Những người có nguy cơ bị đột quỵ cao

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ CKI

Trịnh Thị Khanh

Bác sĩ Nội Khoa

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm và có thể xảy ra ở bất cứ ai. Những người có nguy cơ bị đột quỵ cao thường là người có lối sống thiếu lành mạnh hay mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, thiếu máu não, dị dạng mạch máu não, bệnh mạch vành…

1. Người mắc bệnh các bệnh lý nền

Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Nhóm những người có bệnh nền dễ bị đột quỵ gồm:

1.1 Những người có nguy cơ bị đột quỵ cao thường mắc bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu. Gần 60% số ca đột quỵ có liên quan đến tăng huyết áp.

Huyết áp cao gây tổn thương thành mạch, tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa và huyết khối. Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ nhồi máu não.

Ngoài ra, áp lực lớn của máu lên thành mạch cũng làm tăng nguy cơ giãn phình, vỡ mạch máu.

Những người có nguy cơ bị đột quỵ cao liên quan đến tăng huyết áp

Người bị tăng huyết áp là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ

1.2 Tiểu đường

Tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao so với mức cho phép. Tình trạng đường máu tăng cao có thể gây tổn thương mạch máu, tạo điều kiện cho cholesterol tích tụ, hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch. Các thống kê cho thấy, nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh tiểu đường thường cao gấp 2 – 4 lần so với người không mắc bệnh.

1.3 Rối loạn lipid máu

Tình trạng cholesterol máu cao làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ thừa dưới dạng các mảng bám, gây xơ vữa mạch máu và nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, trong đó có mạch máu não.

1.4 Thiếu máu não

Thiếu máu não là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nhồi máu não – dạng đột quỵ chiếm tới 85% các ca bệnh.

1.5 Bệnh mạch vành

Tình trạng tắc, hẹp các mạch máu nuôi dưỡng cơ tim có thể khiến tim hoạt động kém hiệu quả, khiến máu không đủ cung cấp cho não, gây thiếu máu não, lâu dần gây đột quỵ. Bệnh mạch vành thường liên quan đến tình trạng xơ vữa mạch máu và cục máu đông. Nếu không được kiểm soát, các mảng xơ vữa và huyết khối có thể nứt vỡ, di chuyển lên não gây tắc nghẽn.

1.6 Những người có nguy cơ bị đột quỵ khi còn trẻ thường có yếu tố dị dạng mạch máu não

Dị dạng mạch máu não là bệnh lý mạch máu bẩm sinh nhưng thường được phát hiện muộn do không có biểu hiện lâm sàng đáng chú ý. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ như: rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, ngưng thở khi ngủ, chứng đau nửa đầu Migraine,…

2. Những người có nguy cơ bị đột quỵ cao thường có lối sống thiếu lành mạnh

Lối sống thiếu lành mạnh cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy đột quỵ xảy ra, đặc biệt là đột quỵ ở người trẻ. Các thói quen xấu làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm:

– Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa

– Ăn ít rau xanh, hoa quả, chất xơ

– Không vận động thường xuyên

– Uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều…

– Thường xuyên thức khuya, căng thẳng

Các thói quen này gây tăng huyết áp, làm suy yếu thành mạch máu. Do đó làm tăng nguy cơ hình thành xơ vữa mạch máu và huyết khối, khiến đột quỵ dễ xảy ra. Các thống kê cho thấy, hút thuốc lá làm tăng 6 lần nguy cơ đột quỵ. Uống quá nhiều rượu (hơn 5 ly trong một ngày) và ít nhất mỗi tháng một lần làm tăng 39% nguy cơ đột quỵ.

Những người hút thuốc là là một trong những nhóm có nguy cơ đột quỵ cao

Những người hút thuốc là một trong những nhóm có nguy cơ đột quỵ cao.

3. Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ

Đột quỵ thường xảy ra ở những người cao tuổi, với độ tuổi chủ yếu trên 65. Nguyên nhân thường liên quan đến sự lão hóa của não bộ và cơ thể. Theo thời gian, các cơ quan trong cơ thể dẫn lão hóa, trở nên kém linh hoạt. Điều này khiến người cao tuổi dễ mắc nhiều bệnh lý nền. Đây là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy những người trên 55 tuổi tăng 50% nguy cơ đột quỵ sau mỗi 10 năm.

Hiện nay đột quỵ ở người trẻ (dưới 45 tuổi) ngày càng phổ biến hơn, chiếm 10-15% tổng số ca đột quỵ, gây ra những hậu quả nặng nề cho người bệnh, gia đình và xã hội.

4. Nguy cơ đột quỵ liên quan như thế nào đến giới tính?

Ở nước ngoài, nữ giới thường bị đột quỵ nhiều hơn. Nguyên nhân là do phụ nữ có tuổi thọ cao hơn, dễ mắc các bệnh lý nguy cơ gây đột quỵ như huyết áp, tiểu đường, mỡ máu nên nguy cơ đột quỵ ở giới này cũng cao hơn. Sự thay đổi về hormone, nội tiết tố trong cơ thể khi trải qua các giai đoạn mang thai, tiền mãn kinh, mãn kinh cũng khiến họ dễ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.

Tuy nhiên ở Việt Nam, tỷ lệ nam giới bị đột quỵ cao hơn khoảng 1,5 lần so với nữ giới. Điều này có thể xuất phát từ thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều của đàn ông Việt.

Đột quỵ thường xảy ra ở những người cao tuổi.

Đột quỵ thường xảy ra ở những người cao tuổi.

5. Tiền sử đột quỵ có phải là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ?

Nguy cơ đột quỵ ở một người thường cao hơn bình thường nếu họ có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ sớm trước 65 tuổi.

Đột quỵ rất nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng người bệnh trong khoảng thời gian ngắn. Tỷ lệ tử vong lên tới 50%, cùng với nguy cơ gặp phải nhiều di chứng nặng nề. Vì thế việc tầm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ là rất quan trọng đối với việc phòng ngừa căn bệnh này, giúp bảo vệ tính mạng của mỗi người.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital