Tiêu chảy cấp có thể khiến trẻ mất nước, rối loạn điện giải; đây là những tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng trẻ. Vậy, nên làm gì khi bị tiêu chảy cấp? Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ lời khuyên của chuyên gia về vấn đề này, đọc ngay bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Nghi ngờ trẻ bị tiêu chảy cấp khi nào?
Tiêu chảy cấp là tình trạng phổ biến mà bố mẹ cần nhận biết sớm để điều trị kịp thời. Dưới đây là những dấu hiệu chính để nhận biết tình trạng này ở trẻ:
– Đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày: Trẻ có thể đại tiện đến 10 lần hoặc hơn trong ngày. Phân trẻ thường có kết cấu lỏng như nước hoặc chỉ hơi sệt, có thể chứa chất nhầy hoặc thức ăn chưa tiêu hóa. Màu sắc phân có thể thay đổi, từ vàng nhạt đến xanh hoặc nâu nhạt, tùy thuộc nguyên nhân gây tiêu chảy cấp và chế độ ăn uống của trẻ. Phân thường có mùi hôi mạnh hơn mùi phân bình thường. Bên cạnh triệu chứng đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày, bố mẹ cần chú ý đến tình trạng mất nước, thường đi kèm triệu chứng này. Dấu hiệu của tình trạng mất nước bao gồm mắt trũng, khóc không ra nước mắt, môi khô, lưỡi khô, và ít đi tiểu hơn bình thường.
– Sốt: Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc cao, kèm ớn lạnh.
– Buồn nôn và nôn: Nôn có thể xuất hiện cùng triệu chứng đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày, làm tăng nguy cơ mất nước.
– Đau bụng
– Chán ăn: Do đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày, nôn và đau bụng, trẻ có thể chán ăn.
2. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Làm gì khi bị tiêu chảy cấp?
2.1. Sự nguy hiểm của tiêu chảy cấp với trẻ nhỏ
Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ có thể rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là những nguy cơ mà tình trạng này có thể gây ra cho trẻ nhỏ:
– Mất nước, rối loạn điện giải: Mất nước, rối loạn điện giải là nguy cơ lớn nhất liên quan đến tiêu chảy cấp. Thông qua tình trạng đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày và nôn, trẻ có thể nhanh chóng mất một lượng lớn nước và các chất điện giải như natri, kali. Mất nước, rối loạn điện giải có thể dẫn đến suy kiệt, ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.
– Dinh dưỡng kém: Tiêu chảy cấp khiến cơ thể khó hấp thụ dinh dưỡng từ thực phẩm, dẫn đến suy dinh dưỡng, đặc biệt là nếu tình trạng này tồn tại một thời gian dài hoặc tái đi tái lại thường xuyên.
– Suy giảm miễn dịch: Tiêu chảy cấp có thể làm trẻ suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng có thể làm trẻ suy giảm miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ.
– Biến chứng nghiêm trọng khác: Trong một số trường hợp, tiêu chảy cấp có thể dẫn đến các tình trạng nguy hiểm như sốc nhiễm trùng (khi nhiễm trùng lan rộng vào máu) và các vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến các cơ quan nội tạng.
2.2. Làm gì khi bị tiêu chảy cấp, lời khuyên từ chuyên gia dành cho bố mẹ
Quan sát chặt chẽ các triệu chứng của tiêu chảy cấp là vô cùng cần thiết để dự phòng các rủi ro này. Khi thấy các triệu chứng tiêu chảy cấp, đặc biệt là các triệu chứng nghiêm trọng như mất nước, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để trẻ được thăm khám và điều trị kịp thời.
Điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ em thường bao gồm chăm sóc tại nhà và khi cần thiết, can thiệp y tế. Dưới đây là một số phương pháp điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ:
2.2.1. Bổ sung nước
Bổ sung nước bằng dung dịch oral rehydration salts (ORS) hay oresol là phương pháp quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy cấp. Oresol giúp bù nước và các chất điện giải mất mát do đại tiện phân lỏng nhiều lần trong ngày và nôn. Dung dịch này có thể mua tại các quầy thuốc hoặc cơ sở y tế trên toàn quốc. Ngoài oresol, bố mẹ cũng có thể bù nước và các chất điện giải cho trẻ bằng nước lọc. Nước trái cây không được sử dụng trong trường hợp này vì nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ.
2.2.2. Chế độ ăn uống
Trẻ tiêu chảy cấp vẫn cần tiếp tục ăn; tuy nhiên, bố mẹ nên cung cấp thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như cháo, bánh mì nướng, chuối và táo. Nếu trẻ có dấu hiệu không dung nạp lactose sau tiêu chảy, bố mẹ tránh cho trẻ ăn uống sữa bò và các chế phẩm từ sữa cho đến khi tình trạng tiêu chảy cấp được cải thiện. Ngoài ra, các thực phẩm nhiều đường, chất béo và gia vị cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy cấp, vì thế mà cần tránh.
2.2.3. Thuốc
Bố mẹ không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy cho trẻ. Các loại thuốc này không được khuyến cáo cho trẻ vì chúng có thể gây tác dụng phụ và làm chậm quá trình loại bỏ tác nhân gây tiêu chảy cấp khỏi cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung probiotics có thể rút ngắn thời gian tiêu chảy cấp do probiotics có thể cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
2.2.4. Khi nào trẻ cần được bố mẹ đưa đến bệnh viện
Khi có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng hoặc khi tiêu chảy cấp không thuyên giảm sau 24 giờ, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để trẻ được điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm có thể ngăn chặn các biến chứng và đảm bảo trẻ hồi phục nhanh chóng.
Dù có thể gây mất nước, mất chất điện giải nghiêm trọng, dẫn đến trụy mạch, tử vong…, tiêu chảy cấp ở trẻ em vẫn là tình trạng có thể điều trị hiệu quả nếu được can thiệp kịp thời. Với thông tin về dấu hiệu tiêu chảy cấp cũng như câu trả lời cho câu hỏi làm gì khi bị tiêu chảy cấp được chia sẻ phía trên, Thu Cúc TCI hy vọng rằng bố mẹ sẽ bảo vệ được sức khỏe và ngăn ngừa được các biến chứng nghiêm trọng của tiêu chảy cấp cho trẻ.