Sốt cao co giật là tình trạng thường gặp ở những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Khi gặp phải tình trạng này, bé sẽ xuất hiện những cơn co cứng, co giật khi sốt cao. Đây là bệnh lý đòi hỏi phải xử lý cấp cứu vì nó có thể đe dọa đến tính mạng của con trước mắt hoặc để lại những biến chứng nặng nề về sau. Vậy bố mẹ đã biết cách điều trị sốt cao co giật trẻ em chưa?
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân và dấu hiệu của sốt cao co giật ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sốt cao co giật ở trẻ em. Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn (trong đó khoảng 90% do nhiễm virus đường hô hấp) và yếu tố tiền sử gia đình (khoảng 10%).
Về mặt biểu hiện lâm sàng, có 2 thể sốt cao co giật thường gặp ở trẻ em là sốt cao co giật có biến chứng và sốt cao co giật lành tính. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải phân biệt rõ cơn co giật do sốt cao gây ra và cơn co giật do động kinh gây ra. Bởi vì với những trẻ bị động kinh, các cơn co giật thường tái diễn nhiều lần nhưng con không sốt.
Sốt cao co giật thường xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi và rất hiếm gặp ở những bé lớn hơn. Hầu hết những cơn co giật do sốt cao ở trẻ em thường kéo dài từ 30 giây cho đến 1 – 2 phút và trong một vài trường hợp có thể kéo dài tới hơn 15 phút. Phần lớn những trẻ bị sốt cao co giật có nhiệt độ ở hậu môn trên 38,9 độ C.
Khi bị sốt cao co giật, trẻ thường bị mất ý thức kéo dài từ 30 giây tới 5 phút hoặc lâu hơn, khó thở, co cơ khắp cơ thể khoảng 15 – 20 giây, lắc hoặc giật tay, chân, nghiến chặt răng, mất kiểm soát trong việc đi tiểu hoặc đi tiêu hoặc da có màu xanh.
2. Cách điều trị sốt cao co giật trẻ em chuẩn nhất
Khi trẻ bị sốt cao co giật, bố mẹ phải bình tĩnh đặt con vào nơi thoáng mát, yên tĩnh và để bé ở tư thế đầu nghiêng về một bên để ngăn ngừa tình trạng tắc đờm dãi. Đồng thời, bố mẹ phải nới rộng quần áo và tã bỉm cho con dễ thở hơn.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng phải nhanh chóng đưa những vật sắc nhọn ra xa cơ thể trẻ và nhớ kiểm tra xem con có còn đang thở không, cũng như da có tím tái hay không. Tiếp đến, bố mẹ phải nhanh chóng hạ sốt cho con bằng cách lau người bằng nước ấm. Song song với đó, bố mẹ cũng phải dùng thuốc hạ sốt nhét vào hậu môn cho con theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, bố mẹ cũng thường xuyên theo dõi nhiệt độ của con bằng cách đo thân nhiệt cho trẻ. Một điểm cần phải lưu ý nữa là bố mẹ không được giới hạn cử động của con như không giữ và bế chặt trẻ. Hơn nữa, trong khi con còn co giật hoặc chưa tỉnh hẳn, bố mẹ cũng không được cho trẻ ăn hoặc uống bất cứ một thứ gì vì có thể khiến con bị sặc.
Thêm vào đó, bố mẹ cũng không được sử dụng vật cứng đặt ngang mồm trẻ vì sợ con cắn vào lưỡi. Bởi vì trong cơn co giật, trẻ rất ít khi cắn vào lưỡi và việc đặt vật cứng ngang mồm con có thể làm tổn thương niêm mạc miệng, làm sứt lợi, gãy răng của trẻ.
Sau khi xử trí trẻ hết cơn co giật như những bước trên, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám, phòng trừ viêm màng não và những nguyên nhân nguy hiểm gây ra tình trạng sốt cao co giật khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và hướng dẫn các bước chăm sóc con sau khi bị co giật.
3. Cách phòng ngừa cơn co giật do sốt cao gây ra
Những cơn co giật do sốt cao gây ra thường rất hay tái phát. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy hoang mang và lo lắng. Tuy nhiên, nếu bố mẹ biết cách xử trí ngay từ lúc con mới bị sốt thì hoàn toàn có thể phòng tránh được cơn co giật.
Do đó, ngay khi trẻ mới sốt, bố mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Ngoài ra, bố mẹ cũng phải cho con uống nhiều nước hoặc bú nhiều cữ sữa hơn.
Đồng thời, bố mẹ cũng phải cởi bớt quần áo của con và đặt trẻ nằm ở nơi thoáng mát. Tuyệt đối không bao giờ được bọc kín trẻ hoặc ủ ấm cho con. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể con bằng nhiệt kế. Hơn nữa, bố mẹ hãy làm mát cơ thể cho con bằng cách lau người bằng nước ấm và sử dụng viên đặt hậu môn để hạ sốt khi thân nhiệt của con quá 39 độ C.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ biết cách điều trị sốt cao co giật trẻ em hiệu quả. Điều quan trọng nhất là khi thấy trẻ bị sốt cao co giật, bố mẹ phải thật bình tĩnh và sơ cứu kịp thời, sau đó đưa con đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.