Mộng mắt là bệnh lý về mắt khá phổ biến ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh khiến mắt nhìn mờ, làm cho hình ảnh bị méo lệch và có thể gây ra loạn thị. Vậy, bệnh xảy ra do đâu và cần làm gì khi mắt bị mộng? Để có cái nhìn rõ nét hơn, hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Mộng mắt là gì?
Mộng mắt (hay bệnh mộng thịt) là tình trạng có một màng trắng bao phủ trên giác mạc. Đây thực chất là một khối u (có thể phát triển từ một u mỡ kết mạc). Khối u này có thể nhỏ hoặc phát triển đủ lớn và gây ảnh hưởng đến thị lực.
Mộng thường xuất hiện từ góc mắt và chủ yếu là từ góc phía trong. Cấu tạo gồm 2 phần:
– Đầu mộng dính và phủ lên lòng đen (giác mạc);
– Thân mộng có hình nón quạt di động trên củng mạc.
Mộng phát triển theo thời gian, xâm lấn dần vào giác mạc và có thể che kín con ngươi (đồng tử), làm giảm thị lực. Sự phát triển nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào cơ địa người bệnh và các yếu tố môi trường tiếp xúc.
Thông thường, mộng được chia ra thành 4 độ:
– Độ I: Đầu mộng mới chỉ phát triển quá rìa giác mạc
– Độ II: Đầu mộng đã phát triển nhưng chưa tới 1/2 bán kính giác mạc
– Độ III: Đầu mộng đã phát triển và vượt quá 1/2 bán kính giác mạc
– Độ IV: Đầu mộng phát triển tối đa và có thể qua trung tâm giác mạc
Bề ngoài mộng mắt có thể trông đáng sợ, tuy nhiên đó không phải là ung thư. Mộng có thể tăng trưởng chậm trong suốt cuộc đời hoặc dừng lại sau một thời gian nhất định. Trong trường hợp nặng, mộng có thể che hết đồng tử và gây ra các vấn đề về thị lực.
Mặc dù không phải bệnh lý quá nghiêm trọng, mộng vẫn gây ra những triệu chứng khó chịu cho mắt. VD: Mờ mắt, cộm mắt, ngứa mắt, kích ứng, đỏ mắt, khô mắt, sưng mắt,… Đồng thời ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ ở mắt của người bệnh. Nếu không được điều trị có thể gây ra biến chứng: Viêm loét giác mạc, dính mi cầu, thậm chí mù lòa,…
2. 3 yếu tố nguy cơ gây bệnh
Hiện nay, nguyên nhân chính xác khiến mắt bị bệnh mộng thịt vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc thường xuyên làm việc dưới ánh nắng mặt trời hoặc sống trong vùng khí hậu nhiệt đới, khô cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khiến mắt bị mộng:
– Sống trong khu vực nóng ẩm, nắng nóng
– Mắt phải tiếp xúc nhiều với ánh sáng từ mặt trời
– Tiếp xúc với các chất gây kích ứng mắt: Khói bụi, phấn hoa, gió, khói,…
2.1 Tia cực tím
Đây được xem là yếu tố nguy cơ chính khiến mắt bị bệnh. Mộng thịt có thể phát triển khi mắt tiếp xúc với tia cực tím hàng ngày trong một thời gian dài. Đặc biệt là khi bạn không đeo kính mắt hoặc kính bảo hộ. Do đó, một số nhóm người có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn như: Nông dân, thủy thủ, thợ xây, thợ hàn,…
Bệnh mộng thịt thường xảy ra nhiều hơn tại những vùng địa lý nhiều nắng nóng. Ở những vùng khí hậu ôn hòa, có khoảng 2% dân số bị mộng thịt. Trong khi đó, ở vùng nhiệt đới, tỷ lệ này lên đến 6 – 20% dân số.
2.2 Yếu tố gen
Nghiên cứu tại một số bệnh viện cho thấy bệnh mộng mắt cũng có tính chất gia đình. Tức có thể có di truyền lặn. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu này là tương đối nhỏ. Vì vậy, môi trường sống và tia cực tím vẫn được coi là những yếu tố nguy cơ chính gây nên mộng thịt.
2.3 Yếu tố khác
Các bệnh lý về mắt cũng có thể là nguyên nhân khiến cho mộng ở mắt xuất hiện và phát triển. VD: Viêm kết mạc mãn tính,… Ngoài ra, bụi, độ ẩm thấp, khói hay các chấn thương ở mắt cũng là những yếu tố nguy cơ gây bệnh cao đã được chứng minh.
3. Làm gì khi bị mộng mắt?
Khi mắt bị mộng thịt, người bệnh thường không cần điều trị cho đến khi các triệu chứng đủ nặng. Nếu mộng trở nên đỏ và có dấu hiệu bị kích thích, bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt bôi trơn, thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ mắt chứa corticoid loại nhẹ để giảm viêm.
Nếu mộng đã phát triển xâm lấn lên bề mặt lòng đen thì bạn nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt để đảm bảo thị lực. Tránh những biến chứng nặng nề không mong muốn xảy ra.
Ngoài ra, để đảm bảo tính thẩm mỹ thì bạn cũng có thể chủ động đến các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn phẫu thuật loại bỏ mộng mắt.
Hiện nay, mộng thịt ở mắt mặc dù có thể phẫu thuật loại bỏ nhưng chúng vẫn có thể tái phát. Trong thực tế, tỷ lệ tái phát rơi vào khoảng 30 – 80%. Tỷ lệ này thường cao hơn ở những người dưới 40 tuổi.
Để ngăn ngừa tái phát sau phẫu thuật, bác sĩ có thể tiến hành ghép kết mạc tự thân cho người bệnh. Tức khâu hoặc ghép một mảnh mô bề mặt của mắt vào khu vực bị ảnh hưởng, từ đó nhằm giảm tỷ lệ tái phát. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thêm các loại thuốc để ngăn chặn sự phát triển của mô đôi.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để bảo vệ mắt khỏi bệnh và tránh bệnh tái phát là hạn chế tiếp xúc với các yếu tố môi trường. Nên sử dụng kính mát, mũ, nón khi đi ngoài trời để tránh gió, bụi và ánh nắng vào mắt. Hàng ngày nên sử dụng nước muối sinh lý, nước mắt nhân tạo để rửa mắt thường xuyên. Chú ý vệ sinh mắt sạch sẽ và đúng cách hàng ngày. Đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các dưỡng chất tốt để đôi mắt luôn sáng và khỏe mạnh.
Như vậy, trên đây là những chia sẻ về bệnh mộng mắt mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích mà bạn đang quan tâm. Nếu cần giải đáp bất cứ câu hỏi nào khác liên quan, hãy liên hệ với chúng tôi sớm để được tư vấn nhé!