Sau quá trình sinh mổ, người mẹ có thể phải đối mặt với rất nhiều biến chứng hậu sản. Một trong số đó là tình trạng bế sản dịch sau mổ đẻ. Nhiều sản phụ thắc mắc liệu tình trạng này có thể tự hết sau khi qua thời gian sản dịch không? Có cần điều trị không?
Trong quá trình sinh và sau khi sinh mổ, người mẹ sẽ mất đi một lượng máu đáng kể. Lượng máu trong cơ thể mẹ tăng tới khoảng 50% trong cả thai kỳ, vậy nên quá trình mất máu diễn ra như một lẽ tự nhiên. Thế nhưng, vì một số nguyên nhân mà nhiều sản phụ mất máu, ra máu ít, thậm chí không ra máu kèm theo một số triệu chứng khó chịu. Để tìm hiểu hiện tượng này là gì, hãy cùng theo dõi chi tiết sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Về tình trạng bế sản dịch sau sinh mổ, đẻ mổ
Sau khi em bé được đưa ra ngoài qua vết rạch đẻ mổ trên thành tử cung của mẹ, bác sĩ sẽ tiếp tục lấy nhau thai ra và vệ sinh buồng tử cung. Lúc này, tử cung bắt đầu co lại và tạo thành hình khối cầu. Khi tử cung co hồi tốt, sản phụ sẽ được cầm máu tốt và có thể hạn chế tối đa tình trạng mất máu sau sinh.
Mỗi ngày sau đó, tử cung sẽ co lại từ khoảng 1 đến 1,5cm. Nó sẽ tiếp tục co lại cho đến khi nằm gọn trong tiểu khung và không thể sờ thấy nữa. Quá trình co hồi này cũng đồng thời giúp đẩy chất dịch từ lòng tử cung (sản dịch) ra ngoài qua đường âm đạo.
Sản dịch gồm phần nước ối còn sót lại, cục máu đông nhỏ từ vị trí bánh nhau bám, mảnh vụn của lớp nội mạc tử cung và dịch tiết từ vết thương tại cổ tử cung, âm đạo trong quá trình sinh nở. Sản dịch khiến cho môi trường âm đạo thay đổi, vì vậy sản phụ dễ bị viêm nhiễm hơn. Quá trình và thời gian tiết sản dịch và hết sản dịch sau sinh ở mỗi sản phụ là khác nhau, tùy vào cơ địa của từng người.
Bế sản dịch sau đẻ mổ vì vậy được hiểu là khi sản dịch bị ứ đọng, tắc lại trong tử cung. Nếu không được xử lý kịp thời, sản dịch sẽ trở thành môi trường lý tưởng của vi khuẩn, nấm, các tác nhân gây viêm nhiễm cổ tử cung. Từ đó, sản phụ có thể bị băng huyết, rối loạn đông máu, rất nguy hiểm với sản phụ.
2. Những nguyên nhân, triệu chứng của tình trạng bế sản dịch sau đẻ mổ
2.1. Nguyên nhân mẹ bị bế sản dịch sau mổ đẻ
Bế sản dịch do đẻ mổ là trường hợp không hiếm gặp. Đặc biệt hơn, không chỉ gặp ở những sản phụ đẻ mổ, tình trạng này còn có thể xảy ra ở các mẹ sinh thường.
Một số nguyên nhân khiến sản phụ sinh mổ bị bế sản dịch gồm có:
– Quá trình diễn ra cao mổ, mẹ bị mất máu nhiều
Trong quá trình sinh nở, việc bị mất máu nhiều là rất bình thường. Tuy nhiên, với những trường hợp mất máu quá nhiều, quá trình co hồi của tử cung sẽ bị hạn chế. Thậm chí, trong trường hợp nghiêm trọng, tử cung có thể mất hoàn toàn khả năng co bóp. Lúc này, sản dịch cũng sẽ không được đẩy ra ngoài một cách thuận lợi.
– Biến chứng thường gặp khi có vấn đề trong thai kỳ
Trong quá trình theo dõi thai kỳ, các mẹ có thể gặp một số vấn đề như thai to, đa ối, đa thai, chuyển dạ khó khăn,… Điều này cũng làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của tử cung, gây bế sản dịch sau mổ đẻ.
– Do bị sót nhau thai: Nhau thai được gắn với thành tử cung, giúp vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng thai nhi. Ở những bước cuối của quá trình đẻ mổ, bác sĩ sẽ thực hiện lấy phần bánh nhau, nhau thai ra ngoài. Trong một số trường hợp, nhau thai vẫn chưa được lấy hết và còn sót lại trong tử cung. Sót nhau có thể do nhau bị mắc sau khi cổ tử cung đã đóng một phần hoặc nhau bám thành tử cung. Triệu chứng của việc bị sót nhau là tử cung co hồi chậm, kém, từ đó khiến sản phụ bị bế sản dịch.
– Tử cung bị giãn quá mức, khiến trương lực cơ tử cung kém hơn sau sinh: Thời gian co bóp của tử cung chậm, mức độ co hồi giảm khi tử cung bị giãn quá mức. Như vậy, việc tống đẩy sản dịch ra ngoài sau sinh cũng bị hạn chế.
– Mẹ lười vận động sau khi sinh: Sau sinh, để máu huyết lưu thông tốt, hỗ trợ hoạt động co hồi của tử cung, các mẹ cần thường xuyên vận động nhẹ nhàng. Như vậy, sản dịch cũng được đẩy ra dễ hơn, đảm bảo được hoạt động của tử cung trong thời gian đầu sau sinh.
– Một số nguyên nhân về cấu trúc cổ tử cung, sức khỏe sản phụ: Một số trường hợp có bất thường tại tử cung, cổ tử cung bị đóng kín cũng cản trở sản dịch thoát ra ngoài. Ngoài ra, nếu sức khỏe sản phụ không tốt, quá trình tống đẩy sản dịch cũng gặp nhiều khó khăn.
2.2. Triệu chứng của tình trạng bế sản dịch sau mổ đẻ
Để sản dịch được đẩy hết ra ngoài, tử cung cần co bóp liên tục trong vòng 20 đến 30 ngày. Tùy thuộc vào thể trạng, cơ địa từng người mà thời gian co hồi tử cung có thể rút ngắn lại. Một số trường hợp, chỉ sau khoảng 10 ngày, cổ tử cung đã không còn sờ thấy và sản dịch cũng gần ít, nhạt màu hơn. Các mẹ có thể theo dõi dấu hiệu cho thấy bị bế sản dịch sau sinh như sau:
– Sản dịch ra ít, có thể có mùi hôi khó chịu.
– Cảm nhận được cục cứng ở bụng.
– Sốt nhẹ.
– Căng đau và khó chịu tại hạ vị.
– Cổ tử cung dần đóng kín khi dùng tay để cảm nhận, sản phụ cảm thấy đau khi ấn nhẹ vào vùng đáy tử cung.
3. Bế sản dịch sau đẻ mổ có nguy hiểm không?
Tình trạng bế sản dịch nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng sản phụ. Cụ thể, bế, tắc sản dịch sau sinh gây nhiễm khuẩn máu, băng huyết, rối loạn đông máu. Một vài trường hợp nghiêm trọng còn có thể phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu bất thường, các triệu chứng của bế sản dịch sau sinh, chị em cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và xử lý kịp thời.
4. Bế sản dịch sau đẻ mổ có cần điều trị không?
Tình trạng bế sản dịch sau mổ đẻ là một trong những biến chứng hậu sản, vì vậy không thể tự hết. Để khắc phục, sản phụ cần tới các đơn vị y tế có chuyên khoa riêng, gặp bác sĩ và nhận chỉ định can thiệp sớm nhất. Những phương pháp phổ biến được sử dụng trong điều trị bế sản dịch sau sinh gồm:
– Nong cổ tử cung:
Phần tế bào, dịch ứ đọng bên trong tử cung sẽ được lấy hết ra ngoài bằng một dụng cụ y tế đặc biệt được đưa vào trong cổ tử cung. Thủ thuật này nên được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đầy đủ điều kiện, trang thiết bị cần thiết, đảm bảo vệ sinh để không khiến cho sản phụ bị nhiễm trùng hay gặp phải các biến chứng không đáng có sau này.
– Hút dịch tử cung
Sản dịch được hút hết ra ngoài qua một dụng cụ y tế chuyên dụng. Trong quá trình thực hiện, mọi vật dụng, môi trường xung quanh đều phải đảm bảo an toàn vệ sinh để tránh gây ra tình trạng nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ sau sinh.
– Kích thích mức độ co bóp của tử cung bằng thuốc
Tử cung co bóp kém mới dẫn đến tình trạng bế sản dịch sau đẻ mổ. Vậy nên, sản phụ có thể được chỉ định kích thích tử cung co bóp mạnh hơn bằng cách sử dụng thuốc. Từ đó, sản dịch cũng nhanh chóng được đẩy hết ra ngoài.
5. Phòng ngừa bế sản dịch sau đẻ mổ như thế nào?
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, vì vậy mà chị em cũng nên lưu ý một số vấn đề giúp phòng tránh bế sản dịch sau sinh như:
– Giữ vùng kín sạch sẽ
Sản dịch có thể là môi trường lý tưởng để các tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa phát triển. Do đó, việc vệ sinh vùng kín đúng cách là rất cần thiết để tránh viêm nhiễm sau sinh. Sau mỗi lần thay băng vệ sinh, các mẹ nên rửa sạch vùng kín với nước ấm hoặc nước muối sinh lý, vừa giữ cân bằng môi trường âm đạo, vừa không lo viêm nhiễm.
Băng vệ sinh mà sản phụ sử dụng phải là loại băng thoáng khí, mềm mại, không gây kích ứng và cần thay băng từ 4 đến 5 lần/ngày. Sản phụ không nên sử dụng tampon hay cốc nguyệt san, không nên ngâm bồn tắm, không để vùng kín ẩm ướt, không sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn cao, làm khô rát âm đạo,…
– Vận động nhẹ nhàng
Sau sinh mổ, mặc dù khá đau nhưng mẹ không nên nằm nhiều để tránh máu không được lưu thông, tử cung không được kích thích để co bóp, đẩy sản dịch ra ngoài. Sản phụ chỉ nên nằm khoảng 2 ngày, sau đó có thể ngồi dậy và đi lại nhẹ nhàng để cải thiện quá trình đẩy sản dịch nhanh hơn.
– Cho bé bú sớm
Khi trẻ bú mẹ, cơ thể sẽ sản sinh chất giúp kích thích tử cung co bóp, đẩy nhanh quá trình đào thải sản dịch. Chính vì thế, mẹ có thể massage bầu ngực thường xuyên để sữa nhanh về, hút sữa hoặc cho con bú nhiều bữa trong ngày, vừa tránh tắc tia sữa, vừa có lợi qua quá trình đẩy sản dịch.
– Ăn uống đủ chất, hợp lý
Phụ nữ sau đẻ mổ nên ăn uống đầy đủ các chất, đặc biệt cần bổ sung các nhóm thực phẩm giúp bổ máu, lợi sữa, tăng đề kháng tự nhiên để hỗ trợ quá trình co hồi của tử cung, cải thiện quá trình đẩy sản dịch sau sinh.
– Đi tiểu tiện
Việc tiểu tiện nhiều sẽ kích thích bàng quang của bạn nhạy cảm hơn, làm việc tốt hơn. Nếu để bàng quang quá đầy, quá trình co bóp của tử cung sẽ trở nên khó khăn hơn và từ đó dẫn tới bế sản dịch. Tốt nhất, sản phụ nên đi tiểu tiện mỗi 2 đến 3 giờ để bàng quang làm việc tốt hơn và không chèn ép lên tử cung trong quá trình co hồi.
Để phát hiện và khắc phục tình trạng bế sản dịch sau mổ đẻ hiệu quả, sản phụ cần được nhận sự hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ngay từ trong quá trình mang thai, sinh con, các mẹ cũng nên lựa chọn một cơ sở y tế uy tín, cung cấp dịch vụ đảm bảo sức khỏe của mẹ trước, trong và sau sinh. Với dịch vụ tốt, chăm sóc và thăm khám cẩn thận, chu đáo, chắc tại mẹ cũng có thể yên tâm hơn và không cần quá lo lắng về các vấn đề hậu sản.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI tự hào là một trong những đơn vị cung cấp các dịch vụ Thai sản phù hợp, đầy đủ, với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ các mẹ trong việc bảo vệ sức khỏe thai kỳ, vượt cạn thành công và an tâm về các vấn đề sau sinh nở.
Trang bị hệ thống máy móc tiên tiến, hiện đại, Thu Cúc TCI giúp các mẹ dễ dàng phát hiện và xử lý các vấn đề hậu sản kịp thời. Với các mẹ bầu sử dụng dịch vụ Thai sản trọn gói, sau 3 tuần kể từ khi sinh, mẹ sẽ được tái khám, kiểm tra sức khỏe tổng quát để xác nhận cơ thể phục hồi tốt, phòng ngừa các tai biến sản khoa.
Với những thông tin này, chúng tôi tin chắc đã giúp các mẹ sau sinh hiểu rõ hơn về bế sản dịch sau mổ đẻ. Từ đó, chị em cũng có thể quan tâm hơn tới sức khỏe của bản thân, bắt đầu lựa chọn cho mình một địa chỉ đi sinh uy tín, phù hợp, đáp ứng được các nhu cầu cần thiết trước, trong và sau sinh.