Chửa ngoài tử cung là một bệnh lý sản khoa nguy hiểm không thể xem thường, bởi chúng có thể gây ra những biến chứng đe dọa sức khỏe và tính mạng của chị em phụ nữ. Do đó, chị em cần hết sức chú ý tới những dấu hiệu chửa ngoài dạ con sớm, để có biện pháp thăm khám và điều trị bệnh hiệu quả, dứt điểm.
Menu xem nhanh:
1. Các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh lý chửa ngoài tử cung là gì?
Thai ngoài tử cung là bệnh lý sản phụ khoa có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe nói chung cũng như sức khỏe sinh sản nói riêng. Bệnh cần được sớm phát hiện và điều trị để tránh hiện tượng vỡ khối chửa, đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân. Mặc dù có thể nói bất cứ phụ nữ nào đều có khả năng bị mắc bệnh lý thai ngoài tử cung, tuy nhiên có một số yếu tố làm cho chị em phụ nữ có nguy cơ cao gặp hiện tượng chửa ngoài đó là:
– Phụ nữ đã từng có tiền sử bị chửa ngoài tử cung trước đó thì tỉ lệ tái mắc bệnh lần sau sẽ cao lên gấp 10 lần. Theo dân gian hay gọi là “quen dạ”, ý chỉ việc ở lần mang thai sau phôi thai sẽ có xu hướng di chuyển và làm tổ tại vị trí thai ngoài ở lần mang thai trước.
– Những người đã từng có thời gian trải qua các cuộc phẫu thuật có liên quan tới ống dẫn trứng, buồng trứng, khu vực vùng chậu hay vùng ổ bụng. Trải qua các cuộc phẫu thuật này sẽ dễ khiến cho phụ nữ bị vết thương, có vết sẹo,…từ đó làm tăng nguy cơ gây chửa ngoài tử cung.
– Phụ nữ đã hoặc đang mắc các bệnh lý có khả năng lây truyền qua đường tình dục nguy hiểm như: bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà, nhiễm nấm,…cũng là đối tượng có nguy cơ bị chửa ngoài cao hơn những người không mắc bệnh.
– Nhóm người có các khối u trong cơ thể như: u xơ tử cung, u nang tử cung, u nang lạc nội mạc tử cung,…cũng sẽ có khả năng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, gây dễ bị chửa ngoài.
– Người hay sử dụng nhiều thuốc lá, các chất kích thích như rượu, bia, đồ có cồn, có ga,…cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ chửa ngoài cao.
– Những người có thời gian mang bầu khi tuổi đã cao (trên 35 tuổi) cũng sẽ gây nhiều bệnh liên quan tới sinh nở hơn những người trẻ tuổi hơn.
– Phụ nữ thụ thai bằng cách lựa chọn phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) cũng có khả năng bị chửa ngoài tử cung.
– Ngoài ra, một số yếu tố khác xuất phát từ việc nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi, cũng dễ khiến có thể rối loạn gây chửa ngoài tử cung.
2. Làm thế nào để phân biệt chửa ngoài tử cung với mang thai bình thường?
2.1. Dấu hiệu chửa ngoài dạ con sớm là gì?
Theo như bình thường, nếu quá trình thụ thai được diễn ra bình thường thì sau khoảng 5 đến 10 ngày sau khi phát sinh quan hệ tình dục là thai đã có thể di chuyển và làm tổ tại buồng tử cung. Lúc này mẹ đã có thể xuất hiện những triệu chứng sớm của việc mang thai thành công. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp thử que thử thai thấy hiện 2 vạch, nhưng khi siêu âm lại không thấy hình ảnh túi thai trong buồng tử cung thì mẹ sẽ có nguy cơ bị chửa ngoài tử cung. Theo đó, một số dấu hiệu sớm báo động việc mẹ bị chửa ngoài đó là:
– Hiện tượng đau bụng: đau bụng là dấu hiệu dễ nhận biết của việc mẹ bị mang thai ngoài tử cung. Hiện tượng này xảy ra là do thai làm tổ và lớn lên tại vị trí bên ngoài tử cung, gây ra những sự giãn nở, căng ra của các vị trí đó. Thai làm tổ không đúng vị trí đồng nghĩa với việc trái tự nhiên cũng sẽ gây ra những sự đau đớn, khó chịu nhất định. Các cơn đau bụng lúc này có thể sẽ là những cơn đau âm ỉ, đau nghiêng về một bên bụng nhất định, hoặc đau dữ dội theo cơn. Các cơn đau cũng có thể kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng. Lúc này, chị em cần phân biệt rõ những cơn đau bất thường so với những cơn đau sinh lý bình thường.
– Hiện tượng xuất huyết vùng âm đạo: đây cũng là một trong những dấu hiệu sớm để nhận biết là chị em có bị chửa ngoài tử cung hay không. Lúc này, việc xuất huyết xảy ra do thai làm tổ ở sai vị trí. Màu sắc và số lượng hành kinh tiết ra lúc này cũng khác thường so với các chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Máu kinh khi phụ nữ bị chửa ngoài có thể ra ít một, có màu đỏ sẫm, kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp. Tuy nhiên, có những người vẫn bị nhầm lẫn với chu kỳ kinh nguyệt do bị ra máu trùng ngày với thời điểm tới chu kỳ hành kinh.
– Siêu âm không thấy thai làm tổ: đây cũng là một trong những điều quan trọng giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu cho chị em phụ nữ. Với những trường hợp mang thai thông thường, thai sẽ di chuyển và làm tổ tại buồng tử cung trong khoảng từ tuần 4 tới tuần 8. Tuy nhiên, nếu sau thời gian này, siêu âm không phát hiện thấy có hiện tượng thai làm tổ trong tử cung thì rất có thể chị em đã bị chửa ngoài. Theo đó, các bác sĩ sẽ cần phải căn cứ vào xét nghiệm nồng độ beta HCG (chỉ số báo có thai) khi xét nghiệm máu để có thêm kết luận chính xác.
2.2. Cần làm gì sau khi có dấu hiệu chửa ngoài dạ con sớm?
Nếu như chị em nhận thấy mình có những triệu chứng khác lạ như trên, thì cần chủ động đi tới bệnh viện để các bác sĩ tư vấn về phương án điều trị bệnh lý này. Bởi nếu chửa ngoài tử cung để lâu thì sẽ rất dễ dẫn tới khả năng các khối thai bị vỡ ra, gây đe dọa tới tính mạng của bản thân.
Một số dấu hiệu chị em cần biết trong trường hợp khối thai ngoài tử cung bị vỡ đó là:
– Đau bụng từng cơn dữ dội, tới mức không thể chịu nổi.
– Bệnh nhân có dấu hiệu mạch đập nhanh, huyết áp giảm mạnh.
– Khó thở, chóng mặt, bủn rủn chân tay.
– Toát mồ hôi liên tục, ngất xỉu.
Thai ngoài tử cung là bệnh lý không thể xem thường và chủ quan, do đó, chị em nên nhập viện theo dõi ngay khi phát hiện ra mình bị chửa ngoài. Trong thời gian nhập viện, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân theo dõi tình trạng bệnh, từ đó sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị thai ngoài tử cung phổ biến đó là: sử dụng thuốc nội khoa, mổ nội soi và mổ mở. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, và áp dụng cho những đối tượng khác nhau. Do đó, chị em cần tuân thủ đúng những yêu cầu do bác sĩ đưa ra, đồng thời chuẩn bị tâm lý thật tốt để điều trị dứt điểm bệnh lý chửa ngoài dạ con.
Nếu chị em cũng đang gặp phải vấn đề tương tự, vui lòng liên hệ tới tổng đài của Thu Cúc TCI để chúng tôi có thể hỗ trợ được nhanh nhất nhé.