Mất ngủ mãn tính là bệnh lý khá phổ biến và đang có dấu hiệu trẻ hóa. Nếu không được điều trị hiệu quả có thể gây biến chứng như trầm cảm, lo âu, tăng nguy cơ đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Vậy mất ngủ mãn tính có đặc điểm gì và người bị mất ngủ mãn tính phải làm sao? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ mãn tính là gì?
Mất ngủ được thường mô tả là tình trạng khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ vào ban đêm, hoặc thức giấc sớm hơn bình thường và không thể đi ngủ trở lại được. Mất ngủ ít hơn 1 tháng được gọi là mất ngủ cấp, còn mất ngủ trong thời gian dài, từ 1 tháng trở lên được gọi là mất ngủ mãn tính.
2. Mất ngủ mãn tính xuất phát từ nguyên nhân nào?
Nguyên nhân gây mất ngủ mãn tính rất đa dạng. Phổ biến nhất do chất lượng cuộc sống giảm sút, suy nghĩ căng thẳng quá độ hoặc do các bệnh lý tâm thần, cơ thể bị giảm miễn dịch tự nhiên.
Một số nguyên nhân gây mất ngủ mãn tính có thể kể đến gồm:
2.1 Mất ngủ do bệnh lý
– Đau nhức xương khớp, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, loãng xương gây đau nhức và làm người bệnh khó ngủ vào ban đêm
– Các bệnh lý về tim mạch: Cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, suy tim gây đau tức ngực, khó thở.
– Các bệnh đường hô hấp: Giãn phế quản, hen phế quản gây ho nhiều, khó thở khiến người bệnh khó ngủ.
– Các bệnh đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, u xơ tuyến tiền liệt, đái tháo đường gây tiểu nhiều lần vào ban đêm.
– Bệnh tâm thần: Người bệnh tâm thần bị mất ngủ mãn tính nhiều hơn và khó ngủ trở lại hơn người bình thường
Những người mắc bệnh trầm cảm, lo âu, tức giận, buồn rầu, hay stress kéo dài thường có xu hướng mất ngủ mãn tính. Ngoài ra, đối với nữ giới, việc thay đổi hormone trong những kỳ kinh nguyệt cũng là nguyên nhân khiến tâm sinh lý thay đổi, dẫn đến việc mất ngủ.
2.2 Mất ngủ do ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài
Các yếu tố như không gian sống chật chội, đông người, mất vệ sinh đặc biệt là ở các vùng đô thị lớn là nguyên nhân khiến người bệnh càng khó ngủ hơn. Không chỉ vậy, ở các thành phố lớn luôn gặp phải tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và ánh sáng khiến tình trạng bệnh lý có thể tăng nặng hơn nếu không được khắc phục sớm.
Ăn quá no hay uống nhiều nước trước khi ngủ cũng làm ảnh hưởng tới quá trình ngủ. Ngoài ra, rất nhiều người có thói quen sử dụng các chất kích thích như cà phê để làm việc, mặc dù không gây hại nhưng nếu sử dụng gần giờ ngủ có thể gây ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ, đặc biệt đối với người mắc chứng mất ngủ thì lại khiến bệnh lý trầm trọng hơn.
3. Biểu hiện của bệnh mất ngủ mãn tính
Người mắc bệnh mất ngủ mãn tính thường có các triệu chứng phổ biến như sau:
– Nửa đêm trằn trọc, khó ngủ, ngủ không sâu giấc
– Hay bị tỉnh giấc vào ban đêm và khó ngủ trở lại
– Cảm giác mệt mỏi, không thoải mái khi tỉnh dậy
– Người lờ đờ, uể oải, mệt mỏi, không tỉnh táo và buồn ngủ vào ban ngày
– Cảm giác khó chịu, lo âu, suy nghĩ lung tung hoặc trầm cảm.
– Khó tập trung, giảm sự chú ý và suy giảm trí nhớ
– Tâm trạng bồn chồn, dễ cáu giận
– Một số trường hợp bị ảo giác
Các triệu chứng của bệnh nặng hay nhẹ còn tùy vào mức độ và tình trạng của người bệnh.
4. Mất ngủ mãn tính phải làm sao?
4.1 Khám nội thần kinh
Cách tốt nhất để điều trị mất ngủ mãn tính là tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ và từ đó khắc phục tình trạng này. Điều này sẽ được thực hiện hiệu quả nếu bạn đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.
Khi đến với chuyên khoa Nội thần kinh, bạn sẽ được thăm khám với các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Dựa trên quá trình khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ chỉ định một số kỹ thuật chẩn đoán như:
– Điện não đồ
– Đo lưu huyết não
– Điện tâm đồ
– Chụp CT, MRI não hoặc một số bộ phận khác để chẩn đoán phân biệt
– Xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số cơ thể cần thiết
Tùy thuộc và tình trạng bệnh và thể trạng của người bệnh mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị hiệu quả.
Nếu nguyên nhân gây mất là do các bệnh lý thì bệnh nhân có thể cần điều trị tích cực các bệnh này để cải thiện giấc ngủ. Nếu bạn bị mất ngủ do căng thẳng thì phương pháp điều trị hiệu quả nhất là điều chỉnh tâm lý. Nếu bạn mất ngủ do các loại thuốc, các bác sĩ có thể điều chỉnh lại đơn thuốc giúp bạn dễ ngủ và ngủ sâu hơn.
4.2 Các biện pháp điều trị hỗ trợ
Bên cạnh các biện pháp điều trị chính, người bệnh bị mất ngủ mãn tính có thể áp dụng một số liệu pháp như:
– Liệu pháp tâm lý: tùy vào tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ cùng liệu pháp tâm lý để người bệnh áp dụng điều trị.
– Thư giãn đơn giản: ngồi thiền, yoga, tập dưỡng sinh,… Cũng là các biện pháp hiệu quả giúp chữa trị chứng mất ngủ
– Thực hiện lối sinh hoạt khoa học và nếp sống lành mạnh, tinh thần luôn lạc quan, tham gia các hoạt động cộng đồng hay theo đuổi vài thú vui tiêu khiển cũng là cách để loại bỏ chứng mất ngủ kinh niên.
– Sử dụng các thực phẩm bổ dưỡng, có tính an thần như trà hoa cúc, bột yến mạch hoặc thịt gà vào bữa tối, một cốc mật ong ấm trước khi ngủ sẽ giúp khắc phục chứng mất ngủ mãn tính.
Thông qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã hiểu hơn về bệnh mất ngủ mãn tính và có thể trả lời câu hỏi: “Mất ngủ mãn tính phải làm sao?” rồi. Lưu ý, tất cả các phương pháp điều trị hay hỗ trợ đều phải được thực hiện khi có những chỉ định và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để việc điều trị đúng hướng và hiệu quả. Khi có biểu hiện mất ngủ, bạn không nên trì hoãn việc thăm khám vì có thể sẽ làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.