Khi nào cần siêu âm? Cần làm gì khi siêu âm? Đây là thắc mắc được nhiều người đặt ra. Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng phổ biến trong y tế, sử dụng sóng siêu âm (sóng âm tần số cao) để xây dựng và tái tạo hình ảnh về cấu trúc bên trong cơ thể. Những hình ảnh này giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Khi nào cần siêu âm thai?
Siêu âm thường được sử dụng để kiểm tra các bộ phận, cơ quan trong cơ thể như: Ổ bụng, sản khoa, tim mạch, phụ khoa, tiết niệu, tiền liệt tuyến, tuyến giáp, tuyến vú… và hỗ trợ các kỹ thuật y học khác.
Siêu âm là một kỹ thuật phổ biến, hiệu quả và an toàn tuy nhiên cần siêu âm theo đúng chỉ định và thời điểm được bác sĩ khuyến cáo. Nếu không cần thiết thì không nên lạm dụng siêu âm. Ví dụ: siêu âm khi mang thai, khi kiểm tra phụ khoa định kỳ hoặc khi người bệnh có triệu chứng bất thường như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, kiểm tra vú định kỳ hoặc khi có bất thường ở vú như: đau vú, sờ thấy u, mảng ở vú, tiết dịch đầu vú…
Vậy khi nào nên đi siêu âm thai? Chị em nên siêu âm thai vào các mốc khám thai quan trọng khi thai ở tuần thứ 5-7, 12 tuần, 18 tuần, 22-24 tuần, 28 tuần, 32 tuần, 36 tuần và các tuần cuối của thai kì.
2. Cần làm gì khi siêu âm?
Chuẩn bị cho siêu âm như thế nào phụ thuộc vào vị trí cần kiểm tra trên người bệnh nhân. Một vài loại siêu âm không cần phải chuẩn bị nhưng cũng có một vài loại khác yêu cầu bệnh nhân phải kiêng một số loại thực phẩm hoặc phải uống nước, nhịn tiểu khoảng vài giờ trước khi thực hiện siêu âm. Ví dụ: Siêu âm khảo sát bệnh của túi mật bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn trước khi đi siêu âm; Siêu âm bụng: bệnh nhân phải uống nhiều nước làm đầy bàng quang (buồn tiểu thật nhiều); Siêu âm đầu dò âm đạo: bàng quang phải trống rỗng (không cần nhịn tiểu)…
Người bệnh nên mặc quần thoải mái, quần áo rộng rãi khi khám.Tùy thuộc vào từng loại siêu âm, người bệnh có thể phải cởi bỏ quần áo, mặc áo choàng hoặc váy khi thực hiện siêu âm.
Khi bắt đầu thực hiện siêu âm, người bệnh sẽ được yêu cầu nằm ngửa trên bàn khám. Bác sĩ sẽ bôi chất gel lên vùng cơ thể cần khảo sát để giúp đầu dò tiếp xúc chắc chắn với cơ thể và hạn chế không khí chen vào giữa đầu dò và da bệnh nhân. Chất gel này trong suốt và dễ dàng lau sạch sau khi siêu âm xong.
Sau đó, bác sĩ sử dụng đầu dò có chức năng vừa phát vừa thu sóng siêu âm tì sát vào da bệnh nhân và quét nó trên những vùng cơ thể cần khám. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau hay khó chịu.
Khi đi khám bệnh, nếu bác sĩ chỉ định siêu âm, người bệnh cần làm theo đúng hướng dẫn chuẩn bị của bác sĩ. Tại khu vực thực hiện siêu âm, người bệnh cần làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Không nên e ngại khi phải cởi bỏ quần áo hoặc thực hiện siêu âm đầu dò vì đây là những thủ thuật thông thường trong khám bệnh.
Trong khi siêu âm, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng cụ thể của mình để được tư vấn và có kết quả chẩn đoán chính xác nhất.