Những mối nguy tiềm ẩn từ căn bệnh suy tim cấp

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Suy tim cấp là một tình trạng khẩn cấp cần được điều trị ngay tránh những nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh có thể mới khởi phát hoặc tiến triển từ bệnh suy tim mạn. Cùng tìm hiểu về suy tim cấp qua bài viết sau đây.

1. Suy tim cấp là gì?

Đây là tình trạng khởi phát các triệu chứng của suy tim một cách đột ngột. Lúc này chức năng tim có thể bảo tồn hoặc giảm, kèm hoặc không kèm biểu hiện sung huyết, giảm tưới máu. Các trường hợp suy tim cấp thường đòi hỏi phải can thiệp cấp cứu để tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Khoảng 15 – 28% trường hợp suy tim dạng cấp xảy ra sau hội chứng mạch vành cấp với các dạng thường gặp là suy tim mạn mất bù cấp, phù phổi cấp và sốc tim.

Trong đó sốc tim là tình trạng giảm tưới máu nặng thường dẫn đến suy đa tạng. Sốc tim chiếm khoảng 2 – 4% các trường hợp suy tim thể cấp hoặc 5 – 15% các ca nhồi máu cơ tim cấp với tỷ lệ tử vong cao, lên tới 40 – 50%.

Suy tim cấp là gì

Suy tim thể cấp là cấp cứu nội khoa khi các triệu chứng của suy tim khởi phát một cách đột ngột

2. Triệu chứng suy tim cấp

Các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện rất nhanh, có thể là triệu chứng mới xảy ra hoặc là sự tăng nặng và đột ngột tồi tệ của các tình trạng đã có, bao gồm:

– Khó thở, đặc biệt khi di chuyển hoặc nằm thẳng, đỡ hơn khi nằm nghiêng

– Cảm thấy mệt, thậm chí kiệt sức đột ngột

– Ho nặng hơn vào ban đêm hoặc khi người bệnh nằm xuống

– Sưng phù, thường ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, có khi ở bụng hoặc tĩnh mạch cổ

Ngoài ra, có các triệu chứng khác ít gặp nhưng vẫn có thể xuất hiện như rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, ngất xỉu, tái môi, da hoặc lưỡi.

3. Các yếu tố thúc đẩy suy tim đột ngột

Các nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 20% trường hợp suy tim dạng cấp nhập viện mới khởi phát, còn lại 80% là biến chứng của suy tim mạn mất bù.

Bên cạnh đó, các yếu tố thúc đẩy suy tim thể này gồm:

3.1 Các bệnh lý tim mạch gây suy tim cấp

– Các rối loạn nhịp nhanh như rung nhĩ, nhịp nhanh thất…

– Rối loạn nhịp chậm, điển hình là bloc nhĩ thất độ III

– Huyết áp tăng một cách không kiểm soát

– Viêm cơ tim

– Thuyên tắc phổi cấp

Hở van tim cấp, thường liên quan đến viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim

– Bóc tách động mạch chủ

– Ép tim

Nguyên nhân gây suy tim cấp

Các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chủ yếu gây suy tim nói chung.

3.2 Các yếu tố gây suy tim cấp không liên quan đến tim mạch

– Nhiễm khuẩn và sốt

– Bệnh phổi tắc nghẽn mạn

– Suy thận

– Thiếu máu

– Các bệnh chuyển hóa như cường giáp, suy giáp, nhiễm ceton do đái tháo đường, suy tuyến thượng thận, mang thai…

– Bệnh nhân không tuân thủ điều trị thuốc hoặc chế độ ăn

– Biến chứng sau phẫu thuật

– Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không steroid, corticoide…

– Sử dụng rượu, thuốc kích thích có hại cho cơ thể

– Tổn thương ở não

4. Biến chứng khó lường của bệnh suy tim thể cấp tính

Nếu không được điều trị kịp thời, suy tim có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng như:

– Thiếu máu: Suy tim khiến tim rối loạn co bóp, có thể gây thiếu máu đột ngột. Đặc biệt nếu thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc hemoglobin, cơ thể rất dễ suy nhược, mệt mỏi.

– Rung nhĩ: Đây là tình trạng nhịp tim không đều có thể xảy ra do suy tim cấp. Biến chứng này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và dẫn đến đột quỵ

– Suy giảm chức năng thận: Suy tim có thể khiến khả năng lọc và đào thải của thận giảm, làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, nhập viện và tử vong.

– Suy giãn tĩnh mạch chân: Máu lưu thông kém có thể khiến da dày lên, thay đổi màu sắc. Một số trường hợp bệnh nhân dễ bị loét chân hoặc rụng tóc. Tình trạng này có thể phát triển nếu người bệnh gặp chấn thương.

– Bệnh gan: Những người bị suy tim có nguy cơ cao phát triển bệnh gan.

5. Chẩn đoán suy tim dạng cấp

Tại các cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng, tiền sử bệnh nhân và chỉ định thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng để tìm các dấu hiệu suy tim.

Các phương pháp chẩn đoán thường gặp gồm:

– Điện tâm đồ (ECG): Giúp theo dõi hoạt động điện của tim. 

Xét nghiệm máu: Tìm kiếm các nguyên nhân cơ bản gây ra suy tim hoặc dấu hiệu của các biến chứng.

– Siêu âm tim: Giúp xác định loại suy tim và nguyên nhân gây suy tim

– Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) tim: Thường sử dụng trong những trường hợp nghi ngờ tổn thương cơ tim.

6. Điều trị suy tim cấp

Suy tim cấp tính là tình trạng cấp cứu cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Người bệnh thường được theo dõi huyết áp, oxy, đặt máy thở,… nếu cần thiết.

Một số loại thuốc điều trị suy tim thể cấp thường được lựa chọn gồm:

– Lợi tiểu: Lợi tiểu quai là phương pháp căn bản trong điều trị suy tim cấp, giúp giảm tình trạng sung huyết, giãn mạch. Bên cạnh đó có thể sử dụng thêm lợi tiểu thiazid hoặc kháng aldosterone giúp tăng đáp ứng với lợi tiểu quai. Trước khi thực hiện phương pháp này, cần xét nghiệm lại chức năng thận, điện giải…

– Thuốc giãn mạch: Giúp giãn động mạch, giảm hậu gánh, cải thiện cung lượng tim, giãn tĩnh mạch làm giảm tiền gánh, cải thiện tình trạng phù phổi và sung huyết mạch thận. Thường dùng nhất là nitroglycerin, thuốc ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, hydralazine kết hợp nitrate.

– Thuốc vận mạch và tăng co bóp: Cần sử dụng thận trọng do có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim.

– Các thuốc tăng co bóp có tác dụng giãn mạch như Dobutamine và Milrinone

– Các thuốc tăng co bóp có tác dụng co mạch như Dopamine, Noradrenalin, Adrenaline

Ngoài ta các biện pháp cơ học hỗ trợ tuần hoàn hoặc phẫu thuật có thể được lựa chọn trong điều trị suy tim dạng cấp, tuy nhiên cần có chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa. 

Điều trị suy tim thể cấp

Khi có các triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở uy tín để được cấp cứu kịp thời.

7. Các phương pháp phòng ngừa

Thay đổi lối sống là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa suy tim.

7.1 Chế độ ăn uống 

– Tích cực ăn hoa quả và rau, các loại ngũ cốc nguyên hạt

– Sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo

– Giảm lượng thịt tiêu thụ

– Hạn chế thức ăn có nhiều muối hoặc nhiều đường, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

Người bệnh cần đi khám để được ​​bác sĩ để đảm bảo lượng thức ăn tiêu thụ, tùy thuộc vào thể trạng cụ thể của mỗi người.

7.2 Lối sống

– Uống đủ nước: Nên chọn các loại đồ uống không cồn, không chứa caffein, đảm bảo lượng rượu uống mỗi ngày không vượt quá quy định. 

– Không sử dụng thuốc lá, các chất gây nghiện như ma túy

– Tập thể dục đều đặn, lựa chọn những bài tập vừa sức, đặc biệt khi mắc các bệnh lý tim mạch từ trước

– Duy trì cân nặng phù hợp, chỉ số khối cơ thể (BMI) trong khoảng 20 – 25;

– Tránh căng thẳng bằng

Như vậy có thể thấy suy tim cấp là tình trạng nguy hiểm. Để phòng ngừa tình trạng này xảy ra, cần thăm khám tim mạch và thực hiện thay đổi lối sống một cách tích cực. Khi thấy các biểu hiện của thể suy tim này, cần đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital