Nhiễm trùng âm đạo ở phụ nữ có thai là bệnh lý không chỉ gây phiền hà và khó chịu cho mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, vì vậy mẹ cần nắm được thông tin về bệnh nhiễm khuẩn âm đạo để có biện pháp phòng ngừa hợp lý
Menu xem nhanh:
1. Mẹ bầu dễ bị nhiễm trùng âm đạo, nguyên nhân do đâu?
Nhiễm khuẩn âm đạo hay viêm âm đạo là bệnh lý phụ khoa mà hầu hết chị em phụ nữ đều gặp phải, nhất là các bà mẹ đang mang thai. Lý giải cho việc mẹ bầu thường dễ bị viêm âm đạo hơn phụ nữ bình thường có các nguyên nhân sau đây:
– Trong thời gian mang thai, chỉ số pH trong môi trường âm đạo của bà bầu thường bị mất cân bằng, đây là “cơ hội” để các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và tấn công gây viêm vùng kín.
– Trên thực tế có nhiều phụ nữ mang thai đã tiềm ẩn trong người những tác nhân gây nhiễm khuẩn vùng kín từ trước đó mà chưa được phát hiện. Đến khi có thai, các vi khuẩn có hại này lợi dụng sự mất cân bằng trong môi trường âm đạo để sinh sôi và gây nên các biểu hiện bệnh rõ rệt hơn.
– Trong thai kỳ, âm hộ của bà bầu thường sẽ tiết nhiều dịch âm đạo hơn. Nếu không được vệ sinh đúng cách hoặc thụt rửa quá sâu, các loại vi khuẩn và nấm men sẽ phát triển và gây viêm nhiễm, tổn thương vùng kín.
– Hệ miễn dịch của bà bầu thường nhạy cảm và bị giảm sút trong thai kỳ, đây là điều kiện dễ khiến cho mẹ mắc phải các bệnh lý phụ khoa hay viêm nhiễm khuẩn âm đạo.
2. Các dạng nhiễm khuẩn vùng kín thường gặp ở bà bầu
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý nhiễm khuẩn âm đạo, trong đó thường thấy nhất là các dạng nhiễm khuẩn sau:
2.1 Nhiễm trùng âm đạo do nấm men
Khi vùng kín của mẹ bầu có hiện tượng ngứa kèm theo nóng rát khó chịu, khí hư có mùi trắng đục và sền sệt, tiểu tiện bị buốt thì có thể mẹ bầu đang bị nhiễm trùng nấm men. Thực chất vi khuẩn nấm men (thường thấy nhất là nấm candida) là loại nấm tự nhiên và sinh sống ở khắp nơi trên cơ thể, môi trường âm đạo cũng là nơi trú ngụ “yêu thích” của nấm men.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng nấm men có thể do quan hệ tình dục bằng miệng, không lành mạnh hoặc do trước đó người bệnh có dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, khiến cho độ pH tự nhiên trong âm đạo không còn ổn định, tạo điều kiện cho nấm men sinh trưởng nhanh hơn.
2.2 Nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn
Khi mang bầu, hormone trong cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, chính sự thay đổi này đã “mở cửa” và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn sống trong âm đạo bấy lâu có dịp sinh sôi và phát triển quá mức, gây nên tình trạng viêm nhiễm. Khi bị vi khuẩn tấn công, mẹ sẽ thường xuyên thấy ngứa ngáy xung quanh vùng âm hộ, dịch tiết âm đạo sẽ có màu trắng đục, tiết ra mùi hôi tanh khó chịu, khi tiểu tiện sẽ có cảm giác đau buốt hoặc tiểu rắt, bí tiểu.
Viêm âm đạo do vi khuẩn ở bà bầu nếu không được điều trị triệt để từ sớm có thể khiến cho mẹ sinh non, hoặc em bé bị suy dinh dưỡng, đối với phụ nữ không trong thai kỳ, viêm âm hộ do vi khuẩn có thể gây viêm vùng chậu, ảnh hưởng đến vòi trừng, thậm chí gây vô sinh và khó thụ thai.
2.3 Nhiễm trùng âm đạo do ký sinh trùng Trichomonas
Viêm âm hộ do ký sinh trùng Trichomonas là một trong những dạng nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục phổ biến nhất. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng có tên là Trichomonas vaginalis, những ký sinh trùng này thường được tìm thấy ở khu vực âm đạo của chị em. Khi bị Trichomonas tấn công, người bệnh sẽ có các triệu chứng như ngứa rát, nóng ran ở âm đạo, nhất là sau khi quan hệ tình dục. Khí hư thường có màu vàng hơi ngả xanh lá, sủi bọt và có mùi hôi khó chịu.
2.4 Nhiễm trùng âm đạo do vi khuẩn Strep nhóm B
Vi khuẩn Strep nhóm B chủ yếu cư trú ở đường ruột, trực tràng và âm hộ của người mẹ. Khoảng 20 – 25% phụ nữ sẽ có vi khuẩn Strep B trong cơ thể, đến thời kỳ mang thai, vi khuẩn Strep B sẽ phát triển quá mức, khiến âm đạo bị viêm.
Người bệnh nhiễm Strep nhóm B thường gặp các triệu chứng như đau rát khi tiểu tiện, nước tiểu có màu vàng đục, các triệu chứng trên rất dễ bị nhầm với bệnh nhiễm trùng tiết niệu. Hiện chưa có cách cụ thể để phòng ngừa vi khuẩn Strep nhóm B, cách tốt nhất bà bầu nên thực hiện để phòng bệnh là giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh mỗi ngày.
3. Nhiễm khuẩn âm đạo ảnh hưởng như thế nào đến mẹ bầu và thai nhi?
3.1 Nhiễm khuẩn vùng kín ảnh hưởng tới mẹ bầu
Đối với mẹ bầu, nhiễm khuẩn âm đạo sẽ khiến cho mẹ luôn gặp tình trạng khó chịu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Mẹ sẽ phải đối mặt với những lo toan, căng thẳng và mỏi mệt. Tất cả những nỗi lo này đều ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển bình thường của thai nhi.
Nếu trong tam cá nguyệt đầu tiên mẹ bị nhiễm trùng âm đạo, thì rất có thể mẹ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai do vi khuẩn làm nhiễm trùng túi ối, ảnh hưởng đến việc làm tổ của phôi thai trong buồng tử cung của người mẹ.
3.2 Nhiễm trùng vùng kín ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi
Thai nhi có mẹ bị nhiễm trùng âm đạo sẽ có nguy cơ phát triển chậm, còi xương, suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Tất cả những điều trên đều ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển lâu dài sau này của bé sau khi chào đời.
Mẹ bầu bị viêm âm đạo do nhiễm trùng, em bé sinh ra sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý như viêm phổi, viêm niêm mạc, viêm phế quản do lây nhiễm nấm, vi khuẩn từ âm đạo của người mẹ trong quá trình chuyển dạ.
Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho cả mẹ và bé, ngay khi thấy các dấu hiệu bát thường ở vùng kín, mẹ nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị kịp thời, hiệu quả.
4. Bị nhiễm khuẩn âm đạo – Mẹ bầu cần làm gì?
Nhiễm khuẩn âm đạo tuy là bệnh lý dễ điều trị ở phụ nữ, nhưng đối với các bà bầu, nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Vì vậy, trước tiên khi biết mình mắc beehj, mẹ nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám chuyên sâu hơn. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên kết quả siêu âm đầu dò hoặc 1 số xét nghiệm chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị cho mẹ.
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn vùng kín nhưng không phải loại nào cũng an toàn đối với phụ nữ có thai. Vì vậy mẹ cần đi khám và thực hiện sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn để phòng tránh những tác dụng phụ của thuốc. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống hay thuốc đặt khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ vì các loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Ngoài ra mẹ cũng nên áp dụng theo các biện pháp sau để phòng ngừa tối đa sự xâm lấn của vi khuẩn gây bệnh:
– Giữ cho vùng kín luôn khô thoáng, sạch sẽ mỗi ngày, hạn chế mang đồ lót quá chật hoặc quá bí.
– Không mang băng vệ sinh hàng ngày trong thời gian dài vì đó có thể là nơi để vi khuẩn sinh sôi
– Trong thời kỳ mang bầu, mẹ nên giảm tần suất quan hệ tình dục, và nếu có quan hệ hãy sử dụng bao cao su an toàn và lành tính, lưu ý nên làm sạch vùng kín sau khi quan hệ
– Bổ sung sữa chua hàng ngày vì sữa chua không những tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ mà còn cung cấp lợi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng vùng kín.
– Mẹ nên xây dựng cho mình một chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh, tập thể dục nhẹ nhàng, bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các loại vi khuẩn.
Hy vọng những thông tin hữu ích mà Thu Cúc TCI vừa cung cấp sẽ giúp mẹ tự biết cách bảo vệ cơ thể để phòng ngừa nhiễm khuẩn âm đạo cũng như có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn để đón bé yêu chào đời.
Mọi thắc mắc các mẹ hãy liên hệ tới tổng đài tư vấn của Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết!