Nhận biết và điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ

Tiêu chảy cấp ở trẻ em do rất nhiều tác nhân gây ra, khiến sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng và có thể dẫn tới mất nước cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Tìm hiểu ngay các dấu hiệu trẻ mắc tiêu chảy cấp và điều trị đúng cách để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

1. Tiêu chảy cấp là gì?

Tiêu chảy cấp là hiện tượng trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Tiêu chảy có thể là kết quả của một bệnh hoặc là triệu chứng của các rối loạn trong hệ tiêu hoá hoặc ngoài hệ tiêu hoá. Có hai cơ chế chính gây tiêu chảy là hấp thụ kém và xuất tiết. Đây là một trong những vấn đề về sức khỏe thường gặp ở trẻ mà các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng.

Bất kỳ trẻ nào cũng có thể bị tiêu chảy cấp nhưng tình trạng này thường xuyên xảy ra hơn ở các đối tượng sau đây:

– Trẻ từ 6 đến 11 tháng tuổi khi bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm.

– Trẻ không được bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời hoặc bị cho ngừng bú quá sớm.

– Trẻ ăn những thức ăn và nước uống không đảm bảo vệ sinh.

– Trẻ bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch do HIV…

Sức đề kháng và hệ miễn dịch còn kém, khi gặp các yếu tố bất lợi kể trên, trẻ rất dễ bị tác nhân có hại tấn công và gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy…

Tiêu chảy cấp là vấn đề về tiêu hóa thường gặp ở trẻ em

Tiêu chảy cấp là vấn đề về tiêu hóa thường gặp ở trẻ em

2. Nguyên nhân gây bệnh

Tiêu chảy cấp ở trẻ em có thể hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau như:

– Virus: Rotavirus là nguyên nhân phổ biến và nguy hiểm nhất gây tiêu chảy cấp – có thể đe dọa tính mạng cho trẻ em nếu không được tiêm chủng phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời. Ngoài ra, Astrovirus, Adenovirus, Norwalk Virus, Parvovirus, Norovirus, Calicivirus… cũng là những tác nhân gây ra tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ.

– Vi khuẩn: Bacillus, Campylobacter jejuni, lỵ trực khuẩn, thương hàn, Clostridium botulinum, E. coli, Staphylococcus aureus… là các vi khuẩn phổ biến gây tiêu chảy cấp hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa ở trẻ.

– Ký sinh trùng: Một số loại ký sinh trùng thường gặp và gây bệnh ở trẻ như Cryptosporidium, Entamoeba histolytica, Giardia lamblia, Toxoplasma gondii…

– Nhiễm trùng ngoài ruột: Viêm đường hô hấp, viêm tiết niệu, nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm màng não, tay chân miệng, sởi… cũng có thể khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng và dẫn tới tiêu chảy.

– Một số nguyên nhân khác: Dị ứng thức ăn (thường là dị ứng với sữa, ngũ cốc, hải sản, trứng…), tác dụng phụ của thuốc (thường là kháng sinh, thuốc nhuận tràng hoặc kháng virus…), hóa trị, xạ trị, rối loạn khả năng tiêu hóa, suy giảm miễn dịch hoặc một số bệnh lý ngoại khoa khác…

Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tiêu chảy cấp ở trẻ em

Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tiêu chảy cấp ở trẻ em

3. Dấu hiệu tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì?

Triệu chứng đặc trưng của tiêu chảy cấp tính là sự gia tăng tần suất đi ngoài phân lỏng của trẻ. Tuy nhiên, tình trạng tiêu chảy sẽ có sự khác nhau giữa độ tuổi hoặc chế độ dinh dưỡng, thể trạng của trẻ như:

– Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, tần suất tiêu chảy bình thường dao động từ 3-10 lần/ngày. Phân của trẻ có dạng mềm, có màu xanh lá, vàng hoặc nâu, có thể chứa hạt nhỏ màu trắng lộn xộn trong phân. Phân của trẻ bú sữa mẹ sẽ có dạng lỏng hơn, và trẻ sẽ đi tiêu nhiều hơn so với trẻ uống sữa công thức.

– Trẻ từ 1 tuổi trở lên bị tiêu chảy cấp thường đi tiêu với tần suất nhiều hơn 3 lần/ngày kèm theo tình trạng phân có dạng mềm, lỏng, chứa nhiều nước, có mùi hôi khó chịu. Đồng thời, trẻ cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc, có triệu chứng sốt, đau bụng, buồn nôn và nôn trớ…

Nếu thấy con có các dấu hiệu này, cha mẹ nên chủ động đưa đi khám kịp thời để được bác sĩ điều trị đúng cách.

Trẻ bị tiêu chảy cấp thường đi ngoài phân lỏng, đau bụng, mệt mỏi…

Trẻ bị tiêu chảy cấp thường đi ngoài phân lỏng, đau bụng, mệt mỏi…

4. Điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ

Để đảm bảo sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời khi thấy trẻ có dấu hiệu tiêu chảy cấp. Phác đồ điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ thường tập trung vào việc bù nước và điện giải.

– Đối với trẻ bị tiêu chảy cấp ở mức độ nhẹ và không mất nước, cha mẹ nên duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ như bình thường cho trẻ.

– Đối với trẻ bị mất nước, cần phải bù lại lượng nước đã mất. Sau khi được bù đủ nước, trẻ có thể tiếp tục chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Một số phương pháp bù nước và giảm nhẹ triệu chứng tiêu chảy cấp bao gồm:

Sử dụng liệu pháp bù nước qua đường uống (ORT): Phương pháp này an toàn, dễ thực hiện và tiết kiệm, thay thế cho việc truyền dịch tĩnh mạch. Dung dịch bù nước (ORS) chứa glucose và các chất điện giải như natri, kali, clorua với tỷ lệ phù hợp để thay thế nước và chất điện giải bị mất qua nôn ói và tiêu chảy.

Trường hợp trẻ không đáp ứng với liệu pháp ORT, đặc biệt là khi rơi vào trạng thái hôn mê, bác sĩ có thể quyết định truyền dịch qua đường tĩnh mạch để bù nước.

– Sử dụng các loại thuốc hỗ trợ: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nôn, thuốc chống tiêu chảy, thuốc hỗ trợ hệ tiêu hóa, probiotic và các loại thuốc khác tùy thuộc vào tình trạng của trẻ.

Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị và sử dụng thuốc phải được bác sĩ chỉ định. Cha mẹ nên tuân thủ phác đồ của bác sĩ trong việc điều trị cho trẻ, tránh tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay dùng mẹo dân gian vì có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình điều trị, nếu thấy tình trạng tiêu chảy của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường khác thì cha mẹ nên thông báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời cho trẻ.

Điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ có thể sử dụng thuốc hoặc bù nước theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ có thể sử dụng thuốc hoặc bù nước theo chỉ định của bác sĩ

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp, có thể đe dọa tới sức khỏe và tính mạng trẻ. Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu và điều trị đúng cách cho trẻ là vô cùng cần thiết. Nếu thấy con có các dấu hiệu tiêu chảy, cha mẹ nên chủ động đưa bé đi khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital