Mất ngủ chán ăn là những bất ổn mà rất nhiều người gặp phải. Tình trạng ăn ngủ kém có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Mất ngủ, ăn kém có nguy hiểm không và đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Mất ngủ chán ăn biểu hiện thế nào?
Mất ngủ chán ăn là tổ hợp một số triệu chứng gồm:
– Khó đi vào giấc ngủ
– Ngủ chập chờn, không ngủ được giấc sâu
– Dễ tỉnh giấc và tỉnh dậy nhiều lần trong đêm, không ngủ lại được
– Thức dậy sớm và cảm thấy mệt mỏi
– Không có cảm giác thèm ăn
– Ăn không ngon miệng
– Ăn xong bị ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, thậm chí nôn chớ
– Gầy gò, xanh xao, mệt mỏi
– Kém tập trung, hay quên
Nếu những dấu hiệu bất thường này chỉ xảy ra ngắn hạn, không thường xuyên thì bạn không cần quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan, cần theo dõi và thăm khám sớm. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên, ngày càng tăng nặng hoặc kèm theo các triệu chứng khác chứng tỏ sức khỏe của bạn có những bất ổn, cần chủ động thăm khám ngay để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị sớm, tránh những hậu quả khôn lường.
2. Mối liên hệ giữa chán ăn và mất ngủ
Ăn và ngủ là 2 hoạt động thiết yếu của con người, giúp cơ thể nạp lại năng lượng và phục hồi sau thời gian làm việc kéo dài. Nếu 2 hoạt động này bị gián đoạn sẽ khiến cơ thể trở nên bất ổn. Mất ngủ có thể là nguyên nhân khiến cơ thể mệt mỏi, sinh ra cảm giác chán ăn, ăn không ngon miệng. Ngược lại, chán ăn kéo dài cũng có thể gây nên tình trạng suy nhược, khiến người bệnh không được thoải mái và thư giãn để bước vào giấc ngủ.
3. Nguyên nhân khiến người bệnh ăn không ngon, ngủ không yên
Những bất ổn về giấc ngủ và khả năng ăn uống có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau:
3.1 Mất ngủ chán ăn do tuổi tác
Khi tuổi tác tăng lên, các cơ quan bên trong cơ thể dần lão hóa, gồm cả hệ thần kinh và hệ tiêu hóa. Do đó, người già thường gặp phải tình trạng chán ăn, mất ngủ, giấc ngủ không sâu như khi còn trẻ.
3.2 Căng thẳng lo lắng
Tính chất công việc nhiều áp lực, suy nghĩ quá nhiều khiến hệ thần kinh luôn trong trạng thái căng thẳng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ, ăn kém. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc tiến triển có thể dẫn tới suy nhược thần kinh. Người bệnh ngủ không sâu giấc, cơ thể mệt mỏi dẫn tới chán ăn, sụt cân, suy kiệt.
Các nghiên cứu cũng cho thấy căng thẳng làm giảm cảm giác thèm ăn. Cụ thể, khi gặp căng thẳng, não tiết ra hormone adrenalin để chống lại sự tiêu cực. Tuy nhiên hormone này cũng làm giảm khả năng hoạt động của hệ thống tiêu hóa, do đó gây chán ăn. Đặc biệt ở những người bị trầm cảm, cơ thể kích hoạt giải phóng hormone corticotropin. Hormone này cũng gây hạn chế sự thèm ăn.
3.3 Cơ thể suy nhược
Sau các đợt nhiễm trùng do virus và vi khuẩn như cúm, nhiễm trùng nước tiểu…người bệnh có thể cảm thấy chán ăn. Khi cơ thể yếu, hệ miễn dịch sẽ tiết ra các chất gọi là cytokine, điều chỉnh sự thèm ăn. Điều này làm giảm sự thèm ăn, khiến cơ thể ngày càng suy yếu, khiến người bệnh căng thẳng và mất ngủ.
3.4 Các bệnh lý gây mất ngủ chán ăn
Nhiều bệnh lý kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động ăn, ngủ của người bệnh. Một số bệnh có thể gây mất ngủ chán ăn gồm:
– Đau mạn tính
Điển hình là đau nửa đầu, đau cơ xơ hóa, đau dây thần kinh ngoại biên, đau thắt lưng,…Những cơn đau dai dẳng có thể khiến bạn mất hứng thú với thức ăn và gây rối loạn giấc ngủ.
– Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương các dây thần kinh, gây ra chứng liệt dạ dày. Điều này khiến thức ăn di chuyển chậm qua đường tiêu hóa, làm người bệnh có cảm giác chán ăn.
– Rối loạn tiêu hóa
Khi hệ tiêu hóa gặp rối loạn, điển hình khi mắc các bệnh viêm ruột (IBD), hội chứng ruột kích thích (IBS), người bệnh có thể cảm thấy chán ăn hoặc có cảm giác thèm ăn nhưng lại không dám ăn, ngại ăn do lo sợ đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy và co thắt ruột.
– Bệnh tâm thần
Trạng thái tinh thần không ổn định như trầm cảm, rối loạn lo ấu, rối loạn lưỡng cực,… có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và cảm giác ăn uống.
– Bệnh Alzheimer
Chán ăn mất ngủ là một trong những hệ lụy với người mắc bệnh Alzheimer. Các thống kê cho thấy, có tới 50% người bệnh Alzheimer bị mất ngủ với mức độ từ nhẹ đến trung bình.
– Bệnh Parkinson
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh Parkinson như run, cứng khớp, yếu cơ miệng và hàm, vận động chậm… có thể là nguyên nhân gây khó khăn khi nhai nuốt và gây gián đoạn giấc ngủ.
– Viêm khớp
Các bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp có thể gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu ở các khớp và dẫn đến mất ngủ kéo dài vào ban đêm. Trong khi đó vào ban ngày, người bệnh có thể giảm cảm giác ngon miệng khi ăn uống.
– Bệnh tuyến giáp
Sự bất ổn của tuyến giáp, dù là suy giáp hay cường giáp, cũng dễ khiến người bệnh mất ngủ và chán ăn.
3.5 Các loại thuốc
Một số loại thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, kháng sinh, thuốc điều trị tiểu đường, tim mạch… có thể gây ra tác dụng phụ là chán ăn, mất ngủ. Tình trạng thay đổi vị giác, buồn nôn, mất ngủ cũng có thể xảy ra tương tự ở các bệnh nhân điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị…
4. Cách cải thiện tình trạng chán ăn mất ngủ
Một số thói quen tốt sau đây có thể giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện chứng chán ăn mất ngủ:
– Thiết lập lịch thức – ngủ với giờ đi ngủ và thức dậy giống nhau mỗi ngày
– Vận động thường xuyên (khoảng 30 phút/ngày) các bài tập yêu thích để có một giấc ngủ ngon
– Nếu đang điều trị bệnh, hãy kiểm tra các loại thuốc đang dùng, nếu chúng là nguyên nhân gây mất ngủ, chán ăn, hãy báo với bác sĩ để được điều chỉnh đơn thuốc phù hợp
– Tránh ngủ trưa quá dài, chỉ nên ngủ không quá 30 phút mỗi buổi trưa
– Hạn chế dùng caffeine và rượu quá nhiều trong ngày, đặc biệt là vào buổi tối
– Tránh ăn uống quá nhiều trước khi đi ngủ
– Ăn đúng bữa, đúng giờ, không bỏ bữa sáng
– Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách tắm nước ấm, đọc sách, nghe nhạc nhẹ, ngồi thiền…
Nếu đã thực hiện các biện pháp trên đây mà tình trạng mất ngủ chán ăn không được cải thiện, hãy thăm khám ngay chuyên khoa Nội thần kinh để được khám và điều trị hiệu quả.