Nguyên nhân gây loãng xương ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Nhiều người quan niệm rằng loãng xương chỉ gặp ở người già mà không biết rằng căn bệnh này có thể gặp ở cả trẻ em. Đây là bệnh hình thành do sự suy giảm tỷ trọng khoáng chất của xương. Nguyên nhân gây bệnh loãng xương ở trẻ em có thể là do trẻ thiếu dinh dưỡng, ít vận động hay gặp một số bệnh lý về đường tiêu hóa.

1.Nguyên nhân gây loãng xương trẻ em

Trẻ em bị loãng xương có thể do:

1.1. Loãng xương ở trẻ do thiếu dinh dưỡng

Những trẻ kém phát triển thể chất ngay từ nhỏ, trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn uống không đảm bảo canxi, vitamin D, phospho, protid, protein.. hoặc cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng là nguyên nhân khiến hệ xương khớp không đạt được độ cứng cáp khi trưởng thành.

1.2. Do trẻ ít vận động

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ thường xuyên vận động, chơi thể thao thường có khối lượng xương cao khi đến tuổi trưởng thành.

loãng xương ở trẻ

Loãng xương hình thành do sự suy giảm tỷ trọng khoáng chất của xương

Trong khi đó những trẻ ít vận động hay ít tham gia các hoạt động ngoài trời thường bị thiếu vitamin, ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi, gây ra chứng loãng xương.

1.3. Trẻ mắc một số bệnh lý về tiêu hóa

Trẻ bị các bệnh đường tiêu hóa về dạ dày và ruột… thường gây cản trở việc hấp thu vitamin D, canxi và protein khiến xương khớp không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết dẫn đến loãng xương.

1.4. Loãng xương ở trẻ do nguyên nhân di truyền

70% những trường hợp trẻ em bị loãng xương là do nguyên nhân di truyền. Sự bất thường ở một số đặc điểm có trong gien di truyền khiến cho hoạt động tổng hợp cũng như phát triển của xương bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, khi trong gia đình có những trường hợp bị loãng xương thì cha mẹ cần lưu ý và theo dõi kiểm tra trẻ.

1.5. Loãng xương do những nguyên nhân khác

Một số bệnh mạn tính mà trẻ có thể mắc phải như: bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây nên rối loạn mô liên kết, bệnh viêm khớp, bệnh về tuyến giáp, tuyến cận giáp, vỏ thượng thận, bệnh lý về khớp, suy thận mạn tính, v…v… cũng khiến cho việc hấp thu canxi bị kém đi.

Ngoài ra những trẻ bị viêm xương, phải chạy thận nhân tạo hoặc bị những chấn thương buộc phải nằm lâu ngày cũng có nguy cơ nhiều hơn trong vấn đề loãng xương so với các trẻ bình thường khác.

Kết luận, nguyên nhân gây ra căn bệnh loãng xương cho trẻ nhỏ khá nhiều và phức tạp. Có những trường hợp là sự kết hợp của các nguyên nhân khác với nhau nên gây khó khăn trong vấn đề chẩn đoán và điều trị.

2.Nhận biết bệnh loãng xương trẻ em

Trẻ mắc loãng xương ở giai đoạn đầu thường không có dấu hiệu rõ ràng, chỉ có một số cảm giác đau và nhức mỏi xương khớp mơ hồ. Khi bệnh tiến triển nặng hơn thì các triệu chứng ngày càng rõ rệt như:

– Đau nhức các đầu xương, nhức mỏi các xương dài, đau mạnh hơn về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.

loãng xương ở trẻ

Trẻ thiếu chất dinh dưỡng, ít vận động cũng có thể bị loãng xương

– Đau cột sống kèm theo các triệu chứng co cứng cơ dọc cột sống, giật cơ khi thay đổi tư thế.

– Gù vẹo cột sống, giảm chiều cao.

– Ngoài ra bệnh nhân còn gặp một số triệu chứng toàn thân như ớn lạnh, ra mồ hôi, chuột rút.

3. Điều trị và phòng bệnh loãng xương cho trẻ như thế nào?

Phương pháp điều trị chung của bệnh loãng xương trẻ nhỏ đó là:

– Xây dựng cho trẻ một chế độ tập luyện vận động phù hợp kết hợp với dinh dưỡng khoa học bài bản

– Cung cấp cho cơ thể trẻ canxi và vitamin D một cách chính xác, đúng liều lượng

– Dùng thuốc bisphosphonate để ngăn ngừa tình trạng hủy xương

Khi điều trị loãng xương cần kết hợp việc điều trị nguyên nhân với điều trị nhằm khắc phục tình trạng xương bị loãng. Những phương pháp trị loãng xương cho trẻ có thể kể đến là:

3.1. Dùng thuốc

Bổ sung canxi cho trẻ với liều lượng khuyến cáo như sau:

– Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi: 210 mg mỗi ngày

– Trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: 270 mg mỗi ngày

– Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 500 mg mỗi ngày

– Trẻ từ 4- 8 tuổi: 800mg mỗi ngày

– Trẻ từ 9 đến 15 tuổi: 1300 mg mỗi ngày

Vitamin D 400UI mỗi ngày liều cơ bản

Bisphosphonate: Như Pamidronate, Zoledronic acid.

3.2. Cân bằng chế độ ăn uống sinh hoạt cho trẻ mắc loãng xương

Để trẻ hạn chế tình trạng loãng xương, trẻ cần có một chế độ sinh hoạt và ăn uống hợp lý như sau:

– Thường xuyên cho trẻ đi tắm nắng khoảng 30 mỗi ngày. Nên cho trẻ tắm nắng dưới ánh nắng buổi sáng hoặc cuối chiều.

– Bổ sung, tăng cường những loại thực phẩm giàu canxi như cua, trứng, cá, gan, sữa, bơ,…ngay từ khi mẹ còn mang bầu cho đến khi trẻ sinh ra, uống sữa mẹ và ăn dặm

– Mẹ khi mang thai cần được bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D. Ngay khi sinh và cho con bú mẹ cũng cần được bổ sung 2 thành phần này.

– Duy trì sữa mẹ tối thiểu đến khi trẻ 6 tháng tuổi vì canxi trong sữa mẹ được hấp thu dễ dàng hơn, phù hợp với thể trạng của trẻ.

– Không nên để trẻ ăn dặm quá sớm trước 5 tháng tuổi, sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thụ lâu dài của trẻ.

loãng xương ở trẻ

Nếu nghi ngờ trẻ mắc loãng xương bạn nên đưa bé đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám

– Kiểm soát cân nặng của trẻ, không cho trẻ béo phì vì những trường hợp bị béo phì thường rất dễ bị loãng xương.

3.3.Phòng ngừa bệnh loãng xương cho trẻ

Để phòng bệnh loãng xương cho trẻ, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, thường xuyên bổ sung canxi, phốt pho, magie, vitamin D từ các thực phẩm như tôm cua, thịt cá, trứng sữa, các loại đậu và ngũ cốc…. vào khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ.

Việc tắm nắng hàng ngày cũng có tác dụng thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin D, giúp trẻ hấp thu canxi tốt hơn. Vì thế bạn nên cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, tập thể thao hay vui chơi, chạy nhảy để giúp xương khớp của trẻ cứng cáp và khỏe mạnh hơn.

Như vậy, trẻ em cũng có thể là đối tượng bị mắc bệnh loãng xương chứ không chỉ riêng người già, người trưởng thành. Bệnh có thể có nhiều nguyên nhân gây ra, để điều trị cần xác định nguyên nhân gây loãng xương cho trẻ một cách chính xác. Cha mẹ nên chú ý đến những cột mốc tăng trưởng của trẻ nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề liên quan đến chiều cao hoặc các vấn đề về thể chất khác. Từ đó sớm phát hiện bệnh loãng xương ở trẻ và điều trị, khắc phục cũng như phòng ngừa sớm cho trẻ.

 

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital