Sốt xuất huyết gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến các cơ quan trên cơ thể trong đó có hạ tiểu cầu. Sốt xuất huyết hạ tiểu cầu nếu không được theo dõi sát sao và kịp thời điều trị có thể dẫn đến nguy hiểm khó lường.
Menu xem nhanh:
1. Vai trò của tiểu cầu trong máu
Tiểu cầu là tế bào có kích thước nhỏ nhất trong máu của con người, với đường kính chỉ bằng 20% hồng cầu. Nhiệm vụ chính của tiểu cầu là làm máu đông lại, cầm máu khi bị thương. Thông thường chỉ số tiểu cầu có trong máu là 150.000 đến 400.000 tiểu cầu/μl máu (1 μl = 1 mm3). Theo đó, mỗi lít máu chứa 150 đến 400 tỷ tế bào tiểu cầu. Do đó, nếu có sự bất thường về số lượng tiểu cầu sẽ cảnh báo các về đề sức khỏe.
2. Lý giải hiện tượng sốt xuất huyết giảm tiểu cầu
Giảm tiểu cầu hay hạ tiểu cầu được xác định khi số lượng tiểu cầu ở mức dưới 150.000 tiểu cầu/mm3 bằng xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu hay xét nghiệm công thức máu.
2.1 Tại sao tiểu cầu hạ trong sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh lý xảy ra do virus Dengue – Loại virus này có 4 chủng lần lượt là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Một người có thể nhiễm 1 đến 4 chủng virus, nghĩa là cơ thể chỉ có miễn dịch sau khi bạn đã mắc một chủng virus Dengue, và vẫn có khả năng mắc 3 chủng virus còn lại. Muỗi cái thuộc giống Aedes là vật lây truyền virus trung gian gây nên bệnh sốt xuất huyết ở nhiều người, và có khả năng bùng dịch.
Vậy tại sao sốt xuất huyết gây tình trạng hạ tiểu cầu?
– Đó là do tủy xương nơi sản xuất tiểu cầu bị ức chế
– Các tế bào máu bị ảnh hưởng bởi virus Dengue gây tổn thương tiểu cầu. Virus sốt xuất huyết xâm nhập gắn với các tiểu cầu và nhân lên, khiến virus gia tăng, các tiểu cầu bị nhiễm bệnh có xu hướng tiêu diệt các tiểu cầu bình thường.
– Ngoài ra còn do các kháng thể được tạo ra trong giai đoạn người bệnh bị sốt xuất huyết đã làm mất đi một lượng lớn tiểu cầu.
– Tăng kết dính tiểu cầu với các tế bào nội mạch.
Số lượng tiểu cầu trong máu suy giảm hoặc hạ thấp sẽ gây tình trạng xuất huyết,. máu khó đông, khả năng chống nhiễm trùng của bệnh nhân cũng trở nên giảm đi.
2.2 Biểu hiện từ nhẹ đến nặng của sốt xuất huyết gây hạ tiểu cầu
Các triệu chứng giảm tiểu cầu sốt xuất huyết được thể hiện đa dạng:
– Xuất huyết trên da: Người bệnh có các nốt xuất huyết rải rác ở tay, chân, nách, ngực, bụng, thắt lưng…
– Xuất huyết niêm mạc: Bệnh nhân sốt xuất huyết có triệu chứng chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, tiểu ra máu, đại tiện phân có lẫn máu hoặc phân đen, phụ nữ có thể có kinh nguyệt đến sớm hơn hoặc rong kinh kéo dài.
– Xuất hiệu nặng: Bệnh nhân có các tình trạng thoát huyết tương qua thành mạch, chảy máu mũi nặng, ra máu âm đạo nặng, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng, xuất huyết não, xuất huyết kèm tình trạng sốc, vật vã, li bì, suy đa tạng…
2.3 Tiểu cầu giảm vào thời điểm, giai đoạn nào của sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết hạ tiểu cầu thường giảm đáng kể vào ngày thứ 4 kể từ khi phát bệnh. Trong giai đoạn từ ngày từ 3 cho đến ngày thứ 7 số lượng tiểu cầu giảm từ nhẹ đến vừa và dần trở lại mức bình thường vào ngày thứ 8 hoặc thứ 9.
Thời điểm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của sốt xuất huyết được xếp vào giai đoạn nguy hiểm. Nghĩa là trong giai đoạn này sốt xuất huyết có thể chuyển biến thành sốt xuất huyết nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Lý do là bởi sốt xuất huyết nặng xảy ra khi mạch máu của bạn bị tổn thương và rò rỉ, số lượng tế bào tiểu cầu trong máu giảm xuống mức bình thường, điều này có thể dẫn đến sốc, chảy máu trong, suy nội tạng, và thậm chí là tử vong.
2.4 Cảnh giác với tình trạng sốt xuất huyết gây hạ tiểu cầu
Hạ tiểu cầu có nhiều mức độ xảy ra ở người mắc sốt xuất huyết:
– Ở mức độ nhẹ: Tiểu cầu giảm dưới mức 150.000 tế bào tiểu cầu/mm3 máu
– Ở mức độ nguy hiểm: Tiểu cầu hạ dưới mức 50.000 tế bào tiểu cầu/mm3 máu
– Ở mức độ nghiêm trọng: Tiểu cầu giảm còn 10.000 – 20.000 tế bào tiểu cầu/mm3 máu.
Khi sốt xuất huyết hạ tiểu cầu xuống quá mức cho phép, người bệnh sẽ đồng thời vừa bị xuất huyết vừa giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
Những biến chứng nguy hiểm của hạ tiểu cầu sốt xuất nếu không được kịp thời điều trị có thể gây giảm huyết áp, sốc mất máu, xuất huyết nội tạng, suy nội tạng, hoặc thậm chí tử vong.
Vậy nên ngay khi có triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị, kiểm soát tình trạng hạ tiểu cầu. Bởi hạ tiểu cầu là một hệ lụy thường gặp xảy ra ở người bệnh sốt xuất huyết.
3. Làm thế nào để tăng tiểu cầu trong sốt xuất huyết
Kịp thời điều trị sốt xuất huyết là cách hàng đầu để tránh tiểu cầu hạ xuống mức thấp gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Bên cạnh quá trình điều trị, người bệnh nên thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà để hỗ trợ thúc đẩy tăng tiểu cầu đã mất như:
– Ăn nhiều rau xanh chứa nhiều vitamin K, cần thiết cho cơ thể sản xuất protein hỗ trợ máu đông, tăng tiểu cầu ở người bệnh sốt xuất huyết.
– Sử dụng trái cây có múi nhiều vitamin C, rất cần thiết cho việc tăng tiểu cầu và giúp chúng hoạt động tốt hơn.
– Bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt, để củng cố tế bào hồng cầu, tiểu cầu.
– Bổ sung thực phẩm chứa vitamin D để tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhanh phục hồi.
– Bổ sung các thực phẩm giàu folate giúp hỗ trợ và tạo các tế bào máu khỏe mạnh.
Số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ gây tình trạng xuất huyết, chính vì vậy người bệnh sốt xuất huyết nên chú ý đến một biến chứng quan trọng và phổ biến của bệnh. Sốt xuất huyết giảm tiểu cầu cần được theo dõi và giám sát bởi bác sĩ thông qua các xét nghiệm công thức máu. Vì vậy không nên chủ quan tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà, giải pháp hàng đầu bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình là nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, kịp thời đến bệnh viện để tránh trường hợp bệnh nhân rơi vào nguy kịch.