Viêm gan B mãn tính: Biến chứng nguy hiểm và phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B mãn tính là một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất về gan. Bệnh làm suy giảm chức năng gan, tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Để hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh lý này và cách phòng ngừa bệnh, hãy tham khảo bài viết dưới đây của Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI.

1. Tổng quan về viêm gan B mãn tính

1.1. Bệnh lý viêm gan B

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus cùng tên – virus viêm gan B (HBV). Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng qua 3 con đường chính gồm: đường từ mẹ sang con, đường máu và đường tình dục.

Bệnh có độ nguy hiểm cao do ít biểu hiện thành các triệu chứng rõ ràng. Điều này khiến người bệnh chủ quan, khó phát hiện bản thân mắc bệnh. Nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã ở mức độ nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hoạt động của gan.

Tuy nhiên, viêm gan B vẫn có thể gây ra một số triệu chứng như: chán ăn, buồn nôn, người mệt mỏi, chướng bụng, xuất huyết dưới da, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu,… Khi gặp phải các triệu chứng bất thường như trên, bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Thay vào đó, hãy nhanh chóng đến thăm khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.

Bệnh viêm gan B mãn tính

Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm về gan, được chia thành 2 loại là cấp tính và mãn tính

1.2. Viêm gan B mãn tính – Giai đoạn nghiêm trọng của bệnh

Virus viêm gan B hoạt động gây bệnh kéo dài hơn 6 tháng sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Đây là giai đoạn nghiêm trọng của bệnh, cần được điều trị kịp thời. Việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường. Bệnh có nguy cơ tiến triển xơ gan, ung thư gan, đe dọa tính mạng người bệnh.

Giai đoạn mãn tính của viêm gan siêu vi B thường diễn biến âm thầm. Triệu chứng của bệnh thường nghèo nàn, không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, đau tức vùng gan, vàng da,… Để phát hiện viêm gan B mãn, người bệnh cần thực hiện xét nghiệm máu tại cơ sở y tế uy tín.

2. Viêm gan B mãn tính có lây không và lây qua đường nào?

Viêm gan B nói chung là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh. Khả năng lây nhiễm HBV là rất lớn nếu mỗi người không nắm được các đường lây truyền virus và cách phòng tránh. Sau đây là 3 con đường lây nhiễm cơ bản của bệnh:

– Lây truyền từ mẹ sang con: Người mẹ mắc bệnh có nguy cơ cao truyền virus sang con trong quá trình mang thai. Trẻ sơ sinh cần được tiêm vaccine phối hợp cùng huyết thanh kháng viêm gan B để dự phòng nguy cơ nhiễm bệnh.

– Lây truyền qua đường máu: Lây nhiễm có thể diễn ra trong trường hợp truyền máu không sàng lọc HBV; vết thương hở tiếp xúc với máu của người bệnh; tiêm, xăm, thực hiện thủ thuật y khoa/ thẩm mỹ… bằng dụng cụ không được vệ sinh an toàn; dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo, bấm móng… với người bệnh.

– Lây truyền qua đường tình dục: HBV xuất hiện trong tinh trùng, dịch tiết âm đạo của người nhiễm bệnh. Quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh (gây xây xát, không có biện pháp bảo vệ) có nguy cơ lây nhiễm HBV rất cao.

Lây truyền viêm gan B mãn tính

HBV được tìm thấy trong máu và dịch tiết cơ thể của người nhiễm bệnh, có thể lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu hoặc đường tình dục

3. Viêm gan B mãn tính nguy hiểm ra sao?

Giai đoạn mãn tính của viêm gan B có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tế bào gan. HBV hoạt động tấn công tế bào gan có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và nặng nề nhất là ung thư gan. Sau đây là 2 biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất của bệnh, gồm xơ gan và ung thư gan.

3.1. Biến chứng xơ gan

Tế bào gan bị tấn công, hoại tử hình thành các mô sẹo, theo thời gian sẽ gây ra xơ gan. Nhiều trường hợp xơ gan không có biểu hiện rõ ràng, người bệnh không phát hiện ra bất thường của gan. Đến khi xơ gan biểu hiện thành các triệu chứng cụ thể hơn, bệnh được phát hiện thì đã tiến triển nặng. Việc điều trị xơ gan lúc này sẽ gặp nhiều khó khăn, tốn kém, gan không còn khả năng phục hồi.

Người bệnh xơ gan có thể gặp triệu chứng mệt mỏi, người yếu, dễ bị nhiễm khuẩn. Phù là một trong những dấu hiệu điển hình cảnh báo xơ gan. Người bệnh trước tiên sẽ bị phù 2 chân, về sau có thể phù toàn thân do chức năng gan suy giảm. Áp lực tĩnh mạch cửa tăng gây ra tình trạng cổ trướng. Xơ gan có thể gây tử vong vì các biến chứng như nhiễm khuẩn, hôn mê gan, vỡ tĩnh mạch thực quản,…

Biến chứng viêm gan B mãn tính

Viêm gan virus B mãn tính làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh

3.2. Biến chứng ung thư gan

Đây là biến chứng nặng nề nhất của viêm gan mãn tính. Tế bào gan bị tấn công trên diện rộng, tăng nguy cơ hình thành các tế bào ác tính. Ung thư gan là bệnh lý ung thư đặc biệt nguy hiểm, diễn biến nhanh và nguy cơ tử vong cao.

Phần lớn trường hợp ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn muộn do bệnh phát triển và tàn phá gan âm thầm, người bệnh khó nhận ra triệu chứng bất thường ở giai đoạn sớm. Đau bụng vùng gan (hạ sườn phải), phù nề, sốt, sụt cân nhanh… là một số triệu chứng thường gặp nhất của ung thư gan. Để điều trị kịp thời và hiệu quả, người bệnh cần tiến hành thăm khám với bác sĩ gan mật càng sớm càng tốt ngay khi có các biểu hiện bất thường.

4. Phòng tránh biến chứng viêm gan B mãn tính

4.1. Phòng ngừa viêm gan B

Để phòng tránh các biến chứng của bệnh, cách tốt nhất là không để bản thân nhiễm virus viêm gan B. Dưới đây là một số giải pháp phòng ngừa viêm gan B hiệu quả, bao gồm:

– Tiêm vaccine phòng viêm gan B càng sớm càng tốt theo đúng phác đồ tiêm chủng.

– Đời sống tình dục an toàn, thủy chung, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

– Các cặp vợ chồng cần kiểm tra sàng lọc viêm gan B trước khi có ý mang thai. Thai phụ cũng cần chú ý thăm khám định kỳ để đảm bảo quá trình mang thai khỏe mạnh.

– Băng kín các vết thương hở; tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người nhiễm viêm gan B.

– Không dùng chung bơm kim tiêm với bất kỳ ai; không xăm hình, xỏ khuyên, thực hiện các dịch vụ y khoa/ thẩm mỹ tại các cơ sở không đảm bảo dụng cụ diệt khuẩn, vô trùng.

– Các đồ dùng vệ sinh – sinh hoạt cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, bấm móng,… cần giữ riêng biệt, không dùng chung.

– Chủ động thăm khám sức khỏe gan mật thường xuyên.

4.2. Dự phòng biến chứng viêm gan B mãn tính

Những người đã mắc bệnh cần lưu ý những vấn đề sau để dự phòng các biến chứng của bệnh:

– Tuân thủ và kiên trì với phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

– Ăn uống khoa học, cân bằng dinh dưỡng, tăng cường chất xơ, tránh các thực phẩm gây hại cho gan (thực phẩm dầu mỡ, chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn, rượu bia…).

– Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, nghỉ ngơi và vận động hợp lý.

– Chú ý theo dõi, tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ điều trị.

– Tầm soát xơ gan, ung thư gan định kỳ.

Viêm gan B mãn tính là bệnh lý nguy hiểm, việc điều trị thường lâu dài và có thể kéo dài suốt đời. Trên đây là các giải pháp giúp bạn phòng tránh nguy cơ mắc bệnh viêm gan B. Đồng thời, hãy tham khảo các biện pháp dự phòng các biến chứng ở những người đã nhiễm bệnh giai đoạn mãn tính.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital