Menu xem nhanh:
Nguyên nhân gây chấn thương rách sụn chêm
Sụn chêm là một trong những thành phần quan trọng của khớp và dễ bị tổn thương nhất. Rách sụn chêm đầu gối thường gặp trong tai nạn giao thông, chấn thương thể thao…
Sụn chêm rách theo nhiều kiểu khác nhau thường gặp là rách dọc, rách ngang, rách hình nan hoa, hình vạt, hình mỏ, hình quai vali và rách phức tạp. Theo vị trí: rách sừng trước, sừng sau, thân; rách vùng vô mạch, vùng có mạch nuôi.
Khi nào cần phẫu thuật cắt bỏ sụn chêm?
Sau khi thăm khám, kiểm tra bằng các phương pháp chụp chiếu cần thiết, bác sĩ sẽ căn cứ vào vị trí và mức độ tổn thương sụn chêm để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể, các cách chữa trị bao gồm:
-Trường hợp rách ở vị trí 1/3 ngoài sụn chêm: Vị trí này được cấp máu tốt nên dễ liền thương tổn. Nếu chỉ rách nhỏ, vết thương sẽ tự liền. Nếu là vết rách lớn, bác sĩ sẽ cho khâu bảo tồn qua phương pháp nội soi.
-Trường hợp rách ở vị trí 2/3 trong: Vị trí này khả năng cấp máu kém nên vết thương rất khó liền. Cách điều trị thông thường là tiến hành phẫu thuật nội soi cắt bỏ phần rách.
Ngoài điều trị bằng phẫu thuật, những trường hợp nhẹ có thể được điều trị bảo tồn (không phẫu thuật). Cụ thể, những trường hợp rách nhỏ ở bờ ngoại vi, lâm sàng không đau, gối còn vững thì không cần phẫu thuật. Điều trị ngay sau chấn thương bằng cách: chườm đá, băng chun gối, hạn chế vận động. Người bệnh cần nghỉ ngơi, bất động, đồng thời dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid như celebrex, mobic… thuốc giảm phù nề.
Các cách phẫu thuật rách sụn chêm
-Cắt toàn bộ sụn chêm: Sụn chêm được cắt hoàn toàn đến tận bao khớp.
-Cắt một phần sụn chêm: Phẫu thuật cắt bỏ phần sụn chêm bị tổn thương. Chỉ định khi rách sụn chêm vùng vô mạch.
-Khâu sụn chêm: Được chỉ định khi vị trí rách vùng giàu mạch máu nơi tiếp giáp với bao khớp, loại rách dọc dài khoảng 2cm, rách mới không quá 8 tuần.
Lời khuyên từ bác sĩ:
Khi xảy ra chấn thương, người gặp nạn nên đến bệnh viện kiểm tra ngay. Sau đó, từ tình trạng thương tổn mà có cách điều trị phù hợp. Người bệnh nên tuân theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý điều trị hoặc nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn mà điều trị sai cách, không qua thăm khám.