Cách điều trị viêm gan B cấp tính và mạn tính

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B là bệnh lý phổ biến toàn cầu, do virus viêm gan B (BHV) gây ra. HBV có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con. Viêm gan B gồm thể cấp tính và mạn tính. Hãy cùng tìm hiểu cách điều trị viêm gan B qua bài viết sau đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.

1. Điều trị viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính chủ yếu được điều trị hỗ trợ. Theo đó, người bệnh viêm gan B cấp sẽ được hướng dẫn:

– Trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng cần nghỉ ngơi tuyệt đối .

– Hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu bia, tránh sử dụng các loại thuốc chuyển hóa qua gan.

– Xem xét nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết.

– Có thể sử dụng các thuốc bổ trợ gan theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Riêng đối với thể viêm gan B tối cấp, người bệnh cần được điều trị hồi sức nội khoa tích cực. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus đường uống.

Điều trị viêm gan B cấp tính

Người bệnh viêm gan B cấp tính cần nghỉ ngơi trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng

2. Điều trị viêm gan B mạn tính

2.1. Mục tiêu điều trị

– Ức chế sự sao chép của virus viêm gan B trong thời gian dài.

– Cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh, ngăn ngừa biến chứng xơ gan, ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

– Dự phòng lây truyền HBV cho cộng đồng bao gồm dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.

– Dự phòng đợt bùng phát bệnh viêm gan B.

2.2. Nguyên tắc điều trị

– Lựa chọn ban đầu là các thuốc uống nucleot(s)ide analogues (NAs). Chỉ một số trường hợp đặc biệt mới được chỉ định dùng các phác đồ có Peg-IFN.

– Điều trị viêm gan virus B mạn với NAs là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời.

– Tuân thủ điều trị là việc tất cả người bệnh cần đặc biệt lưu ý.

Điều trị viêm gan B như thế nào?

Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị

2.3. Chuẩn bị điều trị viêm gan B mạn tính

Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về các vấn đề sau:

– Sự cần thiết, mục tiêu và hiệu quả điều trị với thuốc kháng virus.

– Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị: Người bệnh cần thực hiện đúng hướng dẫn về cách uống thuốc, uống thuốc đúng giờ, tái khám đúng hẹn,…

– Các xét nghiệm cần thiết để phục vụ chẩn đoán, theo dõi và đánh giá điều trị.

– Thời gian điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời (đối với NAs).

– Việc sử dụng thuốc có thể gây ra những tác dụng không mong muốn.

– Biến chứng ung thư biểu mô tế bào gan có thể xảy ra, kể cả trong quá trình điều trị kháng virus, đặc biệt các trường hợp có xơ hóa gan từ giai đoạn 3 trở lên.

Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm trước điều trị gồm:

– Tổng phân tích tế bào máu.

– AST, ALT, creatinine huyết thanh.

– Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan (như bilirubin, albumin, INR, tỷ lệ prothrombin,…) trong trường hợp cần thiết.

– Siêu âm bụng, AFP,…

– HBeAg, tải lượng HBV DNA.

– Anti-HCV.

– Đánh giá giai đoạn xơ hóa gan: Bác sĩ có thể sử dụng chỉ số APRI hoặc một trong các kỹ thuật như FIbroScan, ARFI, sinh thiết gan,…

– Nếu người bệnh điều trị Peg-IFN thì cần làm thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp (TSH, FT3, FT4), điện tâm đồ,…

– Các xét nghiệm khác tùy thuộc vào chỉ định lâm sàng.

2.4. Chỉ định điều trị viêm gan B mạn bằng thuốc kháng virus

Việc điều trị bằng thuốc kháng virus dựa vào sự kết hợp 3 yếu tố: nồng độ ALT, tải lượng HBV DNA và mức độ xơ hóa gan.

Trường hợp xơ gan (xơ gan còn bù hoặc mất bù)

– Chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và/ hoặc kết quả đánh giá xơ hóa gan giai đoạn 4 bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc sinh thiết.

– Điều trị khi tải lượng HBV DNA trên ngưỡng bất kể nồng độ ALT và tính trạng HBeAg.

Trường hợp không xơ gan

Điều trị viêm gan virus B mạn cho người bệnh khi đáp ứng cả 2 tiêu chuẩn:

(1) Tổn thương tế bào gan: AST, ALT > 2 lần ULN và/ hoặc xơ hóa gan từ giai đoạn 2 trở lên.

(2) Virus đang tăng sinh: HBV DNA từ 20.000 IU/mL (10 mũ 5 copies/mL) trở lên nếu HBeAg dương tính. Hoặc HBV DNA từ 2.000 IU/mL (10 mũ 4 copies/mL) trở nên nếu HBeAg âm tính.

Các trường hợp chưa đáp ứng hai tiêu chuẩn trên vẫn có thể được chỉ định điều trị khi có một trong các tiêu chuẩn sau:

– Người bệnh trên 30 tuổi với mức ALT cao hơn ULN kéo dài (ghi nhận ít nhất 3 lần trong khoảng 24 – 48 tuần ) và HBV DNA > 20.000 IU/ml, bất kể tình trạng HBeAg.

– Tiền sử gia đình có xơ gan hoặc HCC.

– Có các biểu hiện ngoài gan như: viêm đa khớp, viêm cầu thận, viêm đa nút động mạch, cryoglobulin máu,…

– Viêm gan B tái phát sau khi ngưng điều trị thuốc kháng virus.

Điều trị viêm gan B mạn tính

Điều trị viêm gan B mạn tính thường kéo dài, có thể suốt đời

2.5. Các loại thuốc điều trị được ứng dụng phổ biến

Chi tiết về các loại thuốc điều trị có trong bảng dưới đây:

Tên thuốcLiều người lớnLiều trẻ emTác dụng phụ
Tenofovir disoproxil fumarate – TDF300mg/ ngày. Người bệnh suy thận cần điều chỉnh liều theo mức lọc cầu thậnTừ đủ 12 tuổi và cân nặng đủ 35kg: liều lượng như người lớnBệnh thận, hội chứng Fanconi, nhiễm toan lactic, hội chứng loãng xương
Entecavir – ETV0.5mg/ ngày. Người bệnh từng sử dụng lamivudine hoặc có xơ gan mất bù thì liều dùng là 1mg/ ngày. Người bệnh suy thận cần điều chỉnh liều theo mức lọc cầu thậnTrẻ từ đủ 2 tuổi: tính liều theo cân nặng. Từ 10 – 11kg: 0.15mg (3mL). Từ > 11 -14kg: 0.2mg (4mL). Từ > 14 – 17kg: 0.25mg (5mL). Từ > 17 – 20kg: 0.3mg (6mL). Từ > 20 – 23kg: 0.35mg (7mL). Từ > 23 – 26kg: 0.4mg (8mL). Từ > 26 – 30kg: 0.45 mg (9mL). Từ > 30kg: 0.5mg (1 viên 0.5mg hoặc 10mL dung dịch uống)Nhiễm toan lactic
Tenofovir alafenamide – TAF25 mg/ngày. Đối với các trường hợp suy thận nhẹ, vừa và nặng, hoặc chạy thận: Không cần giảm liều lượngTrẻ từ đủ 12 tuổi: liều như người lớnNhiễm toan lactic. TAF không chỉ định cho trường hợp xơ gan mất bù
Peg-IFN-α-2a (người lớn) và IFN-α-2b (trẻ em)180 µg/tuầnTrẻ từ đủ 1 tuổi: 6 triệu đơn vị/m2 x 3 lần/tuầnCác triệu chứng giả cúm, mệt mỏi, giảm bạch cầu, rối loạn tâm thần, chán ăn và sụt cân, rối loạn miễn dịch ở người lớn

Lưu ý rằng việc dùng thuốc bắt buộc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Gan mật. Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc, tránh tiền mất tật mang cũng như khiến tình trạng sức khỏe trầm trọng hơn.

2.6. Thời gian điều trị

Thời gian điều trị với phác đồ có Peg-IFN là 48 tuần. Trong khi đó, thời gian điều trị với thuốc NAs kéo dài, có thể suốt đời. Cụ thể:

– Người bệnh xơ gan cần được điều trị suốt đời.

– Cần điều trị lâu dài với người bệnh chưa xơ gan, có thể xem xét ngưng điều trị trong các trường hợp sau đây:

+ Viêm gan B mạn với HBeAg dương tính: Sau khi đã điều trị thêm 12 tháng kể từ khi có chuyển đổi huyết thanh HBeAg (HBeAg (-), anti-HBe (+) và tải lượng HBV DNA dưới ngưỡng) hoặc mất HBsAg, người bệnh có thể ngưng điều trị.

+ Viêm gan B mạn với HBeAg âm tính: Có thể ngưng điều trị khi tải lượng HBV DNA dưới ngưỡng và mất HBsAg.

+ HBcrAg âm tính.

– Chỉ ngưng điều trị với các trường hợp có khả năng theo dõi định kỳ trong thời gian dài để đánh giá nguy cơ tái hoạt HBV sau khi ngưng thuốc. Bác sĩ sẽ giải thích và tư vấn cho người bệnh nguy cơ bùng phát viêm gan virus B, bệnh gan mất bù và ung thư gan sau khi ngưng điều trị.

Trên đây là cách điều trị viêm gan B thể cấp tính và mạn tính. Người bệnh cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Gan mật để thăm khám và điều trị, đảm bảo đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital