Viêm gan B lây qua đường nào: Những điều bạn cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm khá phổ biến đe dọa đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên không phải ai cũng biết bệnh viêm gan B lây qua đường nào. Việc nắm rõ thông tin về bệnh phần nào giúp chúng ta phòng tránh dễ dàng hơn.

1.Tìm hiểu về bệnh viêm gan B

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, số người nhiễm virus viêm gan B chiếm gần 20% dân số. Trên Thế giới có tới hàng trăm triệu người mắc bệnh viêm gan B mãn tính. Đây là những con số không hề nhỏ đối với một căn bệnh.

Viêm gan B do virus HBV tấn công làm tổn thương đến gan. Một số trường hợp bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Virus có thể tấn công cơ thể âm thầm dẫn đến xơ gan thậm chí là ung thư gan. Nếu không được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời, diễn biến bệnh ngày càng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm gan B như:

– Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

– Gặp nhiều vấn đề về đường tiêu hóa: Chán ăn, ăn không ngon miệng, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi. Da dẻ có màu vàng, mắt vàng, nước tiểu sậm màu, đi ngoài phân bạc màu.

– Thường xuyên đau vùng gan, vị trí phía trên bên phải bụng.

– Buổi chiều thường sốt nhẹ, da ngứa ngáy.

Bệnh được biểu hiện dưới 2 thể là: Viêm gan B cấp tính, viêm gan B mãn tính. Nếu người lớn bị bệnh có thể dễ dàng điều trị nhưng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất khó để khỏi bệnh hoàn toàn.

Vàng da là một trong những triệu chứng của bệnh viêm gan B

Vàng da là một trong những triệu chứng của bệnh viêm gan B

2. Viêm gan B lây qua đâu?

Giống như bao bệnh truyền nhiễm khác, virus viêm gan B rất dễ lây qua nhiều con đường. Thậm chí khả năng lây nhiễm còn cao hơn 100 lần virus HIV. Virus viêm gan B có thể tồn tại bên ngoài cơ thể tới một tuần. Thời gian ủ cho tới lúc phát bệnh trong khoảng từ 1 tháng tới 3 tháng.

Virus viêm gan B thường trú ẩn trong dịch cơ thể như: Máu, tinh dịch, dịch âm đạo. Mặc dù hiếm gặp nhưng chúng cũng có thể tồn tại trong nước tiểu, sữa mẹ, nước mắt hay nước bọt.

Virus HBV tấn công cơ thể bằng nhiều hình thức khác nhau. Ban đầu bệnh thường ở dạng cấp tính. Sau 6 tháng, cơ thể không miễn dịch được với virus sẽ trở thành viêm gan B mãn tính. Các con đường chủ yếu giúp lây lan virus:

2.1. Viêm gan B lây qua đường nào – Lây từ mẹ sang con

Đa phần virus viêm gan B sẽ truyền từ mẹ sang bé ở tháng thứ 7 của thai kỳ đến 1 tuần sau khi bé chào đời. Trong 6 tháng đầu đời của bé khả năng nhiễm bệnh từ mẹ cũng khá cao.

Mức độ lây nhiễm còn phụ thuộc vào hai yếu tố đó là:

– Nồng độ HBeAg (đoạn kháng nguyên vỏ capsid của HBV) trong cơ thể người mẹ với thời gian tương đương.

– Số lượng virus trong người mẹ (tính theo ADN) trong những tháng cuối thai kỳ.

Virus HBV cũng có khả năng tồn tại trong sữa mẹ dù rất ít. Trẻ có thể bị viêm gan B nếu đầu vú mẹ có vết thương hở, xây xước.

Viêm gan B lây qua đường nào? Bé có thể nhiễm bệnh từ mẹ

Trẻ sơ sinh có thể nhiễm bệnh từ mẹ

2.2. Lây qua đường máu

Máu là nơi cư trú chủ yếu của virus HBV. Người khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm viêm gan B qua đường máu khi:

– Nhận truyền máu của người bị viêm gan B

– Tái sử dụng kim và ống tiêm có chứa virus HBV

– Tiếp xúc trực tiếp với các vết thương hở có dính máu của bệnh nhân.

– Dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân có khả năng dính máu cao như: Dao cạo râu, bàn chải đánh răng,…

– Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp nếu không tiệt trùng dụng cụ sạch sẽ cũng sẽ dễ là nguồn lây lan viêm gan B như: Nhổ răng, xăm mình,…

– Dụng cụ phẫu thuật không được xử lý tiệt trùng theo đúng tiêu chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ truyền bệnh.

Lượng virus HBV cư trú trong máu rất cao vì vậy chỉ cần xây xát da hay niêm mạc mà tiếp xúc với máu của người bị viêm gan B thì nguy cơ nhiễm bệnh vô cùng cao.

2.3. Viêm gan B lây qua đường nào – Đường tình dục

Theo một số nghiên cứu về con đường lây nhiễm của viêm gan B, khả năng lây qua đường tình dục chiếm tỷ lệ khá cao. Thói quen quan hệ tình dục không an toàn rất dễ khiến bạn trở thành bệnh nhân viêm gan B.

– Quan hệ qua đường hậu môn, quan hệ bằng miệng (oral sex) không dùng bao cao su.

– Dùng chung đồ chơi tình dục mà không được rửa sạch, tiệt trùng.

– Quan hệ thô bạo gây tổn thương niêm mạc dễ khiến virus HBV truyền qua đường máu.

– Quan hệ tình dục không lành mạnh với trai/gái mại dâm, quan hệ tập thể, đồng giới.

Nhiều người thắc mắc: Viêm gan B có thể lây lan qua đường tình dục thì người mắc bệnh có nên quan hệ không? Câu trả lời đó là: Người bệnh vẫn có thể quan hệ nhưng cần hết sức thận trọng và luôn sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình.

Tìm hiểu viêm gan b lây qua đường nào

Quan hệ tình dục không lành mạnh có thể khiến virus HBV lây lan

3. Cách phòng bệnh viêm gan B

3.1. Tiêm vắc-xin viêm gan B

Tiêm vắc-xin viêm gan B là phương pháp phòng ngừa bệnh chính và hiệu quả. Vắc-xin có tác dụng tạo ra lớp màng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus. Tiêm vắc-xin viêm gan B đầy đủ sẽ kéo dài hiệu quả ít nhất là 20 năm hoặc đến suốt đời. Thời gian vắc-xin phát huy tác dụng còn phụ thuộc vào nồng độ kháng thể kháng virus được tạo ra trong máu người tiêm chủng. Cụ thể:

– Hàm lượng từ 10 mIU/ml trở lên: Đạt hiệu quả bảo vệ tiêu chuẩn.

– Nồng độ trên 100 mIU/ml: Hiệu quả miễn dịch cho cơ thể rất tốt.

– Hàm lượng dưới 10 mIU/ml: Không có khả năng bảo vệ cơ thể trước virus.

Theo thời gian, hiệu quả bảo vệ cơ thể của vắc-xin sẽ không còn tốt như lúc ban đầu. Các bác sĩ khuyên những người có nồng HBsAb thấp hơn 10mIU/ml nên tiêm phòng bổ sung định kỳ hàng năm.

Từ trẻ nhỏ cho đến người già, tất cả mọi người đều nên tiêm chủng đầy đủ vắc xin viêm gan B. Đặc biệt là các trường hợp:

– Những người thường xuyên phải truyền máu hoặc các sản phẩm máu như: Người được ghép tạng, bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

– Những người sống trong các nhà tù: Tù nhân, quản tù,…

– Đối tượng tiêm chích ma túy.

– Những người cùng chung sống với người bị viêm gan B.

– Những người có công việc tiếp xúc nhiều với máu sản phẩm máu như: Bác sĩ, nhân viên y tế,…

– Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần tiêm mũi vắc-xin viêm gan B đầu tiên cho trẻ sơ sinh ngay trong vòng 24 giờ đầu khi mới chào đời. Các mũi tiêm tiếp theo lần lượt khi trẻ được 2, 3, 4 tháng.

Việc tiêm chủng không đảm bảo tuyệt đối bạn sẽ không bị viêm gan B nhưng phần nào giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

3.2. Các phương pháp phòng tránh khác

Ngoài tiêm vắc xin, một số biện pháp phòng tránh viêm gan B khác như:

– Tránh cho con bú trực tiếp nếu mẹ bị viêm gan B.

– Không dùng chung kim tiêm, các dụng cụ xuyên chích qua da như: Châm cứu, xăm mình, xăm môi,…

– Có ý thức bảo vệ bản thân bằng cách quan hệ tình dục an toàn.

– Tránh tiếp xúc với dịch tiết, máu của người nhiễm bệnh.

– Tuyệt đối không dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân với người mắc viêm gan B.

– Kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi tiến tới hôn nhân.

– Những người bị viêm gan B mãn tính chưa có phương pháp điều trị cần thường xuyên thăm khám định kỳ để xét nghiệm và siêu âm gan.

Viêm gan b lây qua đường nào và cách phòng tránh

Mọi người nên tiêm chủng vắc xin viêm gan B đầy đủ

Hy vọng bài viết đã cung cấp đủ kiến thức, thông tin cần thiết về bệnh viêm gan B lây qua đường nào. Mặc dù virus HBV rất dễ lây nhiễm nhưng bạn không cần quá lo lắng nếu nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp phòng tránh. Mong rằng trong tương lai gần viêm gan B sẽ không còn là mối lo ngại của mọi người.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital