K trực tràng thấp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Ung thư hay K trực tràng thấp là một trong các bệnh lý về đường tiêu hóa phổ biến. Bệnh có khả năng di căn cao và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp. Hiểu về bệnh K trực tràng thấp là gì sẽ giúp người bệnh nắm rõ các dấu hiệu, phương pháp điều trị cũng như biết cách phòng tránh bệnh hiệu quả nhất.

1. K trực tràng thấp là gì?

1.1. Khái niệm:

Trực tràng là một đoạn ruột thẳng dài từ 11-15cm, nằm ở phần cuối cùng của đại tràng và là “cầu nối” giữa đại tràng và ống hậu môn. Bộ phận này có nhiệm vụ lưu trữ chất thải và tham gia vào quá trình đào thải các chất cặn bã ra ngoài cơ thể qua ống hậu môn.

Do vị trí khá nhạy cảm, phải thường xuyên làm việc với chất thải và các độc tố nên nguy cơ mắc các bệnh lý viêm nhiễm nguy hiểm tại trực tràng rất cao. Các bệnh lý về trực tràng phổ biến nhất là viêm trực tràng, polyp trực tràng, sa trực tràng và ung thư hay K trực tràng. Vậy K trực tràng thấp là gì?

K trực tràng xảy ra khi lớp niêm mạc trực tràng xuất hiện các khối u ác tính có chứa tế bào ung thư hoặc bắt nguồn từ những polyp trực tràng tiến triển thành. K trực tràng thấp là tình trạng xuất hiện các khối u ác tính cách rìa hậu môn <6mm.

Ung thư trực tràng thấp thường được chẩn đoán nhiều nhất ở người trên 50 tuổi với tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần. Số ca mắc bệnh là những người trẻ tuổi ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân do lối sống của giới trẻ hiện nay thiếu lành mạnh, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, căng thẳng, stress kéo dài và ăn uống không được đảm bảo.

K trực tràng thấp là gì?

K trực tràng thấp là tình trạng xuất hiện các khối u ác tính cách rìa hậu môn <6mm, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không điều trị kịp thời.

1.2. Các giai đoạn của K trực tràng thấp là gì?

Ung thư trực tràng thấp tiến triển qua 4 giai đoạn:

– Giai đoạn 0 (ung thư biểu mô tại chỗ): Các tế bào bất thường chỉ mới xuất hiện ở lớp trong cùng của thành niêm mạc trực tràng.

– Giai đoạn 1: Các tế bào ung thư đã lan qua lớp trong cùng của thành niêm mạc trực tràng nhưng chưa đến các hạch bạch huyết.

– Giai đoạn 2: Khối u ác tính phát triển qua lớp cơ bên ngoài của thành trực tràng và xâm lấn đến các vùng lân cận (niêm mạc bụng) nhưng vẫn chưa lan đến hệ thống bạch huyết.

– Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư xuyên qua lớp cơ ngoài cùng của thành trực tràng và tiếp cận một hoặc nhiều hạch bạch huyết.

– Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối): Các tế bào ung thư phát triển nhanh, xâm nhập và hệ thống bạch huyết và di căn đến các cơ quan khác xa hơn như gan, phổi, xương…

Việc phát hiện ung thư trực tràng ở giai đoạn sớm có ý nghĩa rất lớn trong điều trị. Khi này, các tế bào ung thư chưa phát triển mạnh và chưa gây nhiều tổn thương đến cơ thể. Các biện pháp điều trị sẽ đơn giản hơn, hiệu quả chữa bệnh cao hơn và khả năng phục hồi cho người bệnh cũng sẽ tốt hơn.

2. Nguyên nhân gây ung thư trực tràng thấp

Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào khẳng định chính xác nguyên nhân gây bệnh ung thư trực tràng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế các định căn bệnh K ác tính này có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố nguy cơ sau:

– Đột biến gen di truyền: Hội chứng đa polyp tuyến gia đình làm tăng nguy cơ mắc K trực tràng ở người trước 40 tuổi và hội chứng Lynch làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở một người trước 50 tuổi.

– Tuổi tác: nguy cơ mắc bệnh cao ở những người trên 50 tuổi.

– Di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc K trực tràng hoặc một số hội chứng đột biến gen di truyền thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường.

– Người từng xạ trị vùng bụng trước đây để điều trị bệnh ung thư khác.

– Người mắc một số bệnh về đường ruột: Viêm ruột, viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn,..

– Người bị ung thư buồng trứng hoặc tiểu đường type 2 không được quản lý tốt.

– Người có tiền sử mắc polyp hoặc ung thư đại – trực tràng.

– Người thừa cân nặng hoặc béo phì.

– Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: ăn nhiều thịt đỏ, nhiều chất béo, ít chất xơ, thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh,…

– Người lười vận động, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, chất kích thích… trong thời gian dài.

– Người có hệ miễn dịch kém.

3. Triệu chứng bệnh K trực tràng thấp là gì?

K trực tràng thấp thường được phát hiện sớm hơn K đại tràng do có biểu hiện triệu chứng sớm và có thể dễ dàng sờ thấy qua thăm khám hậu môn trực tràng. Tuy nhiên đôi khi bệnh được phát hiện trễ do người bệnh nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý đường tiêu hóa khác như trĩ xuất huyết, kiết lỵ và nứt kẽ hậu môn. Các triệu chứng thường gặp của K trực tràng thấp bao gồm:

Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Có thể là đầy bụng, chậm tiêu, ợ hơi, buồn nôn, đau tức vùng bụng trước và sau khi ăn.

– Đau bụng: Cơn đau có thể là dữ dội hoặc âm ỉ mơ hồ không rõ ràng.

– Thay đổi thói quen đi vệ sinh: đi đại tiện nhiều lần trong ngày hoặc táo bón, tiêu phân lỏng có kèm theo chất nhầy.

– Mót rặn, cảm giác đại tiện không hết và muốn đi nữa.

– Đại tiện ra máu: có thể đại tiện ra máu tươi tách biệt với phân hoặc đại tiện ra phân lẫn máu.

– Thay đổi hình dạng phân: phân mỏng và dẹt hơn bình thường do bị khối u chèn ép.

– Chán ăn, giảm cân bất thường, mệt mỏi, thiếu máu.

– Trường hợp K trực tràng giai đoạn muộn hoặc di căn thì xuất hiện thêm các triệu chứng vàng da, báng bụng, ho dai dẳng, đau xương, sưng tay chân, thay đổi tầm nhìn hoặc giọng nói, rò phân ra âm đạo, tiểu ra phân…

Giải đáp K trực tràng thấp là gì

Rối loạn tiêu hóa kéo dài và đại tiện là máu là dấu hiệu của bệnh K trực tràng thấp

4. K trực tràng thấp có chữa khỏi được không?

Ung thư trực tràng thấp là một bệnh lý đường tiêu hóa có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên hiện nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học mà bệnh vẫn có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Phát hiện K trực tràng ở giai đoạn sớm, khi các tế bào ung thư chỉ nằm tại lớp niêm mạc, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp nội soi để phẫu tích và loại bỏ toàn bộ chúng mà vẫn giữ nguyên được trực tràng. Người bệnh có thể điều trị thành công mà không cần dùng đến phương pháp hóa trị hay xạ trị.

Nhưng nếu K trực tràng thấp ở giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác thì việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Phác đồ điều trị được đưa ra lúc này chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Bên cạnh đó, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, K trực tràng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:

– Tắc nghẽn trực tràng gây đau bụng, thay đổi nhu động ruột, buồn nôn, ói mửa,…

– Thiếu máu.

– Tăng nguy cơ ung thư quay trở lại vị trí khởi phát ban đầu.

– Di căn đến các cơ quan xa trực tràng hoặc hạch bạch huyết xa.

5. Phương pháp điều trị ung thư trực tràng thấp

Điều trị ung thư trực tràng thấp là sự kết hợp giữa các phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và hóa chất.

5.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật K trực tràng giúp loại bỏ khối u, các mô và một số hạch bạch huyết lân cận. Đây là phương pháp thường được áp dụng và có hiệu quả khi bệnh phát hiện sớm. Với các trường hợp bệnh được chẩn đoán K trực tràng cao và trung gian, việc cắt bỏ khối u và bảo tồn cơ thắt hậu môn không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, K trực tràng thấp luôn là thách thức với  các y bác sĩ khi lựa chọn phương pháp phẫu thuật.

Nhiều năm qua, người bị K trực tràng thấp thường được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ trực tràng qua nội soi ngả bụng và tầng sinh môn (phương pháp Miles), làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Việc mang hậu môn nhân tạo làm ảnh hưởng nặng nề tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển của phẫu thuật nội soi cùng sự hỗ trợ của xạ trị và hóa trị trước mổ, người bị K trực tràng thấp có cơ hội được phẫu thuật bảo tồn cơ thắt hậu môn mà không cần mang theo hậu môn nhân tạo.

Sau phẫu thuật, người bệnh thường phải làm hậu môn nhân tạo tạm thời ở hồi tràng nhằm bảo vệ miệng nối giữa đại tràng và đại tràng thấp.

Giải đáp K trực tràng thấp là gì

Phẫu thuật K trực tràng để loại bỏ các tế bào ung thư.

5.2. Phương pháp xạ trị

Xạ trị trong điều trị K trực tràng thấp là phương pháp sử dụng chùm tia có năng lượng cao tác động trực tiếp vào khối u để tiêu diệt và hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư.

Phương pháp này thường được sử dụng với mục đích hỗ trợ phẫu thuật. Xạ trị có thể tiến hành trước mổ, sau mổ hoặc kết hợp cả hai. Xạ trị trước mổ giúp hạn chế sự phát triển của khối u và làm tăng khả năng cắt bỏ được hoàn toàn các khối u ác tính. Xạ trị sau mổ kết hợp với hóa trị giúp làm giảm tái phát tại chỗ và cải thiện hiệu quả điều trị.

5.3. Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc hóa chất đưa và cơ thể để ngăn chặn và tiêu hiệu các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng qua được uống hoặc đường tĩnh mạch. Tùy theo tình trạng của bệnh lý mà bác sĩ sẽ tư vấn loại thuốc, liều lượng và lịch trình sử dụng khác nhau.

Hóa trị trong điều trị K trực tràng thấp là một bước quan trọng và thường được dùng phối hợp với xạ trị.

Lưu ý: Các thông tin về cách điều trị chỉ mang tính tham khảo, người bệnh cần đi khám để được tư vấn cụ thể.

6. Cách phòng ngừa ung thư trực tràng

Ung thư trực tràng thấp là bệnh lý nguy hiểm, có khả năng di căn và tử vong cao. Theo các chuyên gia, nguy cơ mắc K trực tràng thấp có thể giảm thiểu và ngăn ngừa bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ và quản lý chế độ ăn uống, sinh hoạt. Vậy các biện pháp phòng ngừa K trực tràng thấp là gì?

Sàng lọc ung thư trực tràng:

Kiểm tra sức khỏe đại – trực tràng theo định kỳ là cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. Hơn 80% K trực tràng thấp  phát sinh từ các polyp tuyến. Do đó, tầm soát ung thư này có hiệu quả không chỉ giúp phát hiện sớm mà còn có tác dụng phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Chế độ ăn uống:

– Xây dựng chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và protein nạc… để cung cấp đầy đủ chất xơ, chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất giúp đẩy lùi bệnh hiệu quả.

– Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, các loại thịt đỏ, thức ăn chiên rán, cay nóng… để làm giảm nguy cơ mắc K trực tràng.

– Bổ sung Vitamin, magie, canxi, folate có thể làm giảm nguy cơ mắc K trực tràng, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể.

Chế độ sinh hoạt và lối sống:

– Duy trì cân nặng hợp lý và tránh tăng cân vùng giữa cơ thể để giảm nguy cơ mắc bệnh.

– Tăng cường hoạt động thể chất: Duy trì luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để cải thiện lưu thông máu, tăng cường tuần hoàn và trao đổi chất, kiểm soát cân nặng… giúp làm giảm nguy cơ mắc polyp và ung thư trực tràng.

– Không hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu bia, chất kích thích, nước ngọt có ga.

– Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về K trực tràng thấp là gì. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và có tiên lượng sống tốt khi được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu. Do đó, mỗi người cần xây dựng lối sống và sinh hoạt lành mạnh và khoa học để bảo vệ sức khỏe bản thân. Đồng thời xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm để tầm soát nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital