Hiện nay, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tiêm phòng HPV được xem là cách hiệu quả để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh lý sinh dục khác do virus HPV gây nên. Tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng được chỉ định tiêm phòng HPV. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết những trường hợp không tiêm vắc xin phòng ngừa HPV.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan thông tin về vắc xin phòng ngừa HPV
1.1. Vắc xin phòng ngừa HPV?
HPV là virus sinh u nhú ở người lây truyền qua đường tình dục (quan hệ bằng miệng, âm đạo, hậu môn). Ngoài ra, HPV còn có thể lây truyền từ mẹ sang con, tiếp xúc da, thông qua các dụng cụ cắt móng tay, đồ lót,…
Theo nghiên cứu, virus HPV có hơn 100 chủng, trong đó khoảng 40 chủng gây nên các bệnh lý đường sinh dục ở người. Thông thường, HPV được chia làm 2 nhóm chính bao gồm nhóm nguy cơ thấp và nhóm nguy cơ cao.
– Ở nhóm nguy cơ thấp các chủng thường gặp nhất là 6 và 11, các chủng này có thể gây nên các bệnh như sùi mào gà, mụn cóc sinh dục…
– Ở nhóm nguy cơ cao gồm các chủng 16, 18, 31, 33 và 45 đây là những chủng có thể gây ra các tổn thương nội biểu mô cổ tử cung và/hoặc ung thư cổ tử cung, âm đạo, dương vật, hậu môn, thanh quản…
Vắc xin phòng HPV là vắc xin được chế tạo để chống lại sự viêm nhiễm một số chủng HPV đặc biệt. Cụ thể với từng loại vắc xin sẽ có công dụng phòng các type HPV khác nhau. Tiêm vắc xin HPV là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất các bệnh do virus HPV gây ra.
1.2. Các loại vắc xin ngừa HPV được sử dụng hiện nay
Hiện nay tại Việt Nam đang lưu hành 2 loại vắc xin phòng HPV chính là vắc xin Gardasil và vắc xin Gardasil 9. Cả hai loại vắc xin đều được sản xuất từ Mỹ. Cụ thể thông tin về từng loại vắc xin như sau:
– Vắc xin Gardasil giúp bảo vệ cơ thể khỏi 4 chủng HPV là 16, 18, 6 và 11. Trong đó chủng 16 và 18 được coi là 2 chủng nguy hiểm nhất vì chúng là nguyên nhân gây ra các căn bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn. Còn chủng 6 và 11 gây ra bệnh mụn cóc sinh dục.
– Vắc xin Gardasil 9 có khả năng phòng được 9 chủng HPV bao gồm chủng 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 với hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 94%. Được cải tiến từ vắc xin Gardasil cũ, vắc xin Gardasil 9 được bổ sung thêm khả năng phòng bệnh với những chủng HPV khác, gia tăng hiệu quả phòng bệnh.
2. Lưu ý những trường hợp nên tiêm và những trường hợp không tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
Để tiêm phòng HPV an toàn, mọi người nên hiểu kĩ chỉ dẫn của bác sĩ, nắm rõ những đối tượng nên và không nên tiêm vắc xin phòng ngừa HPV.
2.1. Những trường hợp nên tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
Vắc xin HPV tính đến thời điểm hiện tại vẫn được đánh giá là an toàn cho mọi người. Theo những khuyến cáo của bác sĩ, nhóm đối tượng sau nên thực hiện tiêm HPV phòng bệnh:
– Nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi nên tiêm phòng HPV để đạt hiệu quả ngăn ngừa bệnh cao nhất.
– Những trường hợp đã quan hệ tình dục hay quá độ tuổi tiêm vắc xin vẫn nên thực hiện tiêm phòng dù hiệu quả vắc xin không đặt mức tối đa. Độ tuổi càng tăng thì hiệu quả ngăn ngừa bệnh của vắc xin HPV càng giảm.
– Người đã nhiễm HPV vẫn nên thực hiện tiêm phòng nhằm hạn chế khả năng mắc các chủng gây bệnh khác và tránh tái nhiễm.
– Nam giới cũng được khuyến khích tiêm ngừa HPV và có thể thực hiện với các bé trai khi bắt đầu đủ 11 hoặc 12 tuổi.
2.2. Những trường hợp không tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
Hầu hết mọi người đều nên thực hiện tiêm phòng HPV để bảo vệ sức khỏe chính mình. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì không nên thực hiện tiêm phòng HPV. Trong trường hợp muốn tiêm phòng, cần phải hỏi và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
– Những người bị dị ứng, nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin HPV.
– Trường hợp đang bị sốt hoặc mắc các bệnh lý cấp tính và đang trong quá trình điều trị. Cần điều trị khỏi rồi mới có thể cân nhắc tới việc tiêm chủng HPV.
– Phụ nữ đang mang thai hay đang cho con bú không nên tiêm vắc xin phòng HPV vì có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi/ con trẻ. Hiện có ít số liệu về tính an toàn của vắc xin HPV đối với phụ nữ mang thai, vì vậy không nên tiêm vắc xin HPV hoặc trì hoãn cho đến khi kết thúc thai kỳ.
– Những bệnh nhân mắc các bệnh về rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu hay các trường hợp đang dùng thuốc loãng máu cũng không nên tiêm ngừa HPV.
2.3. Phải làm gì nếu nằm trong những trường hợp không tiêm vắc xin phòng ngừa HPV?
Trong trường hợp không thể tiêm vắc xin phòng ngừa HPV, mọi người vẫn có thể thăm khám phụ khoa định kỳ và thực hiện các tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời các loại bệnh phụ khoa, đặc biệt là ung thư cổ tử cung, ung thư các bộ phận sinh dục.
Việc thực hiện tầm soát ung thư có thể bắt đầu thực hiện từ 21 tuổi trở lên. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu để bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối thì khả năng tử vong cao.
Ngoài ra, mọi người cũng nên giữ lối sống và sinh hoạt tình dục lành mạnh, sử dụng các biện pháp bảo vệ và vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ.
Trên đây là lưu ý về các trường hợp không nên thực hiện tiêm phòng HPV. Dù không thể tiêm ngừa HPV thì mọi người cũng nên chú ý tầm soát ung thư định kỳ, sinh hoạt tình dục lành mạnh và giữ gìn vệ sinh cơ thể để tránh nguy cơ lây nhiễm.