có thể chỉ giống như dấu hiệu cảm lạnh thông thường, chỉ cần áp dụng các phương pháp chăm sóc bình thường tại nhà cũng khiến cho bệnh thoái lui và trẻ khỏe lại bình thường.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp virus RSV có thể khiến cho bệnh bị biến chứng nặng hơn, nhất là ở những đối tượng như trẻ sinh non, trẻ có sức đề kháng kém hoặc mắc những bệnh có sẵn về đường hô hấp. Trẻ có thể bị viêm phổi, suy hô hấp, những bệnh rất nguy hiểm cho tính mạng. Đối với nhiều người cao tuổi, có bệnh tim, phổi, hen suyễn, việc nhiễm virus RSV cũng khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
1.2. Triệu chứng bệnh RSV ở trẻ biểu hiện thế nào?
Những biểu hiện khi trẻ bị lây nhiễm RSV đó là:
– Khó thở
– Thở nhanh
– Lồng ngực kéo lõm
– Thở khò khè
– Chảy nước mũi
– Ho
– Sốt
– Đau họng
– Đau tai
– Quấy khóc
– Lừ đừ, mệt mỏi
– Ngủ không ngon
– Hoạt động chậm chạp
– Bỏ ăn, ăn kém
– Trẻ sinh non có hiện tượng ngưng thở trong 15- 20 giây
– Biểu hiện mất nước
Ngoài ra, khi nhiễm virus hợp bào hô hấp, trẻ thường mắc các bệnh về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi với những biểu hiện như:
– Thở khó
– Thở nhanh
– Thở khò khè
– Ho nặng và sâu
– Nghẹt mũi
– Nôn trớ nhiều
– Mệt mỏi, bỏ ăn
Thông thường, trẻ khi nhiễm RSV sẽ có dấu hiệu trong vòng từ 4 cho đến 6 ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Những triệu chứng bệnh thường xuất hiện từ từ theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh chứ không thể hiện cùng một lúc, đồng thời mức độ nặng sẽ tăng dần. Vài ngày đầu, bệnh thường nhẹ, giai đoạn ngày thứ 3-5 bệnh sẽ nặng nhất và sau đó giảm dần. Đến ngày thứ 10 bệnh có thể đã khỏi hoàn toàn.
Hầu hết những trường hợp bị RSV sẽ không bị đe dọa đến tính mạng. Nhưng nếu nhận thấy những dấu hiệu bệnh đang biến chuyển nặng hơn, trẻ khó thở, sốt cao, da nhợt nhạt, môi tím thì cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám ngay.
2. Dùng biện pháp gì để chẩn đoán trẻ nhiễm virus RSV
Những bước tiến hành thăm khám để chẩn đoán bệnh RSV ở trẻ đó là:
– Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, nghe tim phổi để kiểm tra các tiếng khò khè hoặc những âm thanh lạ có trong phổi trẻ.
– Do nồng độ bão hòa oxy bằng thiết bị do qua da xem có ở mức bình thường không hay bị thấp hơn.
– Xét nghiệm máu nhằm kiểm tra số lượng bạch cầu, phát hiện các loại virus, vi khuẩn có trong máu, kiểm tra khả năng viêm nhiễm,…
– Kiểm tra dịch mũi để phát hiện một số virus
– Chụp X Quang để kiểm tra khả năng viêm nhiễm trong phế quản, phổi
3. Điều trị cho trẻ bị viêm phổi do RSV như thế nào?
Phần lớn những trẻ bị nhiễm RSV khiến cho trẻ bị viêm tiểu phế quản dạng nhẹ, có khả năng tự khỏi khi được chăm sóc tại nhà:
– Vệ sinh dịch mũi cho trẻ bằng các phương pháp rửa hút mũi nhẹ nhàng với nước muối
– Đảm bảo độ ẩm trong phòng của trẻ và mức độ sạch của không khí
– Tuyệt đối giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào vì có khả năng làm cho trẻ bị hen suyễn sau này, đồng thời cũng khiến bệnh bị nặng hơn.
– Đảm bảo chế độ ăn cho trẻ đầy đủ, nhiều chất và chia nhỏ những bữa ăn ra để trẻ ăn dễ dàng hơn, không bị bỏ bữa và tránh nôn trớ.
– Cần tích cực cho trẻ uống nước để giảm nguy cơ bị thiếu nước. Nước cũng làm cho đờm được loãng hơn, dễ long ra bên ngoài hơn, giảm cơn ho cho trẻ. Tuy nhiên không nên cho trẻ uống nhiều nước có vị ngọt vì có thể làm mất cân bằng điện giải.
– Nếu cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần tuân thủ đơn thuốc và liều dùng cho trẻ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.
– Cần cho trẻ tái khám để kiểm tra như lịch hẹn của bác sĩ.
Trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, nếu nhận thấy trẻ đang bị năng hơn hoặc có những dấu hiệu khác lạ thì cần đưa trẻ đi khám ngay, tránh những biến chứng nặng hơn.
Làm sao để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus RSV ở trẻ?
– Hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh, có những dấu hiệu của bệnh như sốt ho, hắt hơi, sổ mũi,…
– Không đưa trẻ đến nơi đông người, nhất là vào thời điểm đang có dịch
– Vệ sinh không gian sống xung quanh trẻ cho sạch sẽ, không cho trẻ ở những nơi có khói thuốc.
– Giữ vệ sinh cho trẻ và người chăm sóc trẻ để hạn chế các nguy cơ lây nhiễm virus.
RSV là loại virus có khả năng gây biến chứng bệnh viêm phế quản, viêm phổi cho trẻ. Chính vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời và điều trị nhanh chóng.