Bệnh đau dạ dày ở trẻ em thường có dấu hiệu khác so với người lớn. Nếu bố mẹ không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, trẻ có thể đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày,… Do đó, các bậc phụ huynh cần phải nắm rõ nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả khi bé bị đau dạ dày.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết bé bị đau dạ dày
Đau dạ dày là căn bệnh không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải. Hiện nay, rất nhiều bố mẹ thường nhầm lẫn biểu hiện của bệnh đau dạ dày ở trẻ với những rối loạn tiêu hóa thông thường. Do đó, dẫn tới tâm lý chủ quan không chữa trị đúng cách cho trẻ.
Đau dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc bị thương tổn do tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể. Thuật ngữ này cũng thường được sử dụng để chỉ những tổn thương tại các bộ phận lân cận dạ dày như tá tràng, thực quản.
Về cơ bản, những dấu hiệu đau dạ dày ở trẻ em khá khác biệt so với người lớn. Do đó, bố mẹ cần phải tìm hiểu thật kỹ và nắm rõ những thông tin cơ bản về bệnh đau dạ dày ở trẻ em để tránh nhầm lẫn với chứng rối loạn tiêu hóa.
Một số dấu hiệu của bệnh đau dạ dày ở trẻ em mà bố mẹ cần phải lưu ý đặc biệt là:
– Đau xung quanh rốn hoặc vùng bụng trên.
– Biếng ăn và không cảm thấy ngon miệng khi ăn, chậm tăng cân.
– Đầy bụng và khó tiêu.
– Cơ thể xanh xao và chóng mặt.
– Buồn nôn và nôn ói, thiếu máu.
– Đi ngoài phân lẫn máu hoặc có màu đen.
2. Một số nguyên nhân khiến trẻ em bị đau dạ dày
Sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu và các cơ quan tiêu hóa vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Vì vậy, cơ thể của bé rất dễ bị các loại virus và vi khuẩn tấn công, kéo theo những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến đường tiêu hóa.
Theo các chuyên gia, bệnh đau dạ dày ở trẻ em có thể xuất phát từ những nguyên nhân như sau:
2.1. Do yếu tố di truyền
Nếu bố mẹ từng có tiền sử đau dạ dày hoặc mắc những bệnh về đường tiêu hóa, trẻ cũng có nguy cơ cao bị đau dạ dày. Một vài trường hợp bé có thể bị đau dạ dày từ khi mới sinh ra.
2.2. Do vi khuẩn Helicobacter Pylori tấn công và xâm nhập
Helicobacter Pylori là vi khuẩn có khả năng phá hủy và làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Nếu vi khuẩn này xâm nhập vào trong cơ thể trẻ, chúng sẽ ký sinh ở niêm mạc và hình thành ổ viêm loét tại đây khiến con có cảm giác đau đớn, chán ăn, buồn nôn,…
2.3. Do vấn đề vệ sinh khi ăn uống
Hàm răng của trẻ nhỏ còn non yếu nên thường gặp khó khăn khi nhai nuốt thức ăn. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh thường có thói quen mớm đồ ăn để con dễ nuốt hơn. Tuy nhiên, hành động này có thể vô tình khiến tác nhân và vi khuẩn gây hại trong cơ thể mẹ truyền sang con, khiến bé bị đau dạ dày.
2.4. Chế độ ăn uống của trẻ nhỏ thiếu khoa học
Mỗi một trẻ có một cơ địa và thể trạng khác nhau nên bố mẹ hãy lựa chọn món ăn thích hợp với khả năng tiêu hóa của bé. Nếu không con sẽ thường xuyên cảm thấy buồn nôn và không tiêu hóa được hết thức ăn dẫn tới căn bệnh đau dạ dày. Đặc biệt là những món ăn cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, có vị chua gắt,… cũng rất dễ khiến niêm mạc dạ dày của con bị tổn thương.
2.5. Do yếu tố tâm lý
Bố mẹ thường có tâm lý chủ quan và cho rằng trẻ không phải suy nghĩ hay lo âu nhiều dẫn đến bệnh đau dạ dày nhưng đây lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Nếu bé phải chịu nhiều áp lực học hành dẫn tới ăn uống, sinh hoạt thất thường sẽ khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng và xuất hiện các rối loạn.
Có thể thấy rõ một điều rằng, nguyên nhân chính hình thành bệnh đau dạ dày ở trẻ em là do lối sống thiếu khoa học mà bố mẹ tạo cho con. Do đó, các bậc phụ huynh hãy giúp trẻ thay đổi ngay những thói quen xấu và tập cho con thói quen ăn uống, sinh hoạt điều độ hơn để phòng ngừa nguy cơ đau dạ dày ở bé.
3. Những cách phòng ngừa hiệu quả bệnh đau dạ dày ở trẻ em
Trẻ nhỏ vẫn chưa thể ý thức được nhiều điều nên bố mẹ cần phải chủ động trong việc phòng bệnh cho con. Các chuyên gia khuyên bố mẹ nên áp dụng một số điều sau để hỗ trợ phòng bệnh đau dạ dày cho trẻ:
– Cho con ăn uống một cách khoa học hơn, ăn đúng bữa, đúng giờ giấc và không ép bé ăn quá no.
– Tuyệt đối không cho con ăn đồ chưa nấu chín, món sống, món tái, những món ăn mang theo nguồn vi khuẩn dễ tấn công vào hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
– Nên cho bé ăn đồ mềm, lỏng để dạ dày và cơ quan tiêu hóa của con hoạt động tốt hơn.
– Nên hạn chế cho trẻ ăn đồ nhiều cay nóng, dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga,…
– Nên cho con ăn nhiều trái cây và rau xanh để cung cấp chất xơ, vitamin cho trẻ.
– Nên tập cho con thói quen học tập và sinh hoạt một cách khoa học. Không được vì thành tích học tập mà bắt trẻ thức khuya, khiến tinh thần căng thẳng.
Tóm lại, bố mẹ không nên chủ quan và xem thường bệnh đau dạ dày ở trẻ em vì nó ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, sinh hoạt của trẻ. Tốt nhất, bố mẹ nên chú ý nhiều hơn tới chế độ dinh dưỡng và thói quen hàng ngày của trẻ tránh để bé bị đau dạ dày.