Tại Việt Nam, nếu chỉ tính riêng với nữ giới thì ung thư vú là căn bệnh ung thư chiếm hàng đầu (khoảng 20% trong số tất cả các loại ung thư). Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 3 (sau ung thư phổi và ung thư gan). Do đó, việc nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là về căn bệnh ung thư vú đóng vai trò vô cùng quan trọng để chị em phụ nữ kịp thời phòng ngừa. Dưới đây là một số khuyến cáo tầm soát ung thư vú theo ACS để bạn tham khảo.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là khám tầm soát ung thư vú?
Tầm soát (sàng lọc) ung thư vú là việc tiến hành kiểm tra tuyến vú trước khi xuất hiện những triệu chứng nhằm kịp thời dự phòng ung thư. Mục tiêu của các phương pháp sàng lọc này là để tìm ra ung thư ở giai đoạn sớm khi bệnh có thể điều trị hiệu quả.
Do đó, chị em phụ nữ không nên chờ đợi đến khi có triệu chứng mới đi thăm khám, tầm soát ung thư vú. Bởi căn bệnh này thường có diễn tiến âm thầm và hầu như không bộc lộ triệu chứng khi ở giai đoạn sớm. Một số triệu chứng như bị đau, ngứa, tiết dịch, sùi loét,… mà bạn có thể tự phát hiện được là khi ung thư đã tiến triển và xâm lấn.
2. Tham khảo khuyến cáo về độ tuổi tầm soát ung thư vú theo ACS
2.1. Khuyến cáo tầm soát ung thư vú theo ACS cho nữ giới từ 40 – 49 tuổi
Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ ACS, nữ giới nên bắt đầu tầm soát bằng chụp nhũ ảnh từ độ tuổi 45 với chu kì tầm soát mỗi năm cho tới 55 tuổi, sau đó là cách mỗi 2 năm/lần. Việc chọn lựa tầm soát trong khoảng độ tuổi này cần được cân nhắc căn cứ vào đặc điểm cũng như sự lựa chọn của mỗi người. Một người phụ nữ 40 tuổi với nguy cơ mắc bệnh bình thường nhưng lo lắng về ung thư vú và chấp nhận nguy cơ có thể dương tính giả từ tầm soát cũng như các bất lợi của việc chẩn đoán và điều trị quá mức cũng có thể lựa chọn bắt đầu thực hiện tầm soát. Trong khi đó, một phụ nữ khác cũng ở độ tuổi 40 nhưng cân nhắc nhiều hơn tới tỷ lệ mắc bệnh thấp ở nữ giới cùng lứa tuổi cũng như tỉ lệ dương tính giả và chẩn đoán quá mức của nhũ ảnh cũng có thể lựa chọn trì hoãn thời điểm bắt đầu thực hiện tầm soát.
Cũng theo ACS, nhóm tuổi từ 45 – 49 sẽ có nguy cơ xuất hiện căn bệnh ung thư và tử vong do ung thư tương tự với nhóm tuổi từ khoảng 50 – 54 và cao hơn nhóm tuổi 40 – 44. Việc tiến hành tầm soát ung thư vú cho nhóm tuổi 45 – 49 sẽ mang lại lợi ích khi so sánh giữa nguy cơ mắc bệnh tật và tử vong ở nhóm tuổi này với tỉ lệ dương tính giả của chụp nhũ ảnh.
2.2. Khuyến cáo tầm soát ung thư vú theo ACS cho nữ giới từ 50 – 74 tuổi
Nữ giới ở độ tuổi từ 50 – 74 thường được khuyến cáo tầm soát ung thư vú bằng phương pháp chụp nhũ ảnh. ACS khuyến cáo chị em phụ nữ nên tầm soát mỗi năm ở độ tuổi từ 50 – 55, sau đó là mỗi 2 năm hoặc tiếp tục thực hiện mỗi năm.
Cũng theo tổng hợp dữ liệu từ nhiều nghiên cứu lớn, Nelson và cộng sự cho thấy việc tầm soát bằng nhũ ảnh cho nữ giới từ 50 – 74 tuổi sẽ giúp làm giảm nguy cơ tử vong do căn bệnh ung thư vú. Cụ thể, việc tầm soát giúp giảm khoảng 14% nguy cơ tử vong liên quan tới ung thư vú ở nhóm tuổi từ 50 – 59, giảm 33% nguy cơ tử vong liên quan ung thư ở nhóm tuổi từ 60 – 69. Tầm soát cũng đồng thời làm giảm 38% nguy cơ ung thư vú tiến triển xa ở phụ nữ trên 50 tuổi. Lợi ích đạt được là rõ ràng khi so sánh với các tác động bất lợi của tầm soát ung thư vú ở nhóm tuổi 50 – 74.
2.3. Khuyến cáo tầm soát ung thư vú cho nữ giới trên 75 tuổi
Thực tế, không có giới hạn tuổi cho việc thực hiện tầm soát ung thư vú. Theo ACS khuyến cáo, nữ giới nên tiếp tục thực hiện tầm soát nếu thấy tình trạng sức khỏe cho phép. Nhìn chung, bạn cần cân nhắc về lợi ích đạt được và tầm soát chỉ nên được thực hiện tiếp tục nếu tình trạng sức khỏe còn tốt và kỳ vọng sống lớn hơn 10 năm. Do tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú vẫn khá cao cho tới những năm ở lứa tuổi 80, tuy nhiên lớn tuổi đồng nghĩa với lợi ích đạt được thấp hơn bởi số năm sống còn tăng thêm từ việc chẩn đoán và tiến hành điều trị sớm giảm dần khi độ tuổi càng tăng.
Lợi ích của việc thực hiện chụp nhũ ảnh trong tầm soát cũng bị hạn chế ở phụ nữ trên 75 tuổi. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỉ lệ ung thư vú, giai đoạn và tử vong giữa những người được hoặc không được thực hiện tầm soát bằng chụp nhũ ảnh sau tuổi 80.
3. Cần lưu ý gì khi đi tầm soát bệnh ung thư vú?
Ngoài việc lựa chọn thời điểm tầm soát phù hợp trong chu kỳ kinh nguyệt, nữ giới trước khi đi tầm soát ung thư vú cũng cần lưu ý một số vấn đề như sau:
– Hãy mang theo danh sách địa điểm và ngày thực hiện chụp X-quang tuyến vú, sinh thiết hoặc bất kỳ thủ thuật vú nào khác mà bạn đã từng thực hiện.
– Nếu bạn đã thực hiện chụp nhũ ảnh ở một cơ sở khác thì hãy mang theo những hồ sơ đó khi đi tầm soát. Điều này sẽ giúp bác sĩ có thể so sánh hình ảnh cũ với hình ảnh mới để phục vụ cho việc chẩn đoán.
– Không thực hiện chụp X-quang khi vú bị căng cứng để giúp giảm bớt sự khó chịu và giúp thu được hình ảnh chính xác hơn.
– Vào ngày thực hiện tầm soát, bạn không được bôi chất khử mùi, chất chống mồ hôi, phấn, kem hoặc nước hoa ở vùng dưới cánh tay, trên hoặc dưới ngực. Bởi các loại mỹ phẩm này thường chứa một số loại chất có thể hiển thị trên phim X-quang dưới dạng đốm trắng. Điều này có thể dẫn tới sự nhầm lẫn trong chẩn đoán bệnh ung thư vú.
– Trước khi vào phòng chụp X-quang, bạn cần tháo hết trang sức, không mặc áo lót và cần mặc trang phục của bệnh viện để đảm bảo quá trình chụp được diễn ra thuận lợi.
– Hãy khai báo chi tiết về tiền sử bệnh ung thư vú hoặc ung thư cổ tử cung của gia đình bạn, các phương pháp điều trị nếu bạn từng bị ung thư vú trước đó.
Hiện nay, tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đã xây dựng và triển khai các gói tầm soát ung thư vú nhằm giúp chị em nữ giới bảo vệ sức khỏe của mình. Tại đây quy tụ đội ngũ bác sĩ hàng đầu, trang thiết bị hiện đại cùng dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp tận tâm sẽ giúp cho người bệnh an tâm, thoải mái khi đi thăm khám. Vì vậy, nếu bạn đang băn khoăn chưa biết nên lựa chọn địa chỉ thăm khám nào uy tín thì đừng bỏ qua Thu Cúc TCI nhé!