Polyp đại trực tràng là một trong những bệnh lý phổ biến ở đại tràng. Đa số bệnh là lành tính, tuy nhiên theo thời gian chúng có thể ác hóa và dẫn đến ung thư. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Polyp đại trực tràng là gì?
Polyp đại trực tràng là những tổn thương xuất hiện ở niêm mạc và thường nhô vào bên trong của đại trực tràng. Các polyp này thường lành tính khi kích thước dưới 1cm. Tuy nhiên nếu các polyp có đường kính lớn hơn 1 cm thì có nguy cơ sẽ phát triển thành ung thư. Polyp đại trực tràng được chẩn đoán bằng nội soi đại tràng, nội soi đại trực tràng ảo hoặc chụp đại tràng đối quang kép.
2. Cơ chế hình thành polyp đại trực tràng
Thông thường, các tế bào ở niêm mạc sẽ phân chia bình thường dưới sự điều khiển có tổ chức về thời gian và mức độ của chính nó. Tuy nhiên, khi xuất hiện đột biến gen trong các tế bào đó sẽ dẫn đến sự phân chia không kiểm soát các tế bào mới tạo ra.
Do đó, hình thành các đa polyp ở vùng niêm mạc của trực tràng. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến biến đổi gen như cơ địa, chất hóa học, phóng xạ từ con đường ăn uống…
3. Phân loại polyp đại trực tràng
Hiện nay, người ta chia polyp đại trực tràng thành nhiều loại, trong đó có 3 nhóm chính. Mỗi nhóm có những đặc điểm nhận dạng về màu sắc, cấu trúc và mức độ nguy hiểm khác nhau. Cụ thể:
3.1. Polyp tăng sản
– Màu sắc: Giống hoặc nhẹ hơn màu niêm mạc
– Cấu trúc: Các đốm đen hoặc trắng có kích thước đồng nhất hoặc không có hoa văn đồng nhất
– Mức độ nguy hiểm: Lành tính
3.2. Polyp tuyến
– Màu sắc: Màu nâu so với màu niêm mạc
– Cấu trúc: Cấu trúc hình bầu dục, hình ống hoặc phân nhánh màu trắng, được bao quanh bởi các mạch màu nâu
– Mức độ nguy hiểm: Có khả năng phát triển thành ung thư
3. 3. Polyp ác tính
– Màu sắc: Màu nâu đến nâu sẫm so màu niêm mạc
– Cấu trúc: Mẫu bề mặt vô định hình hoặc không có
– Mức độ nguy hiểm: Ác tính
4. Triệu chứng của polyp đại trực tràng
Đến 95% người khi xuất hiện polyp đại trực tràng không có triệu chứng. Việc phát hiện chủ yếu là do nội soi tầm soát. Tuy nhiên, một số người sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, phân lẫn máu, tiêu phân đen, táo bón, mệt mỏi, chóng mặt, tiêu chảy…
5. Nguyên nhân dẫn đến polyp đại trực tràng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến polyp đại trực tràng. Các polyp hình thành dựa trên nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, từ tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh cho đến chế độ ăn, lối sống,…
5.1. Người cao tuổi
Thông thường, tuổi càng cao thì khả năng mắc các bệnh càng lớn, trong đó có polyp đại trực tràng. Theo nghiên cứu gần đây, số người cao tuổi có polyp trong niêm mạc trực tràng chiếm 2/3. Vì vậy, khám sức khỏe thường xuyên là cực kỳ cần thiết.
5.2. Do di truyền
Polyp đại trực tràng có tính di truyền trong gia đình. Vì vậy, nếu ông bà, bố mẹ mắc polyp thì các thế hệ sau cũng có nguy cơ mắc polyp. Những người có thân nhân trong gia đình bị đa polyp có nguy cơ bị polyp cao gấp 2 – 3 lần so với người bình thường.
5.3. Polyp đại trực tràng do các nguyên nhân khác
– Chế độ ăn không khoa học: Ăn ít, không đủ chất xơ từ rau củ quả và ăn nhiều thực phẩm chiên rán, chế biến sẵn, rượu
– Hút thuốc: Trong khói thuốc lá có nhiều các chất hóa học độc hại. Nếu sử dụng trong thời gian dài dễ tích tụ các chất như nicotin, tác động xấu đến các cơ quan trong cơ thể.
– Ít vận động: Hạn chế vận động, tập thể dục là thói quen xấu ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tăng nguy cơ mắc polyp đại trực tràng.
6. Polyp đại trực tràng có nguy hiểm không?
Polyp đại trực tràng nên được chẩn đoán và điều trị sớm do có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Những polyp lành tính có khả năng trở thành polyp ác tính nếu quá trình thay đổi và đột biến trong tế bào vẫn liên tục diễn ra. Các tế bào bên trong polyp sẽ tiếp tục phân chia, một cách mất kiểm soát.
Điều này dẫn đến làm tăng kích thước polyp, sẽ trở thành polyp ác tính. Sự thay đổi này gọi là hiện tượng loạn sản. Vì thế, khi phát hiện bị polyp đại trực tràng cần phải đến gặp bác sĩ ngay để có biện pháp can thiệp kịp thời. Bởi nếu để lâu, khả năng mắc ung thư trực tràng sẽ rất lớn.
7. Phòng ngừa polyp đại trực tràng
7.1. Hạn chế nguy cơ mắc polyp đại trực tràng nhờ thói quen sinh hoạt khoa học
Thiết lập thực đơn ăn uống khoa học, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, nhất là chất xơ và vitamin. Nên tạo thói quen tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ mắc polyp đại trực tràng như hạn chế hút thuốc lá và sử dụng rượu bia có kiểm soát. Đặc biệt, tăng cường vận động như tập thể dục, thể thao…
7.2. Bổ sung các chất chống oxy hóa
Theo các nghiên cứu, khi được bổ sung các yếu tố chống oxy hóa như các vitamin A, C, E và canxi thì khả năng mắc đa polyp trực tràng rất thấp.
Để tăng hiệu quả phòng ngừa hiệu quả polyp đại trực tràng, bạn nên áp dụng đồng thời tất cả các biện pháp trên. Riêng với dùng thuốc, bạn nên tuân thủ theo đúng phác đồ và hướng dẫn của các y bác sĩ.
Trên đây là những chia sẻ hữu ích về nguyên nhân cũng như cách giảm nguy cơ mắc polyp đại trực tràng. Mong rằng, qua đây, bạn đọc có cách nhìn tổng quát cũng như biết cách chăm sóc sức khỏe cho mình và người thân. Hệ thống y tế Thu cúc với đội ngũ y bác sĩ hàng đầu về tiêu hóa cùng với các trang thiết bị, máy móc hiện đại, khám và điều trị bệnh đạt hiệu quả tối ưu. Ngay khi thấy bản thân xuất hiện những triệu chứng bất thường, hãy tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều sớm, kịp thời bạn nhé!