Tình trạng đột quỵ: Dấu hiệu và cách sơ cứu

Tham vấn bác sĩ

Đột quỵ cướp đi tính mạng của hàng triệu người trên thế giới mỗi năm. Đây là căn bệnh cấp tính cực kỳ nguy hiểm, nếu may mắn thoát chết thì nguy cơ di chứng cũng rất cao. Bài viết này, Thu Cúc TCI gửi tới độc giả thông tin về tình trạng đột quỵ: nguyên nhân, dấu hiệu và cách sơ cứu kịp thời và hiệu quả.

1. Lý giải cơ chế hình thành nên bệnh đột quỵ

1.1. Tình trạng đột quỵ hình thành như thế nào?

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một dạng hội chứng lâm sàng, có đặc trưng là sự mất cấp tính chức năng của não bộ. Tình trạng này có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Đột quỵ gây ra các triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với từng vùng não bởi động mạch bị chấn thương. Đó cũng là lý do đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não.

Khi tình trạng đột quỵ xảy ra, vấn đề thiếu oxy lên não là nguy hiểm nhất. Chỉ sau khoảng 4-5 phút não bị thiếu oxy, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng hoặc không thể hồi phục các tổn thương. Đột quỵ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến khả năng tư duy và hoạt động trong tương lai. Một vài di chứng nặng như tê liệt, rối loạn cảm xúc, không nói được, suy giảm thị lực, thậm chí sống thực vật,..

Tình trạng đột quỵ – tai biến mạch máu não hình thành theo 2 cơ chế:

– Đột quỵ do thiếu máu não cục bộ – chiếm khoảng 85% ca bệnh. Nguyên nhân do các huyết khối, co thắt động mạch, thuyên tắc mạch,..

– Đột quỵ do xuất huyết não – chiếm khoảng 15%. Nguyên nhân do huyết áp tăng đột ngột, động mạch não bị vỡ túi phình hoặc bị dị dạng. Một số yếu tố khác như rối loạn đông cầm máu hoặc chảy máu trong ổ nhồi máu não, dẫn đến xuất huyết ồ ạt.

Tình trạng đột quỵ có thể lấy đi tính mạng của con người bất cứ lúc nào

Tình trạng đột quỵ có thể lấy đi tính mạng của con người bất cứ lúc nào

1.2. Các yếu tố nào có thể gây ảnh hưởng đến nguy cơ xảy ra tình trạng đột quỵ?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ “ghé thăm”, trong đó có thể chia thành hai nhóm là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân do bệnh lý trong cơ thể.

Yếu tố khách quan

Một số không thể thay đổi như độ tuổi. Người cao tuổi có tỉ lệ đột quỵ cao hơn so với người trẻ tuổi. Từ 55 tuổi trở đi, tỷ lệ đột quỵ sẽ cao gấp đôi sau mỗi 10 năm. Yếu tố khác ảnh hưởng đến đột quỵ như chủng tộc (người Mỹ gốc phi có nguy cơ cao gấp đôi người da trắng), giới tính (nam dễ bị đột quỵ hơn nữ). Ngoài ra, yếu tố khác có thể kể đến là tiền sử gia đình có người mắc đột quỵ. Các thành viên khác trong gia đình cũng có nguy cơ cao hơn so với người bình thường.

Yếu tố bệnh lý trong cơ thể

Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường. Đặc biệt, người có mỡ máu cao rất dễ mắc đột quỵ. Người bị béo phì, thừa cân là nhóm đối tượng dễ mắc các loại bệnh lý này. Từ đó nguy cơ đột quỵ cũng trở nên cao hơn.

Đặc biệt, người đã từng bị tai biến cũng dễ bị các cơn đột quỵ tấn công trở lại.

Bên cạnh các yếu tố trên, một vài lý do khác có thể kể đến như lối sống không lành mạnh. Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá độ, ăn uống không điều độ là nguyên nhân ảnh hưởng lớn tới nguy cơ mắc đột quỵ.

2. Cách nhận biết các dấu hiệu khi bị đột quỵ

Tùy theo cơ địa của mỗi người, dấu hiệu đột quỵ có thể khác nhau. Những dấu hiệu này xuất hiện và có thể qua rất nhanh, có thể làm cho người bệnh chủ quan. Tuy nhiên một vài dấu hiệu có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Một số biểu hiện tiêu biểu như sau

– Mặt tê cứng, nụ cười méo mó. Cả cơ thể bị mất sức đột ngột, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, có dấu hiệu tê liệt hoặc khó cử động. Ngoài ra, không thể nâng hai tay qua đầu cùng một lúc chính là dấu hiệu rất rõ đế nhận biết đột quỵ

– Người đột nhiên gặp khó khăn khi nói như dính chữ, không rõ chữ, nói ngọng. Biểu hiện khác có thể kể đến là đột nhiên hoa mắt chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột. Thị lực giảm sút không rõ nguyên nhân. Một vài người bệnh có thể đau đầu, cơn đau đầu đến bất chợt.

Điều quan trọng nhất là khi nhận thấy bản thân và người xung quanh có những dấu hiệu trên, cần chủ động khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp ta có những biện pháp can thiệp kịp thời tránh được những hậu quả nghiêm trọng.

3. Sơ cứu cho người bị đột quỵ: Cần làm gì?

Cần lưu ý rằng thời gian để cứu bệnh nhân đột quỵ không dài kể từ khi khởi phát bệnh. Chính vì vậy, việc quan trọng cần làm đầu tiên là gọi cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi đội ngũ y tế, bạn có thể áp dụng các bước sơ cứu theo hướng dẫn như sau:

– Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng

– Kê gối vào đầu cao lên khoảng 45 độ so với mặt đất.

– Cởi bớt cúc áo, tháo bỏ bớt trang phục để đảm bảo trang phục thoải mái hơn

– Hướng dẫn hít sâu và thở đều để bình tĩnh hơn và cung cấp đủ oxy cho não nếu bệnh nhân còn tỉnh.Có thể nói chuyện để trấn an bệnh nhân.

– Cần giúp bệnh nhân nôn được hết ra ngoài. Nếu bệnh nhân có đờm trong cổ họng, cần móc chúng để tránh sặc lên chặn khí quản. Ngoài ra, nên dùng vật cứng hoặc khăn tay ngáng miệng để tránh bệnh nhân cắn vào lưỡi.

– Đặc biệt, khi đã ngừng thở, phải tiến hành hô hấp nhân tạo đúng cách để cứu sống bệnh nhân.

Sơ cứu kịp thời và đúng cách để giữ tính mạng cho bệnh nhân

Sơ cứu kịp thời và đúng cách để giữ tính mạng cho bệnh nhân

4. Những cách phòng chống tình trạng đột quỵ diễn ra

Cần chú ý đến các biện pháp phòng đột quỵ để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Nên áp dụng những cách sau đây:

– Kiểm soát bệnh lý nền và kiểm soát huyết áp. Điều này giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt có thể đồng thời ngăn ngừa t thiếu máu cục bộ.

– Hạn chế lượng cholesterol, các chất béo bão hòa và cả các chất béo chuyển hóa. Chúng chính là chất gây ra sự tích tụ và làm tắc nghẽn trong lòng mạch. Để làm được điều này, mỗi người cần thay đổi chế độ ăn uống hoặc nhờ bác sĩ tư vấn thuốc giảm cholesterol.

– Cẩn trọng với bệnh tiểu đường bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục và giảm cân. Điều này sẽ giúp bạn ổn định được lượng đường trong máu.

– Duy trì cân nặng hợp lý – cân nặng là tác nhân gây ra bệnh tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường, tăng nguy cơ đột quỵ

– Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá

Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ đột quỵ

Bỏ thuốc lá để giảm nguy cơ đột quỵ

– Tập luyện thể dục – thể thao thường xuyên: Làm giảm huyết áp, làm tăng lượng cholesterol tốt. Ngoài ra, thể dục có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, đặc biệt cho cho tuần hoàn mạch máu. Đây cũng là cách giúp kiểm soát cân, giảm căng thẳng, kiểm soát tiểu đường.

Trên đây là những thông tin về tình trạng đột quỵ: sự hình thành, yếu tố tăng nguy cơ cũng như cách sơ cứu và phòng ngừa. Hi vọng quý độc giả sẽ trang bị thêm cho mình những điều cần thiết và hữu ích để bảo vệ tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital