Lý giải nguyên nhân suy tim và cách chẩn đoán

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Suy tim là tình trạng tim suy yếu, giảm khả năng co bóp và thực hiện các chức năng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân suy tim và những phương pháp chẩn đoán căn bệnh này qua bài viết sau. 

1. Khám phá các nguyên nhân gây suy tim phổ biến hiện nay

Có nhiều nguyên nhân gây suy tim như các bệnh lý tim mạch, các bệnh chuyển hóa, nhiễm trùng, thuốc.

1.1 Bệnh tim mạch là nguyên nhân suy tim chủ yếu

Các bệnh lý tim mạch là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy tim. Tình trạng tim bị tổn thương nhưng không được phát hiện và điều trị sớm khiến các hoạt động của tim ngày càng suy yếu theo thời gian.

Một số bệnh lý tim mạch dễ gây suy tim gồm:

– Các bệnh lý mạch vành

Bao gồm thiếu máu cơ tim, hội chứng vành cấp, co thắt mạch vành,…Tình trạng cơ tim bị thiếu máu do động mạch nuôi dưỡng bị tắc nghẽn hoặc do cục máu đông khiến tim phải làm việc nhiều hơn để tạo máu và bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, lâu dần có thể gây suy tim.

– Hẹp – hở van tim

Tình trạng hẹp van động mạch chủ, hẹp van 2 lá, hở van hai lá nặng, hở van động mạch chủ… đều có thể là tác nhân gây ra suy tim. Cụ thể, tình trạng hẹp van tim khiến máu không được tống hết từ tâm nhĩ sang tâm thất hoặc từ tâm thất ra động mạch chủ. Tình trạng hở van tim khiến máu phụt trở lại buồng tim trước đó, dễ gây to tim và giãn buồng tim do máu tích lại. Hẹp và hở van tim đều khiến lượng máu cung cấp không đủ, khiến tim phải tăng cường hoạt động, dẫn đến suy tim sau một thời gian dài.

– Bệnh tim bẩm sinh

Thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch và những bất thường về cấu trúc tim khác có thể dẫn đến rối loạn lưu thông máu, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu thiếu hụt.

– Rối loạn nhịp tim

Khi tim bị loạn nhịp, hiệu quả bơm máu của tim sẽ bị giảm sút. Điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp đủ máu đi nuôi cơ thể. Đây là tiền đề khiến tim suy yếu và dẫn đến suy tim. 

Ngoài ra, các bệnh cơ tim giãn, tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến suy tim. 

Nguyên nhân suy tim do bệnh tim mạch

Suy tim được coi là “đích đến” cuối cùng của các bệnh lý tim mạch.

1.2 Bệnh tuyến giáp 

Tình trạng hormone tuyến giáp tăng cường hoạt động làm tăng thể tích tuần hoàn. Điều này khiến các sợi cơ tim phải tăng trương lực, tăng sức co bóp, gây suy tim theo thời gian. 

1.3 Bệnh tiểu đường 

Lượng đường huyết tăng cao ở những người bệnh tiểu đường gây rối loạn mỡ máu, rối loạn chức năng lớp nội mô, khiến mạch máu trong thận và tim tổn thương, gây suy tim, suy thận, đột tử.

1.4 Nguyên nhân suy tim do nhiễm trùng

Các loại virus, vi khuẩn, độc tố có thể tấn công trực tiếp vào cơ tim, gây phản ứng viêm tại chỗ viêm toàn thể dẫn đến tổn thương tim. Tình trạng nhiễm trùng cũng có thể gây thiếu máu nặng hoặc tăng áp động mạch phổi. Biến chứng nhiễm trùng có thể gây ra các biến cố tim mạch, thường gặp nhất là suy tim, rối loạn nhịp, hội chứng mạch vành cấp, đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim.

1.5 Tổn thương do thuốc hoặc nhiễm độc

Một số loại thuốc điều trị tim mạch hoặc các bệnh lý khác có thể có tác dụng phụ, ảnh hưởng không tốt đến tim, gây suy tim.

2. Các triệu chứng cảnh báo bệnh suy tim

Bệnh suy tim có thể biểu hiện qua các triệu chứng như:

– Khó thở: Khi tim suy yếu, lượng máu và oxy cung cấp cho phổi giảm, gây ra tình trạng khó thở. Tùy từng giai đoạn suy tim mà mức độ khó thở của người bệnh sẽ khác nhau. Khi bệnh ở mức độ nhẹ nhất, bệnh nhân có thể không khó thở ngay cả khi gắng sức. Tuy nhiên, khi bệnh nặng, người bệnh có thể khó thở cả khi nghỉ ngơi. 

– Phù: Tùy theo giai đoạn của suy tim mà biểu hiện phù sẽ khác nhau. Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy nặng mí mắt khi ngủ dậy, mặt hơi tròn ra. Về chiều 2 bàn chân sẽ bị phù nhẹ. Lấy ngón tay ấn vào phần da chân thì khi nhấc tay lên thấy da vẫn lõm. Triệu chứng phù nề biểu hiện ngày càng rõ ràng khi bệnh nặng hơn, bên cạnh đó là giảm giác cơ thể nặng nề, bụng trướng, ăn không tiêu.

– Mệt mỏi: Bệnh nhân dần thực hiện những hoạt động thường ngày một cách khó khăn và mau kiệt sức ngay cả khi các công việc đó nhẹ nhàng, đơn giản hơn như đi bộ, leo cầu thang,… Nguyên nhân là do tim không bơm đủ máu đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Các biểu hiện đi kèm như suy nhược, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, đau đầu,…

Triệu chứng bệnh suy tim và nguyên nhân gây ra

Sự thiếu hụt lượng máu cung cấp cho cơ thể do tim suy yếu và giảm sức co bóp là nguyên nhân gây mệt mỏi ở bệnh nhân suy tim.

3. Chẩn đoán bệnh suy tim

Kết hợp khai thác các triệu chứng và thực hiện một số phương pháp cận lâm sàng, các bác sĩ có thể kết luận bạn có bị suy tim hay không cũng như mức độ tổn thương.

Các phương pháp cận lâm sàng thường sử dụng trong chẩn đoán suy tim gồm:

3.1 Điện tâm đồ

Phương pháp này giúp kiểm tra độ dày tâm thất, tâm nhĩ, xác định hoặc loại trừ loạn nhịp tim (rung nhĩ, ngoại tâm thu…), thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim. Đây đều là những dấu hiệu gợi ý suy tim.

3.2 X-quang tim phổi

Hình ảnh bóng tim lớn hoặc/và sung huyết phổi trên phim chụp X-quang là dấu hiệu quan trọng gợi ý suy tim. Phương pháp này còn giúp đánh giá nguyên nhân suy tim, hoặc loại trừ khó thở do nguyên nhân khác như tràn dịch màng phổi, màng tim, lao phổi, bệnh phổi mạn tính tắc nghẽn…

3.3 Siêu âm tim

Phương pháp thăm dò chức năng này giúp đánh giá tình trạng co bóp của tim dựa vào phân suất tống máu (EF), tình trạng dày – giãn thất, xác định/loại trừ nguyên nhân suy tim do bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, tràn dịch màng ngoài tim…

3.4 Xét nghiệm BNP

Hormone này thường gia tăng khi thành tim bị căng ra, áp suất trong buồng tim tăng lên. Nếu nồng độ BNP trong máu lớn hơn 500pg/ml thì khả năng rất cao bạn bị suy tim. Khi nồng độ này dao động từ 100-500pg/ml thì có khả năng bạn có suy tim nhưng đang điều trị, bắt đầu suy tim, hoặc mắc bệnh nhồi máu phổi, ung thư phổi

3.5 Các phương pháp khác

Điện giải đồ, Creatinin máu, MSCT mạch vành là những phương pháp có thể giúp tìm nguyên nhân thiếu máu cơ tim.

Chẩn đoán nguyên nhân suy tim bằng phương pháp nào

Chụp X-quang là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh suy tim.

Trên đây là các nguyên nhân suy tim thường gặp, triệu chứng nhận biết và các phương pháp chẩn đoán. Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, cần đi khám Tim mạch ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital