Bệnh viêm xương khớp ngày nay đã trở thành vấn đề sức khoẻ phổ biến. Bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cũng nên áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học trong điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm đau nhức xương khớp do thời tiết và cải thiện hiệu quả điều trị. Như vậy, khám dinh dưỡng cho người bệnh xương khớp trở nên cần thiết.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu chung về bệnh xương khớp
Tỷ lệ mắc các bệnh về cơ, xương, khớp ngày càng gia tăng do những nguyên nhân chính sau:
– Tuổi cao: khiến các khớp theo thời gian bị mài mòn, lão hóa dẫn đến các chức năng của xương khớp và cơ thể giảm, đồng thời lượng máu để nuôi các vùng khớp sẽ giảm sút đáng kể do thiếu dưỡng chất.
– Chế độ ăn uống không đầy đủ, thiếu những vi chất thiết yếu như canxi, vitamin D… để nuôi khớp xương khoẻ mạnh.
– Nhiễm virus hay vi khuẩn: Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh xương khớp, nhất là với trường hợp bệnh thấp khớp thường hay xuất hiện sau khi bị viêm họng do nhiễm khuẩn. Trong đó chế độ dinh dưỡng không đầy đủ cũng được xem là nguyên nhân giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây bệnh.
– Bị rối loạn chuyển hóa cụ thể là tăng axit uric – nguyên nhân chính gây ra bệnh gout. Một số trường hợp còn bị rối loạn tuần hoàn, thiếu máu ở khu vực cột sống hoặc do dây thần kinh bị kéo giãn quá mức gây ra tình trạng rối loạn chức năng của dây thần kinh.
– Dị dạng bẩm sinh: các cơ xương khớp như dây chằng bị lỏng lẻo hay hiện tượng khớp bất đối xứng, lệch trục khớp.
– Đau xương khớp do tổn thương: những người có công việc mang vác nặng thường xuyên, người thừa cân béo phì, làm khớp bị tổn thương do va đập hoặc phải gánh chịu lực nén quá mức trong thời gian dài.
2. Vai trò dinh dưỡng trong điều trị bệnh liên quan đến xương khớp
Theo các chuyên gia, hệ thống cơ, xương và khớp cũng như các bộ phận khác của cơ thể cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ. Một trong những yếu tố để đảm bảo xương khớp luôn khoẻ mạnh tốt, phục vụ tốt hoạt động hàng ngày của con người là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Chính vì thế, để điều trị các bệnh lý về cơ, xương, khớp, ngoài việc sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thì chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp giảm thiểu đáng kể những khó chịu do bệnh xương khớp gây ra.
Khoa học đã chứng minh được một chế độ dinh dưỡng tốt có khả năng giúp xương khớp luôn chắc khỏe và dẻo dai. Cùng với đó là tránh được tình trạng bệnh thoái hóa khớp và xương khớp hay gặp ở người trung niên. Nguyên tắc chung nhất về chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh cơ, xương, khớp cần phải cân bằng và đa dạng hóa việc hấp thu các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy. Ngoài ra, với người bệnh cơ, xương, khớp cần phải kết hợp các bài tập vận động, thể dục thể thao phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
3. Quy trình khám dinh dưỡng cho người mắc bệnh xương khớp
3.1 Thăm khám và xét nghiệm trong khám dinh dưỡng cho người bệnh xương khớp
Quy trình khám dinh dưỡng cho người mắc bệnh xương khớp thường bao gồm thăm khám lâm sàng và xét nghiệm:
– Bệnh nhân được phân tích chỉ số cơ thể với hệ thống thiết bị chuyên dụng.
– Bác sĩ chuyên khoa thăm khám lâm sàng, tìm hiểu biểu hiện của bệnh xương khớp trong thời gian gần cũng như thói quen ăn uống để xác định nguyên nhân gây bệnh hoặc dạng bệnh.
– Chỉ định xét nghiệm chuyên sâu để xác định có mắc các bệnh lý khác hay không. Từ đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
3.2 Tư vấn điều trị trong khám dinh dưỡng cho người bệnh xương khớp
Chế độ dinh dưỡng dành cho người mắc các bệnh lý về xương khớp cần đảm bảo các quy tắc quan trọng nhất là: Bổ sung cân bằng và đa dạng các loại vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng khác có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, protein.
Ngoài ra chế độ ăn uống được tư vấn chi tiết phụ thuộc vào tình trạng bệnh xương khớp của từng người, cụ thể:
– Với những người bị thừa cân, béo phì phải thực hiện chế độ ăn uống giảm cân khoa học vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng bởi vì thừa cân, béo phì cũng là một trong những tác nhân dẫn tới các bệnh liên quan đến xương khớp. Khi giảm cân đồng nghĩa việc giảm áp lực cho khớp, cơ và xương.
– Đối với trường hợp người gầy yếu, thiếu vi chất thì nên ăn thành nhiều bữa nhỏ để hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, hạn chế bệnh viêm khớp dạng thấp.
– Bệnh nhân bị thoái hóa khớp nên cần cung cấp lượng protein (đạm) nhiều hơn, sử dụng nhiều dầu thực vật, omega 3 và dầu cá. Người bệnh nên bổ sung thịt lợn, gà, cá biển, tôm, cua, kết hợp với ăn nhiều rau. Ngoài ra nên thêm trái cây tươi điển hình là đu đủ, dứa, chanh, bưởi vào khẩu phần ăn hàng ngày vì đây là nguồn cung ứng men kháng viêm, giảm đau nhức xương khớp hiệu quả.
– Bệnh nhân bị gout phải có chế độ ăn hạn chế đạm đặc biệt là đạm từ nội tạng động vật như gan, thận, tim… Đồng thời hạn chế các chất béo xấu từ mỡ động vật và không dùng các đồ uống có cồn. Thay vào đó người bệnh bị gout nên ăn dầu đậu nành, dầu hạnh nhân….kết hợp với rau lá xanh như rau cải, rau mồng tơi… Trong trường hợp người bị bệnh mạn tính bắt buộc cần nghiêm túc thực hiện chế độ ăn uống từ bác sĩ để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường.
Như vậy, chế độ dinh dưỡng cho những trường hợp mắc các bệnh lý liên quan đến xương khớp khá phức tạp. Người bệnh không thể tự ý tìm hiểu và tự bổ sung các vi chất vào cơ thể. chính vì lý do này, để đảm bảo sức khoẻ đồng thời tăng hiệu quả điều trị bệnh thì khám dinh dưỡng là việc làm thiết yếu và quan trọng.