Người lớn tuổi thường gặp khó khăn trong vấn đề giấc ngủ. Ước tính có khoảng 48% người trên 50 tuổi bị mất ngủ (một dạng điển hình nhất của hội chứng rối loạn giấc ngủ). Mất ngủ kéo dài sẽ kéo theo nhiều vấn đề về tâm lý và sức khỏe, khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm sút đáng kể. Cùng tìm hiểu mất ngủ ở người già: nguyên nhân và cách điều trị.
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân người già bị mất ngủ
1.1 Quá trình lão hóa tự nhiên
Sự lão hóa tự nhiên của tuổi tác theo thời gian, khiến hệ thống sinh lý kiểm soát giấc ngủ và hành vi bị kém dần đi. Cụ thể đó là melatonin, một loại hormone thần kinh của tuyến yên được sản xuất dưới sự kiểm soát của vùng dưới đồi. Khi tuổi càng cao, lượng hormone melatonin này sẽ giảm, khiến số lượng và chất lượng giấc ngủ cũng bị sụt giảm.
Ngoài ra, khi hệ thống thần kinh kiểm soát chu kỳ giấc ngủ kém hiệu quả. Điều này làm rối loạn chu kỳ ngày đêm ở người già, gây ra sự gián đoạn giấc ngủ.
1.2 Mất ngủ ở người già do bệnh lý
Người già có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh như: bệnh đường hô hấp (ngưng thở khi ngủ, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính,…), bệnh thận – tiết niệu, bệnh lý cơ xương khớp, bệnh hệ thần kinh,… Hay các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, … Bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, suy giáp, cường giáp,…
Khi mắc các bệnh lý này, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi. Do các triệu chứng của bệnh gây ra như: đau đớn, khó thở, buồn bực, đổ mồ hôi, đau đầu, thường xuyên phải đi tiểu,… làm phá vỡ giấc ngủ.
1.3 Lạm dụng thuốc
Khi sức khỏe yếu, người cao tuổi thường có xu hướng sử dụng nhiều loại thuốc. Có thể thuốc do bác sĩ kê đơn hoặc thuốc mà người bệnh tự mua về dùng. Việc sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ làm rối loạn giấc ngủ.
Những loại thuốc thường có thể gây mất ngủ như: thuốc giảm xung huyết ở mũi, các chất dẫn của xanthine, thuốc kích thích tâm thần, thuốc steroid, thuốc điều trị hormon tuyến giáp, nicotin, methysergide, scopolamine, …
1.4 Mất ngủ ở người già do gặp vấn đề về tâm lý
Hiện nay, có không ít người cao tuổi phải đối mặt với tình trạng cô đơn, thiếu thốn tình cảm, trải qua nhiều cú sốc trong cuộc đời,… Chính điều này khiến tỷ lệ người cao tuổi rơi vào trầm cảm, lo âu, … và điều này tạo điều kiện thuận lợi gây mất ngủ ở người già. Trường hợp này còn được gọi là mất ngủ do tâm lý.
2. Điều trị chứng mất ngủ ở người già
2.1 Nguyên tắc điều trị
Điều quan trọng nhất để điều trị chứng mất ngủ ở người già hay người trẻ “tận gốc”, đó là phải tìm được đúng nguyên nhân gây mất ngủ.
Ví dụ, khi một người bị mất ngủ cần tìm hiểu người đó bao nhiêu tuổi, có đang mắc phải bệnh lý nào không, đang sử dụng những loại thuốc nào, có gặp vấn đề gì về tâm lý hay không, môi trường sống và làm việc có chứa yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ không, ….
Khi đã xác định được nguyên nhân gây mất ngủ thì tập trung điều trị nguyên nhân. Trong đó, có thể gồm biện pháp dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.
Nếu chưa tìm được nguyên nhân gây mất ngủ, bác sĩ có thể cân nhắc điều trị triệu chứng trước. Vừa đồng thời tìm hiểu nguyên nhân gây mất ngủ ở người bệnh là gì, để việc điều trị chứng mất ngủ ở người già đạt hiệu quả tối ưu.
2.2 Dùng thuốc
Bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm,… tùy thuộc vào tình trạng bệnh và tình hình sức khỏe của người bệnh.
Cần lưu ý, sử dụng thuốc phải theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối bạn không được lạm dụng thuốc.
Và cũng cần lưu ý rằng: nếu bị mất ngủ, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Việc thăm khám với bác sĩ đúng chuyên khoa sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, có biện pháp điều trị hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức cho người bệnh.
2.3 Không dùng thuốc
Bạn có thể nghiêm túc áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc sau đây:
Đi ngủ đúng giờ và thức giấc vào một giờ cố định mỗi buổi sáng. Kể cả những ngày cuối tuần, ngày được nghỉ, bạn cũng nên thức giấc vào giờ cố định để đồng hồ sinh học được ổn định. Không nên đi ngủ muộn và ngủ bù (ngủ nướng) vào sáng hôm sau.
Phòng ngủ cần sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát, nhiệt độ và ánh sáng phù hợp.
Không gian phòng ngủ cần yên tĩnh, mát mẻ. Giường chỉ nên để ngủ, hạn chế đọc sách hay ăn, uống, xem tivi, điện thoại trên giường ngủ.
Trước khi ngủ khoảng 2 tiếng đồng hồ, bạn nên tắt tất cả các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi,… để tập trung cho việc ngủ.
Bạn nên nghỉ ngơi, không làm việc hay tập luyện khoảng 30 phút trước khi đi ngủ. Cần lưu ý rằng, nếu muốn tập thể dục trước khi ngủ, bạn nên chọn những bài tập nhẹ nhàng, không làm tốn sức nhiều, không gây căng thẳng quá sẽ khó đi vào giấc ngủ.
Tuyệt đối không nên uống rượu, bia, caffeine, các chất kích thích trước khi ngủ.
Không nên tranh cãi những vấn đề căng thẳng trước khi ngủ.
Hãy giữ tâm trạng thoải mái, không nên lo lắng rằng mình sẽ không ngủ được hoặc lo lắng về việc lập kế hoạch công việc cho ngày mai.
2.4 Vấn đề cần lưu ý
Không phải ai bị mất ngủ cũng phải dùng thuốc. Có một số trường hợp người bệnh bị mất ngủ chỉ cần cải thiện lại thói quen sinh hoạt, áp dụng một số biện pháp hỗ trợ mất ngủ không dùng thuốc có thể cải thiện được tình trạng này. Thường gặp trong trường hợp mất ngủ do nguyên nhân tâm lý, môi trường,..
Nếu bạn thấy mình nằm mãi mà vẫn không ngủ được, đừng lo lắng, hãy bình tĩnh đứng dậy đi ra khỏi giường. Hãy chọn một chỗ ngồi thật thoải mái để thư giãn, có thẻ đọc sách hoặc ngồi thiền để cho tâm trạng thoải mái. Sau đó hãy quay trở lại giường khi bạn cảm thấy buồn ngủ.
Nên nhớ là tập luyện thể lực không chỉ tốt cho vóc dáng của bạn trông khỏe khoắn, duy trì cân nặng hợp lý. Mà tập thể dục còn giúp cho não bộ được thư giãn, thoải mái, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ tốt hơn. Bạn nên tập thể dục thể thao thường xuyên (tuần khoảng 3-4 lần), tập ít nhất 30-40 phút, nên chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe của bản thân, tránh tập quá sức sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.