Nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ thường do nhiều yếu tố. Tuy nhiên người bệnh có thể điều chỉnh một số yếu tố để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Sơ lược về bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hay còn được gọi là thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính là bệnh động mạch vành ổn định hoặc đau thắt ngực ổn định. Đây là bệnh lý hay gặp và có xu hướng ngày càng tăng ở những nước đang phát triển với gánh nặng bệnh tật và chi phí chữa trị khá lớn.
Thiếu máu cơ tim (còn gọi là bệnh động mạch vành hay bệnh mạch vành tim hoặc bệnh suy động mạch vành) là bệnh lý xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn gây cản trở lưu lượng máu, oxy và các chất dinh dưỡng đến tim và làm tổn thương một phần cơ tim.
2. Những nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ là gì?
Nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ thường do nhiều yếu tố. Tuy nhiên người bệnh có thể điều chỉnh một số yếu tố để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim thiếu máu cục bộ gồm: nhóm yếu tố không thay đổi được và nhóm yếu tố thay đổi được.
2.1. Nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ: Yếu tố không thể thay đổi
– Tuổi tác: Các nghiên cứu dịch tễ học cho biết, tuổi tác là một trong các nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch. Tuổi càng cao, hoạt động của tim sẽ kém hơn do thành tim dày hơn và thành động mạch cứng hơn, khiến việc đưa máu đến tim gặp nhiều trở ngại.
– Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mạch vành, đột quỵ cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, khi bước vào tuổi mãn kinh thì nguy cơ phụ nữ mắc bệnh tim mạch không khác gì nam giới. Sau tuổi 65, nguy cơ mắc bệnh đối với cả hai giới là tương đương nhau.
– Di truyền: Nếu thành viên trong gia đình có tiền sử mắc bệnh tim mạch (gồm cha, mẹ hoặc anh chị có bệnh tim mạch trước tuổi 55) sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
2.2. Nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ: Yếu tố có thể thay đổi
– Thói quen hút thuốc lá: Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên, thậm chí đột quỵ. Thêm vào đó, thói quen hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi cùng nhiều bệnh lý tim mạch khác.
– Lối sống: Thói quen sinh hoạt không lành mạnh như lười vận động, hay bị căng thẳng, stress hoặc dùng các chất có chứa cocaine. ..
– Bệnh lý: Bị đái tháo đường hoặc cao huyết áp nhưng không điều trị hoặc có điều trị nhưng không theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến không kiểm soát tốt.
– Chế độ ăn: Thực phẩm nhiều chất béo và cholesterol gây hình thành mảng xơ vữa và cản trở lưu lượng máu đến tim và những cơ quan khác.
Người bệnh có thể tự điều chỉnh một số nguyên nhân thiếu máu cơ tim cục bộ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
3. Tác hại của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ
Thiếu máu cơ tim cục bộ là bệnh tim mạch nguy hiểm. Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho người bệnh, cụ thể:
3.1. Suy giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng
Đau thắt ngực hoặc cảm giác ngực nặng, khó thở và cơ thể mệt mỏi có thể là những triệu chứng của bệnh thiếu máu cơ tim mãn tính. Đối với bệnh thiếu máu cơ tim thể không có đau ngực sẽ không có triệu chứng đau thắt ngực. Do đó, người bệnh thường chủ quan, không thăm khám và điều trị kịp thời . Điều này dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc tử vong.
Những người bị bệnh thiếu máu cơ tim không có đau ngực sẽ thấy xuất hiện thường xuyên những cơn đau ở phần ngực trái trước tim và cảm giác bị đè ép ở phía sau xương ức lan xuống cổ, vai gáy, hàm và cánh tay trái.
Ngoài ra, người bệnh cũng có triệu chứng khó thở, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, toát mồ hôi, mệt mỏi… Giai đoạn đầu triệu chứng hay xuất hiện sau khi vận động. Đây là dấu hiệu bất thường mà người bệnh nên kiểm tra bệnh sớm. Tránh trường hợp chủ quan, đến lúc bệnh nặng mới đi khám. Khi đó, bệnh sẽ rất khó khăn và tốn kém để điều trị.
3.2. Biến chứng suy tim
Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ không gây ra những triệu chứng nguy hiểm, nhưng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân và sẽ gây suy tim nhanh chóng. Những tổn hại cơ tim khiến chức năng tưới máu suy giảm khiến cơ tim ngày một yếu đi và xuất hiện những triệu chứng đau thắt ngực, khó thở, hồi hộp, ho…
3.3. Biến chứng loạn nhịp tim
Tình trạng thiếu máu cơ tim lâu ngày còn là tác nhân gây ra những rối loạn nhịp tim từ đơn giản đến phức tạp gây đe doạ tính mạch như: ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ, nhịp nhanh thất… thậm chí xảy ra rung thất gây tử vong.
3.4. Biến chứng nhồi máu cơ tim
Đây được xem là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc hoàn toàn sẽ dẫn tới hiện tượng thiếu máu, dinh dưỡng và oxy cục bộ khiến một vùng cơ tim sẽ bị hoại tử. Nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ bị suy tim, loạn nhịp tim hoặc đột tử.
3.5. Tổn thương van tim do thay đổi cấu trúc cơ tim
Thiếu máu cơ tim kéo dài sẽ dẫn đến chức năng của các van tim bị tổn thương đặc biệt là van hai lá gây bệnh hở van hai lá.
4. Điều trị thiếu máu cơ tim cục bộ thế nào?
Tuỳ vào tình hình sức khỏe của người bệnh sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, điều trị nội khoa vẫn là biện pháp chính được chỉ định. Đây là phương án phù hợp với phần lớn những trường hợp thiếu máu cơ tim cục bộ mạn tính.
4.1. Điều trị nội khoa
Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định sử dụng điều trị cơn đau thắt ngực ổn định gồm:
– Thuốc chống kết tiểu cầu như Ticagrelor, Aspirin, Clopidogrel, Prasugrel.
– Thuốc điều trị rối loạn lipid máu như ezetimibe, statin.
– Thuốc ức chế men chuyển như perindopril, enalapril, lisinopril…
– Thuốc chẹn beta giao cảm như Carvedilol, Metoprolol, Bisoprolol, Nebivolol…
– Thuốc chẹn kênh canxi: non-dihydropyridines, dihydropyridines.
– Dẫn xuất nitrates: Isosorbide dinitrate, Nitroglycerin..
Lưu ý: Người bệnh không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
4.2. Điều trị can thiệp
Trường hợp điều trị nội khoa nhưng không giảm đau, bác sĩ có thể chỉ định điều trị can thiệp. Phẫu thuật là phương án giúp tăng khả năng tưới máu cơ tim.
Hai phương pháp phẫu thuật thường được bác sĩ chuyên khoa áp dụng là:
– Nong mạch vành và đặt stent.
– Bắc cầu nối động mạch vành.