Chửa ngoài tử cung là một tình trạng nguy hiểm, đòi hỏi phải được xử lý kịp thời và đúng cách, nếu không có thể đe dọa tính mạng. Nhiều chị em khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ chửa ngoài tử cung rơi vào trạng thái lo sợ, hoảng loạn, không biết cần phải làm gì. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về cách xử lý và hỗ trợ điều trị chửa ngoài tử cung mà phụ nữ cần biết.
Menu xem nhanh:
Phải làm gì khi có các dấu hiệu chửa ngoài tử cung?
Đi khám bác sĩ chuyên khoa hoặc tới bệnh viện ngay lập tức. Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, kiểm tra vùng bụng. Nếu vòi trứng đã vỡ, người bệnh cần phải phẫu thuật ngay. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp chửa ngoài tử cung hiện nay đều được phát hiện sớm đủ để các bác sĩ tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán và lên kế hoạch hỗ trợ điều trị.
Phụ nữ bị chửa ngoài tử cung có thể được chỉ định thực hiện siêu âm đầu dò âm đạo để xác định vị trí của thai. Nếu lần siêu âm đầu tiên không có kết quả, người bệnh có thể cần thực hiện thêm trong vòng 1 tuần hoặc lâu hơn.
Đồng thời chị em cũng cần thực hiện một số xét nghiệm xác nhận có mang thai hay không và đo nồng độ hormone thai kỳ – hCG trong máu. Nồng độ hCG thấp hơn mức bình thường có thể là dấu hiệu chửa ngoài tử cung.
Trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ chửa ngoài tử cung nhưng không thể xác định bằng kết quả siêu âm đầu dò, người bệnh có thể cần phải gây mê để nội soi ổ bụng. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ có gắn camera và nguồn sáng qua một vết rạch rất nhỏ ở ổ bụng để kiểm tra ống dẫn trứng.
Chửa ngoài tử cung được hỗ trợ điều trị như thế nào?
Việc hỗ trợ điều trị tùy thuộc vào sự phát triển của thai nhi, nồng độ hormone và người bệnh có các triệu chứng như đau hoặc mất máu hay không. Các phương pháp hỗ trợ điều trị bao gồm:
Theo dõi và chờ đợi
Nếu chửa ngoài tử cung được phát hiện từ rất sớm (trong vòng 6 tuần) và người bệnh cảm thấy bình thường, không có triệu chứng nào cả: không cần phải hỗ trợ điều trị y tế, tiến hành theo dõi và chờ đợi.
Khoảng một nửa trường hợp chửa ngoài tử cung ngừng phát triển và tự sẩy một cách tự nhiên.
Hỗ trợ điều trị bằng thuốc
Hỗ trợ điều trị bằng thuốc được áp dụng cho các trường hợp ở giai đoạn đầu của thai kỳ, nồng độ hormone thai kỳ thấp, người mẹ có rất ít triệu chứng, không bị chảy máu.
Thuốc methotrexate (biệt dược ức chế mô phát triển ) tiêm vào bắp đùi hoặc mông sẽ chấm dứt thai kỳ. Sau khi tiêm, các mô thai sẽ ẽ bị hấp thu trở lại và triệt tiêu bởi chính cơ thể. Người bệnh có thể bị chảy máu một vài tuần sau đó và nhiều trường hợp cần phải tiêm bổ sung methotrexate.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được lựa chọn nếu người bệnh có nhiều triệu chứng gây đau đớn, khó chịu, khối thai tiếp tục phát triển hoặc hormone thai kỳ cao hơn mức bình thường. Thông thường, nếu thai ngoài tử cung được phát hiện hay xác nhận trong nội soi, các bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ nó cùng một lúc.
Nhìn chung khối thai và vòi trứng sẽ bị loại bỏ để làm giảm nguy cơ chửa ngoài tử cung ở lần tiếp theo. Người bệnh có nhóm máu RhD âm tính sẽ được tiêm một liều anti-D immunoglobin.
Chỉ loại bỏ khối thai và giữ lại vòi trứng trong trường hợp vòi trứng không bị vỡ hoặc hư hại nghiêm trọng. Phương pháp phẫu thuật này được lựa chọn nếu người bệnh còn một vòi trứng hoặc các vòi trứng còn lại cũng có vấn đề.
Căn cứ vào tình trạng thực tế, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất cho người bệnh. Loại bỏ thai ngoài tử cung thường được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu thế hơn so với mổ mở vì:
- Phục hồi nhanh hơn
- Ít mất máu
- Thời gian nằm viện ngắn hơn
- Người bệnh không cần phải sử dụng nhiều thuốc giảm đau
Tuy nhiên nếu vòi trứng đã bị vỡ, người bệnh sẽ phải mổ mở để loại bỏ khối thai và vòi trứng thương tổn. Vì đây là cách nhanh nhất để giảm mất máu.
Nhiều trường hợp sẽ phải lựa chọn giữa hỗ trợ điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên người bệnh cũng không cần quá lo lắng, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể để tìm ra phương án hợp lý nhất.